biệt Thúy Kiều"
Sau khi ra khỏi lầu xanh lần thứ nhất và được đoàn tụ với Thúc Sinh, Thúy Kiều được sống trong những ngày tháng ấm êm, hương lửa thêm nồng. Tuy nhiên, nàng vẫn sợ vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư nên đã giục chàng về thưa lại với Hoạn Thư để nàng xin làm lẽ. Với Kiều, đây là chuyến đi đầy lưu luyến và tràn trề niềm tin hi vọng:
"Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau…"
Đây là đoạn trích miêu tả thành công những xúc cảm, nỗi mừng lo lẫn lộn, và vượt lên trên tất cả là nỗi niềm của một tâm hồn chất chứa những mâu thuẫn. Qua những biện pháp tu từ nghệ thuật, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh phong cảnh nên thơ và bộc lộ tâm sự của người đi kẻ ở trong buổi tiễn biệt.
Cuộc chia tay được diễn tả trong 8 câu thơ, được chia thành 2 phần. Bốn câu đầu phác họa nên bức tranh thiên nhiên lúc chia tay, bốn câu sau là tâm sự của mỗi người khi tiễn biệt. Khung cảnh biệt ly, thấm đẫm nỗi buồn da diết có sức khái quát cao: "Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san. Dặm hồng bụi cuốn chinh an, trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh...". Không gian dường như thay đổi liên tục, từ cánh rừng phong đỏ thẫm, sang con đường thiên lý mà Thúc Sinh đang ruổi ngựa nơi cuối trời. Cả một màu quan tái đã hiện dần lên trong đôi mắt nàng Kiều, những cụm từ quan san, dặm hồng, rừng phong đã tạo nên ấn tượng chia ly, buồn nhưng vẫn mang sắc thái trang trọng. Đặc biệt trong 4 câu thơ này, sự xuất hiện của các từ ngữ Hán Việt đã mang lại sắc thái tu từ cho một cảnh chia ly trang trọng đầy nhung nhớ. Ngoài ra, ở những câu thơ này, tác giả còn sử dụng những thủ pháp như: hoán dụ, đảo ngữ, tượng trưng… góp phần nhấn mạnh những thuộc tính khá đặc biệt của đối tượng.
"Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san".
Thúy Kiều buông vạt áo cũng là buông khỏi Thúc Sinh, chia bào là một hoán dụ cũng như chiếc yên ngựa của người đi xa, nó dùng để chỉ con ngựa nhưng cũng là ám chỉ người đi xa. Và cuộc ra đi này là một cuộc ra đi định mệnh, nó đã đưa cuộc đời Kiều đi sang một chặng đường mới, khổ đau, tủi nhục, ê chề. Ở một trường hợp khác, nhà thơ đã vận dụng biện pháp định danh "màu quan san" câu thơ "Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san" để nhấn mạnh cái cảm giác nhỏ bé, đơn độc của con người, sự mênh mông của nỗi buồn man mác trước không gian bao la, rộng lớn.
Tác giả đã dụng công miêu tả ngắn gọn nhưng thấm tình, không một lời nói, một cuộc chia ly hoàn toàn câm lặng nhưng chất chứa trong nó những hy vọng tràn trề nhưng cũng rất tâm trạng. Bốn câu thơ sau là cuộc sống đơn lẻ của mỗi người, nàng
thì mòn mỏi trông mong, thao thức suốt đêm khuya, còn chàng thì một mình rong ruổi nơi dặm trường. Nghệ thuật tương phản với những cặp đối lập và được biểu hiện qua hình thức tiểu đối như người về - kẻ đi, chiếc bóng - năm canh, muôn dặm - một mình… đã tô đậm sự cách biệt giữa hai người và dường như nó cũng báo hiệu một sự cách xa mãi mãi. Riêng ở câu thơ:
"Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!"
Nguyễn Du đã vận dụng thủ pháp ẩn dụ một cách đắc địa. Vầng trăng ai xẻ ẩn dụ cho cuộc sống lứa đôi hạnh phúc bị chia loan rẽ phụng. Gối chiếc là ẩn dụ về sự cô đơn của Kiều, dặm trường là hình ảnh con đường thiên lý xa xăm.
Ngoài ra, ở câu thơ này, tác giả Truyện Kiều còn sử dụng thủ pháp ngoa dụ hay cường điệu, thậm xưng phóng đại để nhấn mạnh những thuộc tính của hoàn cảnh, tình cảnh nhằm bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa của cuộc chia ly.
Có thể nói, cùng với thủ pháp ẩn dụ, ngoa dụ, dùng từ Hán Việt thì thủ pháp nhân cách hóa, sóng đôi cú pháp… cũng góp phần làm nên thành công của đoạn trích. Thông qua những biện pháp tu từ này, tác giả không những tái hiện được bức tranh phong cảnh lúc chia ly với những chất chứa khôn tả của người đi kẻ ở mà nhà thơ còn có thể diễn tả được thời gian đằng đẵng lẻ loi cô độc của người thiếu phụ trong một không gian thu buồn bã quá trống trải. Đoạn trích dường như đã mang lại cho người đọc cảm giác bâng khuâng đậm một nỗi buồn trước cuộc chia ly định mệnh. *