Việt Nam
3.1 Nhận xét chung
Quy trình TTQT được ban hành kèm theo quyết định số 4929/ KDĐN2 ngày 13/09/ 2005 của Tổng Giám Đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) . Sau 3 năm đưa vào thực hiện đồng bộ trên toàn hệ thống, chất lượng hoạt động TTQT của BIDV cải thiện rõ rệt thể hiện ở các bảng số liệu về các loại hình doanh thu TTQT, từ doanh số chuyển tiền, doanh thu phí, doanh số LC nhập khẩu. Quy trình chuẩn hóa, phân chia chi tiết cho nhiều nghiệp vụ và có sự phân bố trách nhiệm rõ ràng giữa các cán bộ thanh toán và kiểm soát viên giúp hoạt động thanh toán được chuyên môn hóa, tránh sự nhập nhằng và không nhất quán. Các bước thực hiện quy trình chủ yếu do thanh toán viên đảm nhiệm, nhưng sau mỗi bước lại được kiểm soát viên kiểm tra lại từng chi tiết. Điều này giúp hạn chế tối đa những sai sót trong khi lập giao dịch. Quy trình cũng thể hiện sự kết nối chặt chẽ về mặt thông tin với khách hàng khi ở những bước quan trọng đều có ghi chú thông báo và theo dõi phản hồi từ phía khách hàng, giúp giao dịch thanh toán được trôi chảy và thuận lợi.
3.2 Một số kết quả đã đạt được
Qua các năm hoạt động cùng với bề dày kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ nghiệp vụ tăng lên, sự đổi mới nhanh chóng về công nghệ, kỹ thuật, trang bị đồng bộ mạng SWIFT, phần mềm tài trợ thương mại của Siverlek, hoạt động thanh toán quốc tế của BIDV đã từng bước phát triển, ngày càng nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả cao và đủ điều kiện để hội nhập quốc tế. BIDV đang gắng sức phát huy hiệu quả của mô hình hoạt động TTQT theo dự án hiện đại hoá do ngân hàng thể giới tài trợ, đảm bảo tăng trưởng hoạt động nhưng vẫn an toàn trong giao dịch, giữ vững và nâng cao uy tín dịch vụ TTQT với các ngân hàng trong và ngoài nước, cũng như đối với khách hàng. Một số kết quả chính mà BIDV đã đạt được trong những năm vừa qua đó là :
- Hoạt động thanh toán quốc tế qua các năm được mở rộng cả về qui mô và chất lượng: Hoạt động TTQT của BIDV có mức tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây với mức bình quân tăng trưởng từ năm 2000 đến nay là 25% năm về doanh số hoạt động, tăng cao về số lượng dịch vụ mới cung cấp, mở rộng thị trường, thị phần hoạt động TTQT của BIDV trong cả nước ngày càng được mở rộng từ 7,5% năm 2000 đến năm 2008 đã lên tới 10%, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hỗ trợ tích cực các nghiệp vụ truyền thống, tỷ trọng chiếm lĩnh trong tổng doanh thu ngày càng cao.
- Các nghiệp vụ thanh toán quốc tế ngày càng được mở rộng. Kể từ khi thành lập, tại BIDV mới chỉ có các sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế truyền thống như mở thư tín dụng, chuyển tiền ; cho đến nay BIDV đã phát triển được hầu hết các sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế hiện có trên thị trường Việt nam.Điển hình là các sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế mới như chiết khấu chứng từ hàng xuất, xác nhận L/C, tín dụng trọn gói (Packing Credit), Biên lai tín thác (Trust Receipt),thanh toán thẻ tín dụng quốc tế, séc du lịch, mới đây nhất là dịch vụ ngân
hàng điện tử, phục vụ giải ngân nguồn vốn ODA và phục vụ thanh toán cho các Dự án quốc gia được Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước chỉ định .
- Trình độ công nghệ ngân hàng và trình độ nghiệp vụ cán bộ được nâng cao. Đội ngũ cán bộ BIDV luôn được tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới như tham gia hệ thống SWIFT với các phiên bản hiện đại nhất được cập nhật thường xuyên, xây dựng và triển khai chương trình tài trợ thương mại nằm trong dự án Hiện đại hoá ngân hàng theo tiêu chuẩn của ngân hàng thương mại hiện đại. Qui trình thực hiện nghiệp vụ liên tục được cải tiến, BIDV cũng xây dựng chương trình Home Banking/ Direct Banking/ Mobile Banking để cung cấp các dịch vụ tiện ích cho khách hàng như tra cứu số dư tài khoản, gửi lệnh thanh toán, lệnh phát hành thư tín dụng bằng hệ thống điện tử.
