Nguyễn Trãi là khai quốc công thần bậc nhất của triều Lê sơ, người đã thảo "Bình ngô đại cáo" - một thiên cổ hùng văn bất hủ của dân tộc ta, một danh nhân văn hoá thế giới, được tổ chức kỷ niệm nhân dịp 600 năm ngày sinh (1980).
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cha là Nguyễn ứng Long (tức Phi Khanh) quê xã Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương sau dời về ở làng Nhị Khê, Thường Tín (Hà Tây ngày nay), dạy học ở làng Chi Ngãi, Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (cháu 4 đời của Thái sư Trần Quang Khải).
Tháng 3/1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh lấy cớ đó đưa quân sang xâm lược nước ta. Trương Phụ đem quân đánh bắt được cha con Hồ Quý Ly cho giải về Trung Quốc, chúng đem theo cả Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng khóc theo cha đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con nên về để "đền nợ nước, trả thù nhà!".
Nghe theo lời cha dạy, Nguyễn Trãi trở về thì bị quân Minh bắt giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội) nhiều năm, Hoàng Phúc đã nhiều lần mua chuộc, dụ dỗ Nguyễn Trãi theo chúng, nhưng Nguyễn Trãi nhất định không nghe, chịu cảnh sống nghèo khổ bằng nghề dạy học để chờ thời cơ.
Sau Nguyễn Trãi đã cùng Trần Nguyên Hãn trốn vào Lam Sơn (Thanh Hoá) theo phò Lê Lợi. Nguyễn Trãi đã đem sách "Bình Ngô" không nói đến đánh thành mà chỉ chú ý vào việc thu phục lòng người. Sách được Lê Lợi chấp nhận và lấy làm tư tưởng chỉ đạo suốt cả cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Nguyễn Trãi được Lê Lợi tin dùng, cử làm quân sư, giữ luôn bên mình để bàn đại sự.
Theo kế sách của Nguyễn Trãi và sự thỉnh cầu của các tướng, ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi xưng là Bình định vương phất cờ khởi nghĩa, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Minh kéo dài suốt 10 năm gian khổ, nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, lúc nào Nguyễn Trãi cũng ở bên cạnh Lê Lợi để bàn mưu định kế.
Cuộc kháng chiến trường kỳ đó là một cuộc chiến tranh nhân dân, dùng du kích chiến để tiêu hao sinh lực địch, nghĩa quân ngày một mạnh lên, đã dùng kế sách của Nguyễn Trãi là "vây thành diệt viện". Quân ta bao vây thành Đông Quan, thuyết phục giặc đầu hàng. Nhà Minh sai tướng An viễn hầu Liễu Thăng dẫn 10 vạn quân và Kiềm quốc công Mộc Thạnh dẫn 5 vạn quân theo hai đường sang cứu viện.
Lê Lợi đã theo kế sách của Nguyễn Trãi cử Đại tư đồ Trần Nguyên Hãn hạ thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng đến. Sau đó, Trần Nguyên Hãn dẫn quân đến mai phục ở Chi Lăng.
Ngày 20 tháng Chín năm Đinh Mùi (1427), nghĩa quân chém được đầu Liễu Thăng ở núi Mã Yên, làm nên chiến thắng Chi Lăng đánh bại 100 nghìn viện binh của nhà Minh.
Mười vạn viện binh của Liễu Thăng bị đại bại, đạo quân của Mộc Thạnh không đánh mà tan. Vương Thông bị vây trong thành Đông Quan, cùng kế phải "xin hoà".
Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã lấy đức hiếu sinh cấp lương thực cho 10 vạn quân Minh được an toàn rút về nước. Năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Nguyễn Trãi được Lê Lợi uỷ thác thảo chiếu "Bình Ngô đại cáo" (Bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Tổ quốc ta).
Trong lễ mừng công ban thưởng sau chiến thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, chức Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư kiêm Quản công khu mật viện, nhưng Nguyễn Trãi không được vua Lê Thái Tổ tin dùng nữa, nên những hoài bão lớn lao, muốn xây dựng xã hội thịnh trị như thời Nghiêu, Thuấn đều không được thực hiện.
Nguyễn Trãi đã xin cáo quan về nghỉ ở Côn Sơn. Vui với rặng thông, rừng trúc, xa lánh triều đình lắm gian thần, nịnh hót. ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã sáng tác rất nhiều thơ văn cho hậu thế.
Trước khi mất, có lẽ Lê Lợi đã nhận thấy lỗi lầm của mình, đã dặn lại Thái tử Nguyên Long phải trọng dụng Nguyễn Trãi, nên Lê Thái Tông đã vời Nguyễn Trãi về kinh đô giúp việc nước. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng Nguyễn Trãi vẫn hăng hái đem hết tài trí để phục vụ cho dân, cho nước.
Nhưng không ngờ, sự kiện bi thảm nhất dưới triều Lê là cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông gây ra vụ án oan nghiệt giáng xuống Nguyễn Trãi và gia đình ông vào tháng 8 năm 1442 mà sử xưa gọi là vụ án "Lệ chi viên" (vụ án vườn vải).
Ngày 27 tháng Bảy năm 1442, Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng Tám, vua về đến Lệ chi viên thuộc huyện Gia Định (nay là Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40 được vua rất yêu quý vì sắc đẹp, văn thơ hay. Khi ở Lệ chi viên, vua đột ngột mất tại đó. Các quan bí mật đưa về kinh đô, nửa đêm ngày 6 tháng 8 mới phát tang.
Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án "tru di tam tộc" rất thảm thương.
Hai mươi năm sau, kể từ khi Nguyễn Trãi bị hại, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi và cấp cho con cháu Nguyễn Trãi 100 mẫu ruộng để dùng vào việc thờ cúng vị "khai quốc công thần" bị chết oan. Trong khúc "Quỳnh uyển ca", vua Lê Thánh Tông viết:
"Ức Trai (1) tâm thượng quang Khuê tảo" (Lòng Ức Trai sáng như sao Khuê)
* Chú thích:
(1)Ức Trai là hiệu Nguyễn Trãi