6. CHƯƠNG 6: NUNG
6.2.5. Tốc độ nâng và tốc độ giảm nhiệt độ
Tốc độ nâng nhiệt độ lúc nung sản phẩm gốm sứ phụ thuộc chủ yếu là quá trình biến đổi các cấu tử trong phối liệu theo nhiệt độ và đặc tính của từng loại sản phẩm (dày, mỏng, to, nhỏ v.v...), tuỳ thành phần khoáng vật của phối liệu mà ứng với các
khoảng nhiệt độ nhất định sẽ xảy ra quá trình biến đổi thù hình, hiệu ứng thu, toả nhiệt, phản ứng hoá học, kết khối, xuất hiện pha lỏng v.v...
Tóm lại trong quá trình nâng nhiệt chúng ta phải quan tâm đến:
- Các nguyên liệu phụ (nhất là các hợp chất thiên nhiên) như đá vôi, đôlômit hay tạp chất có hại khác nhau (Na2SO4, MgSO4 dễ tan...)
- Chiều dày thành, hình dáng sản phẩm.
- Lưu ý đến các khoảng nhiệt độ có các hiệu ứng đột biến (bao gồm cả biến đổi thù hình, phân huỷ ...)
- Cấu tạo và loại lò nung.
- Đặc tính của sản phẩm (để chọn nung một lần hay 2 lần, có tráng men hay không, nung trong bao hay nung trần)
Tốc độ giảm nhiệt độ không hợp lý lúc làm nguội (trong trường hợp sản phẩm gốm sứ loại đơn giản, thành mỏng, khối lượng bé) còn nguy hiểm hơn tốc độ nâng nhiệt độ không hợp lý.
Tốc độ làm nguội chẳng những có ảnh hưởng đến việc phát triển các tinh thể pha rắn mà còn liên quan đến sự xuất hiện ứng suất nội trong sản phẩm chứa pha thuỷ tinh. Pha lỏng khi hạ nhiệt độ sẽ chuyển từ trạng thái dẻo nhớt sang dòn kèm theo co thể tích lớn. Nếu co không đều (ngoài nguội nhanh co trước) gây ứng suất làm nứt vỡ sản phẩm nhất là loại lớn, dày và hình dạng phức tạp. Trường hợp pha rắn có mặt các khoáng có đặc tính biến đổi thù hình mãnh liệt sẽ làm thay đổi cấu trúc và thể tích ở giai đoạn chuyển pha lại càng nguy hiểm nếu chế độ làm nguội không hợp lý.
Thông thường pha thuỷ tinh trong sản phẩm gốm sứ chuyển từ trạng thái dẻo nhớt sang dòn trong phạm vi 900-8000C, do đó từ nhiệt độ nung cực đại đến khoảng 9500C được phép làm nguội nhanh, sau đó tốc độ làm nguội giảm dần.
Loại sản phẩm chứa nhiều SiO2 dạng tự do thì ở 5730C là giai đoạn nguy hiểm.