FDI tác động đến cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ MỐI QUAN HỆ GIỮA FDI VÀ XUẤT NHẬP KHẨU Ở VIỆT NAM (Trang 32 - 38)

(1) FDI tác động đến cơ cấu hàng xuất khẩu

FDI giảm xuất thô, tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến.

Bảng 7: Số liệu về hàng xuất khẩu theo danh mục tiêu chuẩn ngoại thương của Việt Nam giai đoạn 1995-2007

Năm 1995 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 Hàng thô - sơ chế Giá trị (triệuUSD) 3664 8010 8289 9397 12554 16101 19227 21658 Tỉ trọng (%) 0,67 0,53 0,49 0,47 0,47 0,49 0,48 0,45 Hàng chế biến-tinh chế Giá trị (TriệuUSD) 1785 7019 8415 10748 13928 16341 20592 26886 Tỉ trọng (%) 0,33 0,46 0,49 0,49 0,50 0,46 0,45 0,38 Nhóm khác Tỉ trọng(%) 0,0 0,004 0,02 0,04 0,03 0,05 0,07 0,17 Nguồn: Bộ Công thương

Trong giai đoạn đầu FDI vào Việt Nam, xây dựng và dịch vụ là những lĩnh vực chính thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2001 các dự án công nghiệp chế tạo đã chiếm 80,7% tổng số dự án được phê duyệt so với 26,3% trong khoảng thời gian 1988-1991; về mặt tỷ trọng vốn, các dự án công nghiệp chế tạo cũng đã tăng từ 22% lên 76,4%. Trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến 2001, các dự án công nghiệp chế tạo chiếm 53,5% tổng số dự án (3.575 dự án), các ngành sơ chế nông lâm sản chiếm 13,7%, xây dựng cơ bản chiếm 12,3%, khối ngành dịch vụ chiếm 19,2%. Tính trong giai đoạn 1988-2008, FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến đã có 6778 dự án FDI với số vốn đạt 81,2 tỉ USD tương đương 62% tổng số dự án và 50% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn này (Nguồn: Bộ Kế hoach và Đầu tư). Sự quan tâm của các nhà đầu tư đến ngành công nghiệp chế biến ở Việt Nam đã giúp nước ta chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỉ trọng hàng qua chế biến. Nhìn vào bảng trên có thể thấy rõ xu hướng này. Tỉ trọng của nhóm hàng thô, mới sơ chế năm 1995 còn chiếm tới 67% tổng trị giá xuất khẩu thì đến năm 2007, tỉ trọng của nhóm này đã giảm xuống

chỉ còn 45%. Tỉ trọng của nhóm hàng chế biến, tinh chế cũng tăng từ 33% năm 1995 lên mức bình quân 46% trong suốt giai đoạn 2001-2007.

Tỉ trọng nhóm hàng chế tạo tính trên tổng doanh thu của khối doanh nghiệp FDI cũng có xu hướng tăng dần. Nếu như trước năm 1997, trong doanh thu xuất khẩu của khu vực FDI chỉ có dưới 40% do các mặt hàng chế tạo mang lại thì kể từ năm 1998 trở lại đây, trung bình mỗi năm nhóm hàng chế tạo đóng góp tới 70% tổng doanh thu xuất khẩu của khu vực này. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của khu vực FDI nhanh hơn đã góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế. (Nguồn: Tính toán theo số liệu của Bộ Công thương)

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp FDI Việt Nam là các loại hàng công nghiệp như: hàng điện tử, giầy các loại, hàng dệt may, phụ tùng ô tô, xe đạp, túi xách, gỗ chế biến, văn phòng phẩm, cao su chế biến... Năm 1995, các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD của Việt Nam hầu như đều là những mặt hàng thô như: than đá, dầu thô và gạo. Năm 2000, danh sách này bổ sung thêm mặt hàng thủy sản, và 2 mặt hàng chế biến là dệt may và giày da. Xu hướng trên còn thể hiện rõ hơn khi nhóm hàng sản phẩm gỗ chế biến, máy tính-linh kiện điện tử đạt doanh thu nhập khẩu trên 1 tỉ USD vào năm 2004, 2005. Năm 2007, danh sách này có thêm mặt hàng cáp điện và năm 2009 có thêm sản phẩm từ plastic. Đến nay, trong số 12 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD của Việt Nam đã có tới 6 mặt hàng thuộc nhóm chế biến sâu và đều là những lĩnh vực đầu tư chính của FDI. Như vậy, FDI đã góp phần giúp Việt Nam từ một nước xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản và sản phẩm thô, sơ chế, chuyển dần sang xuất khẩu hàng chế biến sâu, hàng tinh chế.

