GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP I Luyện tập thực hành tại lớp:

Một phần của tài liệu Bài giảng giáo án học tốt văn 10 tập 2 (Trang 28 - 31)

I- Luyện tập thực hành tại lớp:

Tình huống: Viết một bài văn thuyết minh để cung cấp cho người đọc những hiểu biết chuẩn xác về một nhà khoa học hoặc một tác phẩm văn học, một công trình nghiên cứu, một điển hình người tốt, việc tốt.

Bài tập 1.Anh (chị) hãy phác qua dàn ý đại cương cho bài viết. Gợi ý:

Bài tập này chỉ yêu cầu lập một dàn ý đại cương làm cơ sở cho việc viết các đoạn văn cụ thể ở bài tập 2. Trước hết cần chọn một vấn đề thuyết minh trong số các vấn đề nêu ra ở tình huống trên, sau đó suy nghĩ về vấn đề để định ra những nội dung cần thiết cho dàn ý đại cương của bài thuyết minh. Ví dụ chọn thuyết minh về một tác phẩm văn học cần lập dàn ý đại cương như sau:

+ Mở bài: Giới thiệu chung về tác phẩm (tên tác phẩm, tác giả, đặc điểm khái quát nhất của tác phẩm).

+ Thân bài: Giới thiệu chi tiết về tác phẩm. - Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.

- Giới thiệu các giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm (tuỳ theo từng tác phẩm cụ thể mà có thể có số lượng ý tương ứng với số lượng đoạn văn nhiều ít khác nhau).

- Giới thiệu những nét đặc sắc về nghệ thuật (tuỳ theo từng tác phẩm cụ thể mà có thể có số lượng ý tương ứng với số lượng đoạn văn nhiều ít khác nhau).

+ Kết bài: Nhận định tổng hợp về tác phẩm (khái quát giá trị, vị trí, ảnh hưởng của tác phẩm).

Bài tập 2.Hãy diễn đạt một ý trong dàn bài vừa lập thành một đoạn văn. Gợi ý:

Trước khi viết cần xác định:

- Đoạn văn chọn viết là đoạn văn nào? Đoạn văn ấy nằm ở vị trí nào trong bài văn? (Chẳng hạn theo dàn ý trên có thể chọn đoạn mở bài, kết bài hay một đoạn thuộc ý giới thiệu giá trị nội dung, giới thiệu nghệ thuật).

- Cần viết câu chuyển ý, chuyển đoạn như thế nào để đoạn văn có sự liên kết với đoạn trước đó và liên kết với toàn bài.

- Các ý trong đoạn cần sắp xếp như thế nào để đảm bảo tính chặt chẽ và mạch lạc của đoạn văn.

- Cần sử dụng những phương pháp thuyết minh gì và diễn đạt thế nào để đoạn văn không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động, hấp dẫn.

Khi đã xác định được những nội dung trên, để có thể chỉnh sửa, cần viết ra giấy nháp trước, kiểm tra xem chủ đề của đoạn văn có được thể hiện rõ ràng và nhất quán không? Phương pháp thuyết minh sử dụng có hợp lí không? Diễn đạt đã trong sáng, mạch lạc chưa?,...

Người viết có thể tham khảo đoạn văn thuyết minh về niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình trong nội dung tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi:

Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của tác giả và quân dân nước Việt. Điều này được thể hiện rõ trên mọi phương diện từ việc đánh giá tình hình ta mạnh, địch yếu đến việc chỉ ra sáu nguyên nhân dẫn đến bại vong tất yếu của địch; từ việc khuyên giặc ra hàng đến việc sẵn sàng thách thức "một trận thư hùng”. Tinh thần yêu chuộng hoà bình còn thể hiện rõ ở cuối lời dụ (trước khi đưa ra lời thách thức): "Nếu muốn rút quân về nước, ta sẽ sửa sang cầu cống, mua sắm thuyền bè,...”. điều này

không chỉ thể hiện trên lời nói mà còn bằng việc làm cụ thể sau chiến thắng (Nguyễn Trãi đã đề cập đến trong Đại cáo bình Ngô)”.

