Những thuận lợi và khó khăn khi sử dụng phương pháp BTNB tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Phương pháp _Bàn tay nặn bột_ trong dạy học các môn khoa học ở trường tiểu học và trung học cơ sở (Trang 96 - 99)

BTNB tại Việt Nam

4.1.1. Thuận lợi

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó đổi mới phương pháp dạy học là một trong các nhiệm vụ cấp bách. Cùng với các phương pháp dạy học tích cực khác đang được triển khai, phương pháp BTNB đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đầu tư nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn để tưng bước triển khai áp dụng trong các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Phương pháp BTNB là một phương pháp có tiến trình dạy rõ ràng, dễ hiểu, có thể áp dụng được ở điều kiện của Việt Nam. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn nhiệt tình, ham học hỏi là điều kiện tốt thúc đẩy việc áp dụng phương pháp BTNB vào trong dạy học các môn khoa học ở trường THCS.

Qua quá trình thử nghiệm, áp dụng phương pháp BTNB vào trong các lớp học, có thể nhận thấy sự ham thích của học sinh. Các em hứng thú với những hoạt động tìm hiểu kiến thức mới. Điều này chứng tỏ học sinh luôn ham thích được học tập, hăng say tìm tòi và sang tạo.

4.1.2. Khó khăn

Trong các lớp học hiện nay, bàn ghế được bố trí theo dãy, nối tiếp nhau, không thuận lợi cho việc tổ chức học theo nhóm. Trong khi đó, phần lớn các trường học chưa có phòng học học bộ môn và phòng thí nghiệm để thuận lợi cho việc giảng dạy các bộ môn khoa học. Trang thiết bị nói chung trong các lớp học chưa đầy đủ phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động dạy học, nhất là còn thiếu các phương tiện hỗ trợ hoạt động báo cáo, thảo luận của học sinh như máy tính, projector, máy chiếu sách, flip chart, máy chiếu bản trong... Dụng cụ thí nghiệm còn chưa đồng bộ và thiếu chính xác. Nguồn tài liệu bổ trợ cho hoạt động tìm tòi - khám phá của học sinh còn hạn chế.

Mặt khác, số học sinh trên một lớp quá đông nên việc tổ chức học tập theo nhóm rất khó khăn. Điều này cũng gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại, điều tra tế cho học sinh.

b) Về đội ngũ giáo viên

Trình độ giáo viên hiện nay chưa đồng đều cả về chuyên môn và năng lực sư phạm. Kiến thức chuyên sâu về khoa học của một bộ phận không nhỏ giáo viên còn hạn chế. Vì vậy, giáo viên thường gặp nhiều khó khăn trong việc trả lời, giải đáp các câu hỏi cũng như khó khăn trong việc lí giải thấu đáo các thắc mắc của học sinh nêu ra trong quá trình học. Đây là một trở ngại rất lớn trong việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực nói chung và phương pháp BTNB nói riêng.

Năng lực sư phạm của giáo viên trong việc áp dụng các phương pháp dạy học mới nói chung còn hạn chế. Điều đó thể hiện ở việc giáo viên thường gặp nhiều khó khăn trong việc nêu ra tình huống mở đầu cho mỗi bài dạy trong phương pháp BTNB. Thường thì tình huống đưa ra phải gắn với nội dung bài dạy, làm sao đảm bảo được vấn đề khơi sự tò mò, ham thích trước vấn đề sắp học nhưng vẫn "giấu kín được kết quả của bài học". Đây là việc làm gây nhiều lúng túng cho người dạy. Trong tiến trình dạy học, ở một số bài học, giáo viên không có đủ kiến thức, khả năng để tìm ra một số thí nghiệm chứng

minh cho kiến thức bài học trong trường hợp học sinh không tự nêu ra được thí nghiệm kiểm chứng cho biểu tượng ban đầu của mình.

c) Về công tác quản lí

Hiện nay, một vấn đề còn nổi cộm, gây nhiều cản trở cho công tác đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông là vấn đề đánh giá hoạt động dạy học của giáo viên. Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai áp dụng các phương pháp dạy học mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức hoạt động học tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lí chuyên môn ở các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa theo kịp với tiến trình đổi mới đó. Vì thế, quan điểm đánh giá giờ dạy của họ vẫn mang nặng tính hình thức với các tiêu chí đánh giá như: giáo viên có dạy hết kiến thức trong bài hay không; giáo viên có sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học hay không; giáo viên sử dụng thí nghiệm và các phương tiện dạy có thành công hay không... mà chưa chú ý nhiều đến hiệu quả hoạt động nhận thức cho học sinh. Vì vậy, giáo viên thường rất dè dặt khi áp dụng phương pháp dạy học mới, khi mà ở đó giáo viên phải tổ chức cho học sinh hoạt động nên nhiều khi không thể chủ động hoàn toàn về mặt thời gian. Trong quá trình học sinh hoạt động, thường có nhiều diễn biến bất ngờ mà giáo viên có thể không lường trước được dẫn đến có thể không hoàn thành tất cả các khâu trong một tiết học và vì thế mà giờ dạy lại không được đánh giá cao.

Công tác kiểm tra, đánh giá kiến thức của học sinh hiện nay cũng là một vấn đề gây cản trở đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Các bài thi và kiểm tra hiện nay chủ yếu vẫn là kiểm tra sự ghi nhớ và vận dụng lí thuyết của học sinh. "Thi gì, học nấy" luôn là tiêu chí lựa chọn của đại đa số mọi người trên thế giới. Chính vì vậy mà các phương pháp dạy học tích cực nói chung và phương pháp BTNB nói riêng chưa có được "chỗ đứng" vững chắc trong mỗi giáo viên, học sinh và trong cả nền giáo dục Việt nam khi mà công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử chưa đổi mới theo hướng đánh giá kĩ năng và sự sáng tạo của học sinh.

Một phần của tài liệu Phương pháp _Bàn tay nặn bột_ trong dạy học các môn khoa học ở trường tiểu học và trung học cơ sở (Trang 96 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)