FDI làm tăng hàm lượng công nghệ, hàm lượng vốn trong hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Để thấy rõ hơn tác động này của FDI, chúng ta xem xét hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng đòi hỏi hàm lượng vốn và công nghệ cao như hàng điện tử-máy tính- linh kiện, sản phẩm từ plastic, dây điện-cáp điện. Trước năm 2000, Việt Nam chưa thể xuất khẩu các mặt hàng này do doanh nghiệp trong nước không có đủ vốn và công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ năm 2000 đến nay, nhờ có FDI đầu tư vào các ngành này, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này tăng nhanh qua từng năm. Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng trên lần lượt là 778,6 triệu USD, 95,5 triệu USD, và 129,5 triệu USD thì đến năm 2008

đã đạt 2,638 tỉ USD, 921 triệu USD và 1,01 tỉ USD. Danh sách các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ của Việt Nam đã có thêm mặt hàng điện tử-máy tính-linh kiện từ năm 2004, mặt hàng dây điện-cáp điện từ năm 2007, các sản phẩm từ plastic cũng có tên trong danh sách từ năm 2009. Cho đến nay, giá trị xuất khẩu thu được từ các mặt hàng này chủ yếu đều do các doanh nghiệp FDI tạo ra, cụ thể: 96,6% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử và linh kiện, 85% hàng máy móc thiết bị, 81,7% mặt hàng dây cáp điện và 80% sản phẩm plastic (Nguồn: website Tổng cục Hải Quan

www.customs.gov.vn).

Số lượng các dự án FDI công nghệ cao vào Việt Nam cũng ngày một tăng. Đến sớm và có nhiều dự án nhất phải kể đến các nhà đầu tư Nhật. Nhiều tập đoàn lớn như Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… đã sớm xây dựng nhà máy ở Việt Nam trong nhiều năm qua và giờ đây tiếp tục rót thêm nhiều vốn mở rộng đầu tư với quy mô lớn hơn. Điển hình là Tập đoàn Canon, sau khi đưa vào 100 triệu USD cho dự án sản xuất máy in tại KCN Thăng Long, Hà Nội, Canon tiếp tục rót thêm hàng trăm triệu USD xây dựng các nhà máy mới ở Bắc Ninh, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất máy in laser lớn nhất thế giới, sản lượng 700.000 sản phẩm/tháng, bằng khoảng 80% tổng lượng máy in laser mà Canon đang sản xuất mỗi năm và đáp ứng khoảng 35% cho thị trường xuất khẩu.

Sớm hơn Canon còn có tập đoàn Nidec. Nidec đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy mới ở Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), sau khi đã rót gần 100 triệu USD tại các nhà máy ở KCX Tân Thuận hơn 10 năm qua. Theo ông Nagamori, Chủ tịch tập đoàn, hai nhà máy mới chuyên sản xuất các linh kiện điện tử, đầu gắp quang học có tổng vốn 50 triệu USD, chỉ là một phần trong kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào SHTP của Nidec đến năm 2010. Kế hoạch của Nidec là phát triển 10 nhà máy \ tại SHTP và đây sẽ trở thành điểm sản xuất lớn thứ hai của tập đoàn ở châu Á, sau Trung Quốc. Nối tiếp các nhà đầu tư Nhật là các dự án đến từ Hoa Kỳ. Sự kiện tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Intel cho khởi công xây dựng nhà máy tại SHTP với số vốn 1 tỷ USD đã phần nào khẳng định vị thế mới của Việt Nam như một điểm đến cho các nhà đầu tư hoạt động công nghệ cao.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, một số tập đoàn lớn còn hướng đến việc đưa VN trở thành nơi nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Sau 2 nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Hà Nội, Matsushita Electric – hãng sở hữu nhãn

hiệu điện tử khổng lồ Panasonic tuyên bố đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Panasonic tại Việt Nam.

