5.4.1 Giải pháp về quản trị
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ để quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn. Bằng các giải pháp : không ngừng tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ, luân chuyển cán bộ phù hợp với sở trường công tác, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và tạo mọi nổ lực trong công tác của cán bộ. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát nội bộ.
Các phòng ban cần tập trung chuyên sâu vào công tác quản lý của mình. Cụ thể như: -Phòng tổ chức-hành chánh : trong công tác đào tạo cán bộ cần đào tạo đúng hướng, đúng mục đích và dự kiến được nhu cầu cho tương lai, tránh đào tạo tràn lan, tập trung vào một ngành nghề nào đó quá nhiều trong khi nhu cầu chưa thật sự cần thiết.
-Phòng kế hoạch-tổng hợp : thực hiện công tác xây dựng kế hoạch kinh doanh cần có chiến lược dài hạn, đúng thực tế. Xây dựng kế hoạch phải chi tiết, cụ thể, rõ ràng. Thường xuyên có đánh giá, so sánh, báo cáo kịp thời cho ban lãnh đạo.
-Phòng kỹ thuật và phòng vật tư : cần quản lý chất lượng phương tiên sâu sát hơn, theo dõi định kì việc duy tu, bảo dưỡng, đăng kiểm phương tiện. Nguyên vật liệu cần tăng cường quản lý, cung ứng kịp thời, không thể để tồn kho quá nhiều nhưng cũng không thể thiếu khi cần sử dụng.
-Phòng kế toán-tài vụ : tăng cường công tác kế toán quản trị, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đến từng khoản nhỏ nhất, có phân tích, đánh giá, đề xuất đúng đắn trong quản lý.
5.4.2 Giải pháp về Marketing
Hoạt động cơ khí rất yếu trong lĩnh vực tiếp thị sản phẩm, khả năng nắm bắt, khai thác và đáp ứng nhu cầu thị trường còn yếu. Vì vậy mà xí nghiệp Cơ Khí cần xây dựng riêng cho mình phòng marketing, để tìm hiểu những thông tin về thị trường, về khách hàng, sản xuất cái mà thị trường cần. Tạo được sự năng động, thích ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường.
5.4.3 Giải pháp về sản xuất-tác nghiệp
Lập kế hoạch kinh doanh cho công ty phà An Giang GVHD : Nguyễn Vũ Duy
-Định mức tiêu hao nhiên liệu phải được cập nhật, đánh giá lại hàng năm. Với tình hình giá dầu luôn tăng như hiện nay thì các nhà cung cấp nhiên liệu cần chọn là các đại lí cấp I để giảm chi phí do không phải thông qua nhiều khâu trung gian.
-Thay đổi phương tiện máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
-Về công tác chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh : để có thể chủ động đối với những thay đổi của thị trường, cần phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, chi tiết cho từng xí nghiệp trong công ty.
-Tăng doanh thu đồng thời giảm thiểu chi phí quản lý : đánh giá hoạt động của công ty trong thời gian gần đây cho thấy các chi phí đều tăng tuyệt đối, trong đó chi phí quản lý chiếm hơn 7% doanh thu . Do đó cần có những giải pháp để giảm bớt chi phí quản lý như : tăng cường kiểm soát nội bộ để tránh xảy ra tiêu cực, cải tiến quản lý lao động, bố trí hài hòa cơ cấu lao động trực tiếp và gián tiếp, hạn chế nhận thêm lao động…
Ngoài các giải pháp trên, để hoạt động kinh doanh ngày càng có hiệu quả công ty cần phải có kế hoạch sắp xếp lại hoạt động của các xí nghiệp, đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng liên kết, liên doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chương 6
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Trong nền kinh tế thị trường với cạnh tranh gay gắt thì hoạt động kinh doanh luôn phải đối đầu với những khó khăn. Việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh là một công cụ giúp công ty đánh giá được những mặt mạnh, mặt yếu của mình, đồng thời đề ra chiến lược kịp thời, phù hợp, thích ứng với sự thay đổi của môi trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Có thể nói, công ty Phà An Giang là một đơn vị làm ăn kinh doanh có hiệu quả với doanh thu ngày một tăng. Tuy vậy, muốn duy trì được sự phát triển ổn định và bền vững thì cần phải có những giải pháp thiết thực. Vì vậy mà việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho công ty phải là việc làm thường xuyên, lâu dài.
Công ty cần có những chiến lược, giải pháp cụ thể để nắm bắt kịp thời những thông tin, tận dụng mọi cơ hội để mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm từng bước đưa công ty trên đà phát triển.
Qua thực trạng của đơn vị và một số tình hình kinh tế-xã hội đúc kết từ hoạt động thực tiễn, tôi xin có một vài kiến nghị sau :
- Với Tỉnh :
+ Cần có những qui định, kiểm tra chặt chẽ các bến đò tư nhân để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
+ Đoạn quản lý đường sông và các ngành chức năng cần có những biện pháp bảo vệ phao tiêu báo hiệu đường thủy, tránh mất mát thường xuyên như hiện nay làm ảnh hưởng đến công tác an toàn giao thông đường thủy.
+ Cho phép công ty xử lý thường xuyên các bến bị bồi lắng để nâng cao chất lượng phục vụ, an toàn trong vận chuyển
- Với công ty :
+ Tăng cường khâu kiểm soát nội bộ, lập đường dây nóng hoặc có hộp thư góp ý để kịp thời phát hiện và tố giác những tiêu cực xảy ra ở các bến phà.
+ Hỗ trợ nhiều hơn cho các xí nghiệp Cơ Khí, xí nghiệp VTSB trong công tác tìm kiếm thị trường, khách hàng để hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực này ngày càng phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu.
+ Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách bằng những biện pháp : tăng cường giữ gìn an ninh trật tự tại các bến phà, giữ vệ sinh bến bãi sạch sẽ, đội ngũ nhân viên bán vé, kiểm soát vé có thái độ nhiệt tình, niềm nở đối với khách hàng, tăng thêm số chuyến phà hoạt động vào những giờ cao điểm để phục vụ hành khách qua lại được nhanh chóng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty Phà An Giang năm 2006
2. Phạm Ngọc Thúy. 2002. Kế Hoạch Kinh Doanh. Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia TP.HCM
3. Huỳnh Phú Thịnh. 2005. Xây Dựng Chiến Lược Phát Triển Cho Công Ty AGFISH Giai Đoạn 2005-2010. Luận văn thạc sĩ kinh tế. Trường Đại Học Kinh Tế TP.HCM 4. Huỳnh Phú Thịnh.2005. Giáo Trình Chiến Lược Kinh Doanh. Khoa Kinh Tế-Trường Đại Học An Giang.
5. Võ Dũng Sĩ. 2004.Thực Trạng Và Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Sản Xuất Kinh Doanh Tại Công Ty Phà An Giang. Tiểu luận Trung cấp Chính Trị. Trường Chính Trị Tôn Đức Thắng.
6. Lê Yến Nhi. 2004. Lập Kế Hoạch Kinh Doanh Cho Công Ty Dược Phẩm An Giang. Luận văn cử nhân kinh tế. Trường đại học Cần Thơ.