Bài tập nhận diện, phân loại, phân tích

Một phần của tài liệu Dạy học tiếng việt ở tiểu học - Phần 7 pptx (Trang 36 - 39)

Bài tập nhận diện, phân loại, phân tích có mức độ cụ thể hoá các kiến thức về từ, câu trên những ngữ liệu mới. Chúng luyện cho học sinh kĩ năng nhận ra các hiện tượng, các đơn vị ngôn ngữ đã được học:

Về từ: nhận diện từ có kĩ năng phân cắt ranh giới từ trong câu, nhận diện cấu tạo từ (từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy, các kiểu từ ghép, từ láy), nhận diện từ loại (danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ) và các tiểu loại của từ (ví dụ danh từ chung, danh từ riêng, danh từ chỉ khái niệm, danh từ chỉ đơn vị…..), nhận diện và đánh giá được giá trị của biện pháp tu từ (so sánh, nhân hoá), nhận diện các lớp từ có quan hệ về nghĩa: đa nghĩa, đồng nghĩa, đồng âm, giá trị chơi chữ của đồng âm.

Về câu: nhận diện, phân cắt được câu trong đoạn, nhận diện, xác định được các kiểu câu (Kiểu câu Ai là gì? Ai làm gì? Ai thế nào? Câu kể, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm; câu đơn, câu ghép); nhận diện, phân tích được thành phần câu (chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ); nhận diện được các phép liên kết câu (phép lặp, phép thế, thay thế từ ngữ, phép nối); phân tích cấu tạo âm tiết, nhận diện các tiếng được gieo vần.

Dựa vào tính độc lập của hoạt động nhận thức của học sinh, bài tập nhận diện, phân tích được chia ra hai mức độ:

- Nhận diện, phân tích dựa trên ngữ liệu cho sẵn: có thể đưa ra câu, bài … yêu cầu nhận ra các hiện tượng nghiên cứu giữa những hiện tượng khác, ví dụ “Hãy tìm các từ ghép trong đoạn sau”, ngữ liệu cũng có thể là các từ rời.

- Tìm trong ngôn ngữ của chính học sinh để đưa ra ví dụ cụ thể cho hiện tượng nghiên cứu, ví dụ: “Hãy tìm các từ chỉ tính chất”. Những bài tập này cũng có mục đích hệ thống hoá, mở rộng vốn từ.

ở Tiểu học, bài tập phân tích ngữ pháp bao gồm phân tích từ (mà thực chất là chỉ ra cấu tạo từ và từ loại của từ được phân tích) và phân tích theo thành phần cấu tạo câu. Từ lớp 2 đến lớp 5, phân tích ngữ pháp ngày càng đi sâu hơn. Để học sinh nhận biết được, giáo viên cần xác định rõ đề bài yêu cầu cần tìm cái gì và nhớ lại những điều đã được học liên quan đến yếu tố cần tìm, nhất là một số dấu hiệu hình thức của nó.

Để hướng dẫn học sinh giải được các bài tập theo các mạch kiến thức về từ, câu, giáo viên cần dự tính được những khó khăn mà học sinh gặp phải khi nhận diện, phân tích, phân loại các đơn vị ngôn ngữ để tìm cách khắc phục. Cần nhớ rằng, nhận diện, phân loại, phân tích các đơn vị ngôn ngữ không phải là mục đích cuối cùng của dạy học LT&C, mặt khác, do tính không hiển minh của một số đơn vị ngôn ngữ, do không có những dấu hiệu hình thức nên nhiều khi việc nhận diện, xác định đường ranh giới và phân loại các đơn vị từ, câu là khó đối với học sinh. Giáo viên cần biết đặc điểm này để khi cần thiết có thể làm giảm độ khó của một số bài tập, đồng thời trong một số trường hợp biết chấp nhận tính tương đối, có mức độ của các lời giải mà học sinh đưa ra.