(Trích bài làm của học sinh).

II- Luyện tập (ở nhà).

Bài tập 1.Viết đoạn văn nối tiếp theo đoạn mà anh (chị) vừa hoàn thành trên lớp. Gợi ý:

Cách tiến hành tương tự như bài tập trên lớp. Có thể tham khảo các đoạn văn giới thiệu:

- Về các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí: Thế giới mới, Tri thức trẻ, Tạp chí khoa học... hoặc các bài giới thiệu về các nhà khoa học trong các

Từ điển chuyên ngành.

- Về gương điển hình người tốt, việc tốt trên các tờ báo: Thanh niên, Tiền phong, Phụ nữ, Hoa học trò, Bạn đường, An ninh,...

- Về một tác phẩm văn học trong Từ điển văn học hoặc các báo, tạp chí chuyên ngành,...

Bài tập 2.Từ những kết quả và tiến bộ đã đạt được, hãy viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu một con người, một miền quê, một danh lam thắng cảnh hoặc một phong trào hoạt động mà anh (chị) đã có dịp tìm hiểu kĩ.

Gợi ý:

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được về văn thuyết minh, tự chọn một đối tượng (một con người, một miện quê, một danh lam thắng cảnh, hay một phong trào hoạt động). Đề bài yêu cầu mở để người viết chọn một đối tượng mà mình thích và am hiểu. Bài viết cần đạt được các yêu cầu sau:

- Giới thiệu được những nội dung cơ bản về đối tượng. Nếu là một con người thì phải giới thiệu được tiểu sử, những nét cơ bản về đặc điểm tính cách, phẩm chất, tài năng, vị thế xã hội, sức ảnh hưởng tới những người xung quanh hoặc tới lịch sử, xã hội, văn hoá,... Nếu là một miền quê, một danh lam thắng cảnh thì phải giới thiệu được lịch sử, những đặc điểm cơ bản của miền quê hoặc danh lam thắng cảnh đó đặc biệt sức hấp dẫn của nơi ấy là ở đâu,... Nếu là một phong trào hoạt động thì tốt nhất là những phong trào mà bản thân đã từng tham gia như phong trào Mùa hè xanh, phong trào hoạt động từ thiện, phong trào phòng chống các tệ nạn xã hội, phong trào văn hoá văn nghệ, thể thao,... Cần giới thiệu phong trào do ai hoặc đoàn thể nào tổ chức; thời gian, đối tượng tham gia và địa bàn hoạt động; quá trình hoạt động và những kết quả đạt được,... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Chọn và kết hợp được những phương pháp thuyết minh phù hợp với từng nội dung. Diễn đạt linh hoạt để bài viết không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động, hấp dẫn.

Bài tham khảo:

CHU VĂN AN- NHÀ SƯ PHẠM MẪU MỰC

Chu Văn An tên tự là Linh Triệt, tên hiệu là Tiều Ẩn, người làng Văn thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội), sinh năm Nhâm Thìn (1299) và mất năm Canh Tuất (1370).

Chu Văn An từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Sau khi thi đỗ thái học sinh, ông không ra làm quan mà trở về mở trường dạy học ở quê nhà. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Trong số môn đệ của ông có nhiều người thành đạt, thi đỗ, làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát,... Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm ông ngày càng lan xa, học trò đến theo học ngày càng

nhiều và có đủ loại. Tương truyền trong số đó có cả Thần Nước theo học, sau giúp dân trừ hạn hán.

Đến đời vua Trần Minh Tông, ông được mời vào làm tư nghiệp ở Quốc Tử Giám để dạy Thái tử học. Ông đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình lúc đó đang đi vào con đường suy thoái. Đến đời Dụ Tông, chính sự ngày càng thối nát, bọn gian thần nổi lên khắp nơi. Chu Văn An nhiều lần can ngăn Dụ Tông không được, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần đều là người quyền thế được vua yêu. Đó là Thất trảm sớ nổi tiếng trong lịch sử. Nhà vua không nghe, ông bèn treo mũ bỏ quan về ẩn ở tại núi Phượng Sơn thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, lấy hiệu là Tiều ẩn (người ẩn dật hái củi). Sau ông mất tại đó.