Đây sẽ là trung tâm R&D thứ ba của tập đoàn ở ASEAN, nhằm phát triển và thiết kế các con chip hệ thống, các phần mềm chủ chốt dùng trong điện thoại di động và ti vi màn hình phẳng. Tập đoàn Jabil của Mỹ cũng đầu tư ở Việt Nam một trung tâm cung cấp các giải pháp thiết kế phục vụ khách hàng toàn cầu với chi phí thấp. Sau công bố của Jabil và Matsushita, Renesas Technology - một tập đoàn công nghệ cao về bán dẫn và vi mạch đứng đầu ở Nhật và đứng thứ ba trên thế giới lại sắp đưa vào một trung tâm nghiên cứu, phát triển và thiết kế các phần cứng (vi mạch) và các phần mềm chức năng dành cho IC bán dẫn cũng như các sản phẩm công nghệ cao khác tại TPHCM.

Trong giai đoạn tới, do xu hướng của FDI trên toàn cầu hướng vào các mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng vốn và công nghệ cao hơn, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chuyển dịch nhanh hơn theo xu hướng tích cực này.

Trong tương lai, xu hướng chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng vốn và công nghệ sẽ được đẩy mạnh bởi toàn bộ khu vực sản xuất xuất khẩu chứ không đơn thuần từ khu vực FDI như hiện nay. Nguyên nhân là vì lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, những hàng hóa có hàm lượng vốn và công nghệ cao sẽ lớn hơn so với lợi nhuận thu được từ xuất khẩu sản phẩm thô, điều này là động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tích cực cải tiến công nghệ, tăng huy động vốn để sản xuất hàng đã qua chế biến để xuất khẩu. Tác động lan tỏa công nghệ từ khu vực FDI sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu nói trên.

Mặc dù FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng nhóm hàng chế biến, hàng công nghệ có hàm lượng vốn cao hơn, song phần lớn hàng hóa chế biến xuất khẩu của Việt Nam vẫn là hàng gia công, có giá trị gia tăng thấp.

Điển hình là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như dệt may, giày da, các hàng linh kiện điện tử, máy tính…, nguyên liệu đầu vào của những ngành này chủ yếu là nhập khẩu, tỉ lệ nội địa thấp, giá trị gia tăng đem lại vì thế cũng không cao. Cụ thể ngành dệt may phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu tới 60-70%, riêng năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu 0,4 tỉ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày, 4,2 tỉ USD hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, 1,6 tỉ USD vải các loại… từ Trung

Quốc (Nguồn: Trung tâm Xúc tiên Thương mại và Đầu tư TP HCM). Nguyên nhân là vì đối với các ngành sản xuất như giày da, dệt may, Việt Nam chưa có các ngành công nghiệp phụ trợ để chế biến nguyên liệu đầu vào sản xuất có chất lượng tốt. Còn đối với các mặt hàng công nghệ cao, lao động Việt Nam còn yếu về kĩ năng, trình độ thấp, không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI. Bởi vậy, các chủ đầu tư hướng đến xuất khẩu ra thị trường khác thường nhập khẩu hàng gia công bán thành phẩm và nguyên liệu vào Việt Nam, tiếp tục thực hiện những công đoạn lắp ráp cuối cùng để tận dụng lao động rẻ và ưu đãi thuế của các nước khác dành cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

(2) FDI tác động đến cơ cấu hàng nhập khẩu

Giảm dần tỉ trọng hàng tiêu dùng nhập khẩu, tăng tỉ trọng nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất

Nếu xét cơ cấu hàng nhập khẩu gồm hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất, điều dễ nhận thấy là FDI làm giảm tỉ trọng hàng tiêu dùng nhập khẩu của Việt Nam. Như đã trình bày ở trên, FDI có khả năng thay thế nhập khẩu, và ở Việt Nam, tác động thay thế nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng là khá rõ rệt, do những năm trước nước ta thường áp thuế khá cao đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu, hệ quả là làm tăng FDI hướng vào phục vụ thị trường trong nước. Thêm vào đó, lợi thế về lao động rẻ thu hút FDI tìm kiếm hiệu quả, và các nhà đầu tư này thực hiện song song mục tiêu hướng vào thị trường khu vực và cả thị trường nước nhận đầu tư Việt Nam. Những yếu tố này tác động đến tỉ trọng hàng tiêu dùng nhập khẩu của nước ta. Năm 1995, tỉ trọng nhóm hàng tiêu dùng nhập khẩu trên tổng kim ngạch nhập khẩu là 15,2 %, giảm xuống còn 8,4% năm 1999, duy trì ở mức 7% trong giai đoạn 2000-2007 và giảm còn 6,4% năm 2008.