Ví dụ, việc nhận diện từ trong câu, đoạn, tách câu thành từ là một việc làm khó nói chung và khó đối với học sinh Tiểu học nói riêng. Những bài tập yêu cầu học sinh phân cắt đường ranh giới từ không nhiều nhưng để giải các bài tập về cấu tạo từ, xác định từ loại, tiểu loại của từ, tìm các từ đồng nghĩa, trái nghĩa trong câu, đoạn, trước hết phải phân cắt đường ranh giới từ. Để giảm bớt khó khăn cho học sinh, nhiều trường hợp SGK đã vạch sẵn

ranh giới từ. Với các trường hợp còn lại, giáo viên cũng có thể giảm độ khó của bài tập bằng cách vạch sẵn ranh giới từ khi dự tính học sinh sẽ khó tự tách từ. Đồng thời giáo viên nên hướng dẫn học sinh đưa ra hai phương án trong những trường hợp còn chưa rõ đường ranh giới từ. Ví dụ, với bài tập tìm các từ chỉ tính chất có trong đoạn văn, có tổ hợp “trắng phớt xanh”, khi thấy băn khoăn chưa rõ tổ hợp này là mấy từ, học sinh cần biết đưa ra kết luận hai khả năng “Nếu trắng phớt xanh là một từ, ở đây ta có một từ chỉ tính chất, nếu trắng phớt xanh là 3 từ, ở đây ta có hai từ chỉ tính chất là

“trắng”“xanh”. Mặt khác, tuỳ thuộc vào mục tiêu bài tập; giáo viên cần đặt ra cho học sinh những yêu cầu có tính “mức độ” khi xác định đường ranh giới từ. Ví dụ việc tách “quyển vở” thành hai từ là cần thiết khi phân loại các danh từ, danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật, chỉ hiện tượng thiên nhiên. Nhưng với bài tập tìm các từ chỉ sự vật, chỉ hoạt động có trong câu, nếu học sinh cho rằng “quyển vở” là một từ chỉ sự vật thì vẫn nên chấp nhận.

Giáo viên cần biết rằng học sinh sẽ gặp khó khăn khi xác định kiểu cấu tạo (từ ghép hay từ láy) cho các từ như “mặt mũi”, “đi đứng”, “tre pheo”, “bếp núc”, “khách khứa”, “cong queo”, “cồng kềnh”, “ầm ĩ”, “í ới”... Vì vậy, cần xem đây là ngữ liệu cho những bài tập nâng cao và giáo viên phải có giải pháp để phân loại những từ này.

Khi hướng dẫn học sinh thực hiện kiểu bài yêu cầu tìm ra các danh từ (hoặc yêu cầu tìm tiểu loại danh từ: từ chỉ người, từ chỉ vật, chỉ đồ vật, chỉ hiện tượng thiên nhiên, chỉ khái niệm, đơn vị), các động từ, tính từ trong đoạn, bài cho trước, giáo viên yêu cầu các em đọc lại đoạn, bài đã cho xem có từ nào chỉ người, chỉ vật, chỉ đồ vật, cây cối... thì đó là danh từ. Những trường hợp học sinh không phân cắt được đơn vị từ, không xác định được một tổ hợp nào đó là một từ hay hai từ thì giáo viên cần dự tính trước và cho sẵn ranh giới từ. Để nhận biết các danh từ, học sinh đặt câu hỏi: “ai, con gì, cây gì, cái gì?”. Những từ nào trong đoạn, bài trả lời được cho những câu hỏi này thì chúng đều là danh từ. Nếu bài tập chỉ yêu cầu tìm các danh từ chỉ người thì các em đặt câu hỏi “ai”. Từ nào trả lời cho “ai” là danh từ chỉ người. Nếu bài tập yêu cầu tìm danh từ chỉ vật thì các em đặt câu hỏi “cái gì”. Từ nào trong đoạn, bài trả lời cho câu hỏi “cái gì” là danh từ chỉ đồ vật. Những từ chỉ hoạt động của người, vật, sự vật, chỉ cảm xúc là động từ. Những từ này trả lời được cho câu hỏi “làm gì”. Từ nào chỉ màu sắc, hình dạng, kích thước, tính chất của sự vật, trả lời được cho câu hỏi “như thế nào” là tính từ.

