Khái niệm chi phí sử dụngvốn

Một phần của tài liệu tài chính và quản lý tài chính nâng cao (Trang 28 - 29)

VII. CHI PHÍ SỬ DỤNGVỐN VÀ HỆ THỐNG ĐÒN BẨY 1 Chi phí sử dụng vốn

1.1. Khái niệm chi phí sử dụngvốn

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư và hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể huy động sử dụng nhiều nguồn vốn hay nói khác đi là nhiều nguồn tài trợ khác nhau

như vay vốn, phát hành cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu thường (đối với công ty cổ phần)... Đối với nhà đầu tư, khi cho doanh nghiệp sử dụng vốn người ta sẽ mất cơ hội sử dụng số vốn này vào các cơ hội đầu tư khác, điều đó cũng đồng nghĩa là mất đi một khoản thu nhập mà nhà đầu tư có thể nhận được từ cơ hội khác đó. Khi đó, Nhà đầu tư sẽ đòi hỏi một mức sinh lời khi đầu tư vốn cho doanh nghiệp. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp là người sử dụng vốn, tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư chính là mức sinh lời tối thiểu mà dự án phải đạt được thì mới thỏa mãn được đòi hỏi của nhà đầu tư, do đó, nhà quản trị tài chính sẽ gọi đó là chi phí sử dụng vốn.

Trên góc độ của người đầu tư là người cung cấp vốn cho doanh nghiệp thì chi phí sử dụng vốn là tỷ suất sinh lời mà nhà đầu tư đòi hỏi khi cung cấp vốn cho doanh nghiệp. Mức sinh lời này phải tương xứng với mức độ rủi ro mà nhà đầu tư có khả năng gặp phải khi cung cấp vốn. Nói chung, khi nhà đầu tư nhận thấy mức độ rủi ro của doanh nghiệp lớn hơn thì họ cũng sẽ đòi hỏi một tỷ suất sinh lời lớn hơn tương xứng với mức rủi ro.

Đối với doanh nghiệp là người sử dụng vốn thì chi phí sử dụng vốn là tỷ suất sinh lời tối thiểu cần phải đạt được khi sử dụng nguồn tài trợ đó cho dự án đầu tư hay hoạt động kinh doanh để đủ thỏa mãn đòi hỏi của nhà đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

Như vậy, xét về bản chất, chi phí sử dụng vốn chính là chi phí cơ hội của nhà đầu tư vốn. Thông thường, chi phí sử dụng vốn được xác định từ thị trường vốn và dựa trên luật số lớn. Chi phí sử dụng vốn có thể được xác định bằng số tuyệt đối là một số tiền hay được xác định bằng số tương đối là một tỷ lệ phần trăm (%). Cách thông thường là người ta hay sử dụng tỷ lệ phần trăm (%) để đảm bảo tính so sánh được.

Chi phí sử dụng vốn được ước lượng cho các dự án đầu tư hay một doanh nghiệp nhưng là ước lượng cho số vốn mới dự kiến sẽ huy động cho đầu tư ở tương lai, chứ không ước lượng cho số vốn đã huy động trong quá khứ.

Việc xem xét và ước lượng chi phí sử dụng vốn là vấn đề rất quan trọng đối với các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp. Chi phí sử dụng vốn được sử dụng chủ yếu để ra quyết định liên quan đến việc huy động thêm vốn mới cho dự án đầu tư. Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu chi phí cận biên cho số vốn mới (thực chất là chi phí sử dụng vốn bình quân cho một đồng vốn mới tăng thêm) để lựa chọn quy mô vốn huy động tối ưu. Ngoài ra, xem xét chi phí sử dụng vốn tạo ra tầm nhìn cho nhà quản lý khi cân nhắc lựa chọn chiến lược huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp. Do đó, khi ước lượng chi phí sử dụng vốn, người ta thường chỉ xem xét đến những nguồn tài trợ dài hạn.

Lý luận và thực tiễn đã chứng minh các khó khăn trong ước lượng chi phí sử dụng vốn, bởi lẽ nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố: tính mạo hiểm của việc sử dụng vốn, lãi suất của các khoản nợ phải trả, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp, chính sách phân phối lợi nhuận... Vì vậy, khi ước lượng chi phí sử dụng vốn cần có một tầm nhìn và phải lượng hoá chi phí bình quân của tất cả các nguồn tài trợ.

Một phần của tài liệu tài chính và quản lý tài chính nâng cao (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w