Việt Nam có trình độ công nghệ kém hơn so với các nước chủ đầu tư, do vậy, khi các chủ đầu tư thực hiện dự án, ngoài việc chuyển vốn vào Việt Nam, họ cũng phải chuyển vào các máy móc thiết bị công nghệ mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới. Việc đưa các thiết bị này vào Việt Nam đồng nghĩa với việc làm tăng tỉ trọng nhóm hàng thiết bị công nghiệp trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài các thiết bị, dây chuyền sản xuất, do Việt Nam chưa có các ngành công nghiệp phụ trợ tương xứng với trình độ phát triển của các doanh nghiệp FDI, chưa cung cấp được nguồn nguyên, vật liệu đạt chất lượng mà các doanh nghiệp FDI yêu cầu, các nhà đầu tư nước ngoài còn phải nhập khẩu vào Việt Nam các loại nguyên, nhiên liệu,

vật liệu cần cho hoạt động sản xuất của họ. Như vậy, ngoài việc làm tăng tỉ trọng nhóm hàng máy móc, thiết bị công nghiệp, FDI cũng làm tăng tỉ trọng nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.

Bảng: Tỉ trọng nhóm hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, phân nhóm tư liệu sản xuất trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 1995-2008

Năm Máy móc-thiết bị

dụng cụ-phụ tùng (%) Nguyên-nhiên-Vật liệu (%) Nhóm hàng tư liệu sản xuất (%) Nhóm hàng tiêu dùng (%) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

1995 25,7 59,1 84,8 15,2 1996 27,6 60,0 87,6 12,4 1997 30,3 59,6 89,9 10,1 1998 30,6 61,0 91,5 8,5 1999 29,9 61,7 91,6 8,4 2000 30,6 63,2 93,8 6,2 2001 30,5 61,6 92,1 7,9 2002 29,8 62,3 92,1 7,9 2003 31,6 60,6 92,2 7,8 2004 28,8 64,5 93,3 6,7 2005 25,3 66,6 91,9 8,1 2006 24,6 67,6 92,2 7,8 2007 28,6 64,0 92,6 7,4 2008 26,6 67,0 93,6 6,4

Nguồn: Số liệu của Bộ Công thương

Nhìn vào những số liệu thống kê của Bộ Công thương về hoạt động nhập khẩu các tư liệu sản xuất từ 1995 đến nay, có thể nhận thấy xu hướng chuyển dịch về tỉ trọng giữa nhóm thiết bị công nghiệp và nguyên liệu công nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam. Xét riêng cơ cấu của nhóm tư liệu sản xuất nhập khẩu, mặc dù cả 2 nhóm thiết bị sản xuất và nguyên liệu đều tăng nhanh về kim ngạch và tỉ trọng tính trên tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, song nhóm nguyên liệu đang có xu hướng tăng nhanh hơn về tỉ trọng so với nhóm thiết bị sản xuất. Theo điều tra của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về việc nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp FDI trong 3 lĩnh vực đầu tư chính là cơ khí-điện tử, dệt may-da giày và chế biến thực phẩm, trên 51% nguyên liệu cho 3 ngành này phải nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể: ngành cơ khí điện tử 73% nguyên liệu nhập khẩu, ngành dệt may-da giày 64,5% và ngành chế biến thực phẩm là 39,2%. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng này kéo theo mức tăng tương ứng trong nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Xu hướng này tạo nên một cơ cấu nhập khẩu không lành mạnh, nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam xét cho cùng sẽ chỉ là xuất khẩu giá trị gia tăng của hoạt động gia công, khó có thể cải thiện cán cân thương mại nhập siêu suốt nhiều năm qua.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ MỐI QUAN HỆ GIỮA FDI VÀ XUẤT NHẬP KHẨU Ở VIỆT NAM (Trang 32 - 38)