Nếu sử dụng nguồn nước có hàm lượng thạch tín vượt quá 10 ptt là vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới và tiêu chuẩn VN về nước dùng cho ăn uống. Dùng nước này trong sinh hoạt và ăn uống sẽ rất có hại, có thể dẫn đến các bệnh ung thư da, bàng quang, gan, hay bệnh tiểu đường, bệnh bạch huyết...
Một cuộc khảo sát trên diện rộng ở 12 tỉnh với 12.461 mẫu phân tích từ các giếng khoan cho thấy sự ô nhiễm thạch tín ở miền Bắc cao hơn miền Nam. Đáng chú ý, đồng bằng sông Hồng nằm trong tình trạng đáng lo ngại về mức độ ô nhiễm thạch tín, trong đó ô nhiễm thạch tín ở phía nam Hà Nội là nghiêm trọng nhất. Điều đáng lo là hàm lượng thạch tín trong nước ở Hà Nội hiện nay có xu hướng lớn hơn so với 5-6 năm trước.
Trong thời điểm hiện nay, lọc qua bể cát vẫn là mô hình xử lý nước được ưu tiên. Lý do là hiệu quả cao, giá thành rẻ, người dân có thể tự làm được. Mặc dù bể cát không lọc tuyệt đối được tất cả các chất, nhưng đó đều là các chất không quan trọng.
Với đà xây dựng, phát triển nhà máy, khu công nghiệp như hiện nay thì nước mưa không còn sạch như trước nữa. Ở các vùng có nhiều nhà máy, nước mưa có thể bị nhiễm khí độc. Còn chất lượng nước máy thì trung tâm y tế dự phòng các địa phương đều có kiểm tra, có thông số báo cáo thường xuyên. Chỉ có điều là ở các khu đô thị mới, nước máy của các nhà máy nước lớn chưa đến được và giải pháp là một nhà máy nước nhỏ được mọc lên. Theo tôi, chất lượng nước ở các khu vực này chưa đảm bảo lắm.
Lý do là trước khi xây dựng nhà máy nước, người ta phải khảo sát nguồn nước xem có tốt hay không. Nhưng ở các khu đô thị xuất hiện kiểu “tự nhiên” thì việc xây dựng nhà máy nước cho đúng chuẩn là rất khó vì phải ở một địa điểm bắt buộc và không được qui hoạch từ trước.