Theo thư tịch cũ thì Chu Văn An viết nhiều sách nhưng hầu hết đã mất, chỉ còn lại tên tác phẩm: Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều ẩn thi tập bằng chữ Hán. Ông còn viết một cuốn sách tóm tắt về Tứ thư nhan đề Tứ thư thuyết ước. Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây thì Chu Văn An còn là một nhà Đông y. Khi ông mất, vua Trần đã dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng tên thuỵ cho ông là Văn Trinh. Ngô Thế Vinh, nhà văn học nổi tiếng thế kỉ XIX trong bài văn bia ở đền Phượng Sơn đã giải thích nghĩa của hai tiếng "Văn Trinh" như sau: "Văn

đức chi biểu dã; Trinh đức chi chính cố dã" (Văn là biểu hiện bề ngoài (thuần nhất) của đức; Trinh là sự chính trực, kiên định). Trong lịch sử giáo dục nước nhà, ông cũng giành được địa vị cao quí, xứng đáng đứng đầu các nhà giáo từ xưa đến nay. Ông đã vượt qua ngưỡng người làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới người làm thầy giáo giỏi của muôn đời như Phan Huy Chú đã ngợi ca ông.

Ngày nay, để tưởng nhớ tới đạo đức và sự nghiệp của ông, nhân dân thủ đô đã lấy tên ông đặt tên cho một đường phố và một trường trung học lớn của Hà Nội. Đó là phố Chu Văn An và Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An.

(Dẫn theo Ngữ văn 10 tập 1. NXB.Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 188-189).

TUẦN 25 2

TIẾNG VIỆT:

NHỮNG YÊU CẦU VỀ SỬ DỤNG TIẾNG VIỆTA- NHỮNG KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG CẦN NẮM VỮNG A- NHỮNG KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG CẦN NẮM VỮNG

1. Sử dụng tiếng Việt đúng và hay cần đạt yêu cầu về tính chính xác và tính nghệ thuật. Yêu cầu này đặt ra những yêu cầu cụ thể trên tất cả các mặt: ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách chức năng.

- Về ngữ âm và chữ viết, cần phát âm theo hệ thống ngữ âm tiêu chuẩn của tiếng Viêt, cần viết đúng theo các qui tắc hiện hành về chính tả và về chữ viết nói chung.

- Về từ ngữ, cần dùng từ ngữ đúng với hình thức và cấu tạo, với ý nghĩa, với đặc điểm ngữ pháp của chúng trong tiếng Việt.

- Về ngữ pháp, cần cấu tạo câu theo đúng qui tắc ngữ pháp tiếng Việt, diễn đạt đúng các quan hệ ý nghĩa và sử dụng dấu câu thích hợp. Hơn nữa, các câu trong đoạn văn và văn bản cần được liên kết chặt chẽ, tạo nên một văn bản mạch lạc, thống nhất.

- Về phong cách ngôn ngữ, cần nói và viết phù hợp với các đặc trưng và chuẩn mực trong từng phong cách chức năng ngôn ngữ.

Khi nói và viết, chẳng những cần nói và viết theo các chuẩn mực của nó, mà còn có thể sử dụng một cách sáng tạo, có sự chuyển đổi linh hoạt theo các phương thức và qui tắc chung, theo những phép tu từ để cho lời nói, câu văn có tính nghệ thuật và đạt hiệu quả giao tiếp cao.

2. Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức về những yêu cầu sử dụng tiếng Việt đúng và hay vào đọc - hiểu văn bản và làm văn.

Một phần của tài liệu Bài giảng giáo án học tốt văn 10 tập 2 (Trang 28 - 31)