- Quan hệ đại lý ngày càng được mở rộng, uy tín của BIDV ngày càng đuợc tăng cường trên trường quốc tế cũng như ở trong nước.Số lượng ngân hàng đại lý và số nước thiết lập quan hệ đại lý của BIDV ngày càng nhiều. Từ chỗ hoàn toàn không có quan hệ với nước ngoài trong những năm đầu thập kỷ 90, đến nay, BIDV đã thiết lập quan hệ đại lý với trên 800 ngân hàng và có quan hệ tài khoản với 43 ngân hàng trên thế giới, có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài có uy tín tại các thị trường Séc, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Lào.... Đến nay, BIDV đã là thành viên của Hiệp hội ngân hàng Châu á (ABA), ASEAN và là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội các định chế tài chính phát triển Châu á Thái Bình Dương (ADFIAP). Năm 2008 vừa qua BIDV được WB tiếp tục lựa chọn là định chế bán buôn thực hiện dự án tài chính nông thôn III với giá trị 200 triệu USD để hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn [14].
Hạn chế về nhân lực: BIDV đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ nghiệp vụ đông đảo, nhiều người trong số đó có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ rất tốt. Đây là một yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động TTQT phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên trình độ nghiệp vụ TTQT của cán bộ BIDV hiện nay không đồng đều, nhất là ở chi nhánh các tỉnh. Nhiều cán bộ chỉ thuộc một cách máy móc mà chưa nắm vững được ý nghĩa của nhiều điều khoản của các tập quán quốc tế, dẫn đến việc hiểu và vận dụng sai các điều khoản của các tập quán. Đội ngũ cán bộ TTQT tại BIDV chủ yếu là cán bộ trẻ năng nổ nhiệt tình nhưng do đặc điểm của loại hình dịch vụ này là mới, đang được mở rộng ở các chi nhánh trên khắp các địa bàn trên toàn quốc nên cũng không tránh khỏi các hạn chế như trình độ nghiệp vụ của cán bộ chưa cao, chưa được cọ sát thực tế để đúc rút kinh nghiệm, trình độ ngoại ngữ yếu, không thường xuyên cập nhật các thông lệ quốc tế, ý thức chấp hành quy chế, quy trình thanh toán quốc tế chưa nghiêm túc, thậm chí còn so suất gây tổn thất cho ngân hàng.
Hạn chế về kỹ thuật, công nghệ: Nhìn chung tuổi nghề của các ngân hàng thương mại nói chung và BIDV nói riêng còn quá ngắn so với các ngân hàng thương mại lớn trên thế giới. Do vậy kinh nghiệm hoạt động và kỹ thuật của BIDV còn thiếu và chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu chung cho tiêu chuẩn một ngân hàng hiện đại trong khu vực. Các hình thức thanh toán dù được mở rộng nhưng chưa có cơ sở vật chất đầy đủ, nhiều khi dẫn đến những sai sót không đáng có. Một trong số này là những bất cập của hệ thống thẻ ATM, thi thỏang vẫn còn tình trạng máy nuốt thẻ, trả tiền rách và thậm chí là độ an toàn, tính bảo mật của các giao dịch còn thấp. Điều này không những khiến BIDV mất uy tín với khách hàng mà còn ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động.
Áp lực cạnh tranh nội bộ ngành và với các ngân hàng trong khu vực và thế giới: Trong bối cảnh BIDV không ngừng mở rộng, các ngân hàng thương mại và đầu tư trong nước vẫn tăng trưởng liên tục, dẫn đầu nhiều năm là Ngân hàng
Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Không chỉ thế, thời gian gần đây sự ra đời của một loạt ngân hàng mới khiến BIDV phải nỗ lực không ngừng, liên tục củng cố hệ thống và cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ mới. Bên cạnh đó, việc gia nhập WTO của nước ta cách đây hơn 2 năm đã mang lại cho ngành ngân hàng, trong đó có BIDV, những cơ hội và thách thức to lớn. Với kinh nghiệm dày dặn trên trường quốc tế, các ngân hàng nước ngoài có ưu thế ở mảng kinh doanh ngoại tệ và dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Đồng thời, tiềm lực tài chính lớn mạnh của các ngân hàng nước ngoài chính là mối đe dọa đến những ngân hàng trong nước vốn chỉ có quy mô ở tầm vừa và nhỏ. BIDV hiện đang cố gắng hướng đến biện pháp khả thi là bổ sung thêm vốn, nhằm nâng cao hệ số an toàn vốn tự có và giải quyết bài toán năng lực tài chính và chất lượng dịch vụ theo các tiêu chuẩn quốc tế.