4. HỆ THỐNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
4.1.7. Nhiệm vụ hướng nghiệp của các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề
có quan hệ với trường học (kết nghĩa, đỡđầu)
Trong hoạt động hướng nghiệp của trường phổ thông, các cơ quan đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề (bao gồm các trường lớp đại học và trung cấp chuyên nghiệp, các lớp dạy nghề đào tạo công nhân...) xung quanh trường có một vị trí đặc biệt tác động tới sự hình thành xu hướng nghề nghiệp của học sinh bởi những lý do cơ bản sau đây :
- Hoạt động của học sinh trong trường nghề mặc dù mang nặng tính chất nghề nghiệp, song hoạt động học tập vẫn nổi bật hơn cả, vì thế nó gần gũi với hoạt động học tập của trường phổ thông. Sự gần gũi này là sợi dây liên kết, cộng tác giữa các bộ phận và giữa tuổi trẻ của các trường.
- Ngoài tính chất học tập nói chung, trường nghề mang đậm sắc thái nghề nghiệp, lại do điều kiện địa lý gần gũi, do quan hệ giao tiếp hàng ngày giữa học sinh phổ thông và học sinh chuyên nghiệp, vì thế học sinh phổ thông có thể thấy trước được đặc điểm mỗi trường và tính chất học tập của trường nghề mà các em tiếp xúc. Đây chính là điều kiện tốt để giúp cho lượng thông tin nghề nghiệp đến với các em nhiều hơn, đúng đắn và cặn kẽ hơn.
- Các trường nghề có khả năng giúp trường phổ thông về đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, thông tin và giới thiệu nghề, tạo điều kiện để có sự gặp gỡ trao đổi giữa học sinh phổ thông và học sinh học nghề về lựa chọn nghề, quá trình phấn đấu hình thành lý tưởng nghề nghiệp.
- Trong điều kiện chỉ tiêu Nhà nước và kế hoạch địa phương cho phép, các trường nghề cần dành một tỷ lệ thích đáng cho học sinh địa phương được học tập theo những ngành nghề của mình đào tạo (tập trung hoặc bổ túc, chính quy hoặc hàm thụ).
+ Trường nghề có thể giúp đỡ nhà trường phổ thông về cơ sở vật chất, thiết bị theo nghềđào tạo khi cần thiết.