Các bài tập yêu cầu chỉ ra các tiểu loại của danh từ là những bài tập tương đối khó đối với học sinh lớp 4. Các tiểu loại của danh từ không được dạy ở bài lí thuyết mà được đưa ra trong bài luyện tập về danh từ và có mẫu phân loại. Đặc biệt học sinh khó nhận diện danh từ chỉ khái niệm nên trước khi

giải bài tập, giáo viên nên đưa ra các cặp đồng âm danh từ cụ thể/danh từ khái niệm để học sinh dễ dàng nhận ra sự khác nhau về nghĩa của chúng. Chương trình Tiểu học chọn cách phân loại câu thành ba kiểu “Ai là gì?”, “Ai làm gì?”, “Ai thế nào?” là cách phân loại theo mẫu câu, phối hợp cả chức năng của câu và cấu tạo câu, có nhiều lợi thế cho việc sử dụng câu nhưng nhiều trường hợp khó xác định kiểu cấu tạo cho những câu cụ thể vì dấu hiệu hình thức của câu không rõ, cần đặt vào ngữ cảnh để xác định mục đích nói. Giáo viên cần nắm được đặc điểm này để chọn các trường hợp điển hình, đồng thời phải biết đặt câu vào ngữ cảnh để xác định kiểu câu cho đúng.

Với kiểu bài yêu cầu xác định từng bộ phận chính “chủ ngữ, vị ngữ của câu”, khi hướng dẫn học sinh làm loại bài tập này, giáo viên cần yêu cầu các em nhớ quy tắc tìm bộ phận chủ ngữ và tìm bộ phận vị ngữ của câu. Học sinh cần đặt ra những câu hỏi đối với thành phần câu để nhận diện chúng. Để tìm bộ phận chính chủ ngữ, các em đặt câu hỏi: “Bộ phận nào trả lời cho câu hỏi “Ai”, (hoặc Cái gì? Con gì?). Bộ phận câu trả lời cho câu hỏi này chính là bộ phận chủ ngữ. Để tìm bộ phận vị ngữ, các em đặt câu hỏi “...là gì”, “...làm gì?” “...thế nào?”. Bộ phận câu trả lời cho câu hỏi này là bộ phận vị ngữ. Lưu ý khi đặt câu hỏi tìm vị ngữ, về nguyên tắc câu hỏi tìm vị ngữ “làm gì” hay “thế nào” phụ thuộc vào từ loại của vị ngữ. Nếu vị ngữ là động từ thì đặt câu hỏi “làm gì ”, vị ngữ là tính từ thì đặt câu hỏi “như thế nào ”, “thế nào”. Nhưng nhiều trường hợp đặt câu hỏi cụ thể nào cho vị ngữ còn phụ thuộc cả vào chủ ngữ (ví dụ thường chủ ngữ là vật thì không hỏi “làm gì” mà hỏi “thế nào”), phụ thuộc vào bộ phận vị ngữ miêu tả hoạt động hay nêu nhận xét (ví dụ trường hợp “Bạn Nam học tốt”, “Linh thích xem phim”, “Thành phố có nhiều nhà máy”, “Lan có nhiều sách”,

câu hỏi là “như thế nào?”, “thế nào?”).

Chương trình LT&C ở Tiểu học còn bao gồm cả những bài tập ngữ âm. Nó có nhiệm vụ làm rõ cấu tạo của tiếng, đặc điểm của tiếng và sự tương ứng giữa âm và chữ. Trật tự tiến hành phân tích ngữ âm ở Tiểu học như sau: + Chỉ ra tiếng có ở trong từ, trong câu.

+ Chỉ ra các bộ phận âm đầu, vần và thanh của tiếng. + Chỉ ra các tiếng được gieo vần.

Một phần của tài liệu Dạy học tiếng việt ở tiểu học - Phần 7 pptx (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(50 trang)