Các nếp gấp trên cánh

Một phần của tài liệu Giáo trình: Côn Trùng Trong Nông Nghiệp - Chương 2 docx (Trang 25 - 28)

Để thích nghi cho việc bay lượn và gấp cánh, trên cánh thường hiện diện ba đường gấp cánh chia cánh thành từng khu riêng biệt được giới hạn bởi nếp gấp Vanalis và mép trên của cánh, các gân C, Sc, R, M và Cu đều nằm tập trung trong khu vực này. Khu mông (gồm các gân A) được giới hạn bởi mép sau của cánh và hai đường gấp.

Hình II.35. Các dạng móc cánh. A: bộ Cánh đều (Homoptera); B: bộ Cánh

màng (Hymenoptera); C,D: bộ Cánh vẩy (Lepidoptera).

* Chức năng và khả năng bay của cánh

Chức năng chủ yếu của cánh là di chuyển kiếm ăn, bắt cặp, đẻ trứng, trốn tránh kẻ thù và giúp cho côn trùng phát tán đi cùng khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh những chức năng đó, cánh của một số loại côn trùng lại có một vài chức năng đặc biệt khác, ví dụ: cánh của ong mật có thể được sử dụng để giúp ong điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể, tăng nhiệt độ trong tổ hoặc thoát hơi nước. Cánh của dế mèn có thể cọ sát nhau để phát ra âm thanh để dẫn dụ và giao phối.

Cánh trước của côn trùng bộ Cánh cứng (Coleoptera) có chức năng bảo vệ cánh sau và cơ thể. Cánh trước của con niềng niểng có chức năng dự trữ không khí giúp cho hô hấp của niềng niểng trong nước được dễ dàng.

Cánh của các loại động vật có xương sống (chim và dơi) cử động được nhờ hệ cơ dính trực tiếp với cánh, trong khi đó động tác bay của côn trùng cũng được thực hiện chủ yếu nhờ hệ cơ, nhưng hệ cơ này không dính trực tiếp với cánh mà tác động

gián tiếp qua việc thay đổi hình dạng của ngực. Rất nhiều côn trùng có khả năng bay rất cao, có thể vượt được nhiều loại động vật có cánh khác, côn trùng có thể điều khiển được một cách chính xác việc bay lượn, bay ngang và bay lui.Tốc độ bay của côn trùng thường rất khó xác định vì nhiều loại côn trùng không bay liên tục một mạch. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy nhiều loại côn trùng có thể bay nhanh hơn tốc độ chạy của con người. Một số tài liệu ghi nhận côn trùng có thể đạt đến tốc độ 56 km/giờ và trong một số trường hợp có thể vượt qua tốc độ này. Vào mùa di cư, loài châu chấu đàn Locusta migratoria và một vài loài bướm Danaus có thể bay liên tục không nghỉ hàng trăm km mỗi ngày để đến những nơi cách xa hàng ngàn cây số. Phần lớn côn trùng có hai cặp cánh và hai cánh (trên và dưới) có thể choàng lên nhau ở rìa cánh hoặc móc dính vào nhau sao cho khi bay hai cánh đều di động nhịp nhàng như một cánh duy nhất. Tuy nhiên ở một số loài, hai cánh (trên và dưới) có thể hoạt động độc lập như ở bộ Cánh thẳng (Orthoptera) và Chuồn chuồn (Odonata), trong các nhóm này thì cánh trước và cánh sau đều giữ vai trò ngang nhau đối với động tác bay. Trái lại, ở bộ Cánh cứng (Coleoptera), chỉ có cặp cánh sau là giữ nhiệm vụ chính cho động tác bay, cặp cánh trước (sừng cứng), cũng được vươn thẳng ra khi côn trùng bay nhưng hầu như cặp cánh này không di động lên xuống.

* Một số biến đổi trong cấu tạo của cánh

Để thích nghi trong các phương thức sinh sống khác nhau, mức độ phát triển và chất cánh của côn trùng có rất nhiều thay đổi. Nhiều côn trùng thuộc lớp phụ có cánh (Pterygota) nhưng cánh lại tiêu biến như côn trùng bộ Ăn lông (Mallophaga), bộ Rận (Anoplura), bộ Bọ chét (Siphonaptera) và một phần côn trùng thuộc bộ Cánh thẳng (Orthoptera), bộ Có răng (Corrodentia), bộ Chân dệt (Embioptera), bộ Cánh tơ (Thysanoptera), bộ Cánh cứng (Coleoptera), bộ Cánh vẩy (Lepidoptera), bộ Hai cánh (Diptera),... Hoặc có loại con đực có cánh, con cái không có cánh như một số loại rệp sáp thuộc bộ Cánh đều (Homoptera), ngài sâu bao (Psychidae) hoặc nhiều loài ngài sâu róm (Lymantriidae). Ở các loài mối thuộc bộ Cánh bằng (Isoptera) và các loài kiến, chỉ các loại hình sinh sản mới có cánh. Ngoài ra còn rất nhiều côn trùng có dạng hình cánh ngắn như ở bộ Cánh thẳng, bộ Cánh cứng,... .

Phần lớn cánh côn trùng là chất màng nhưng cánh của nhiều loại côn trùng cũng có nhiều thay đổi về chất. Cánh trước của côn trùng bộ Cánh cứng (Coleoptera) bằng chất sừng, cứng không có mạch cánh, có tác dụng bảo vệ cánh sau và giữ thăng bằng khi bay được gọi là cánh cứng. Cánh của các loại bọ xít thuộc bộ Cánh nửa cứng (Hemiptera) có nửa phần trước của cánh cứng, nửa sau mềm. Cánh của chuồn chuồn, ong và phần nhiều cánh sau của côn trùng bằng chất màng mỏng, trong suốt hoặc mờ được gọi là cánh màng. Cánh của cào cào, gián bằng chất cứng gần giống da thuộc nên được gọi là cánh da. Ở các loại bướm, ngài, cánh được cấu tạo bằng chất màng mỏng phủ đầy vẩy, phấn nên được gọi là cánh vẩy hay cánh phấn. Cánh của bọ trĩ, cánh tơ, hẹp dài chung quanh có nhiều lông dài được gọi là cánh tơ. Cánh sau của côn trùng thuộc bộ Hai cánh (Diptera) đã biến thành dạng hình chùy nhỏ để giữ thăng bằng khi bay nên được gọi là cánh thăng bằng.

C B B G E D A F

Hình II.36. Cánh da (Orthoptera)(A); Cánh vẩy (Lepidoptera)(B); Cánh cứng

(Coleoptera)(C); Cánh màng (Hymenoptera)(D); Cánh màng (Neuroptera) (E); Cánh nửa cứng (Hemiptera)(F); Hai cánh - Cánh ruồi (Diptera)(G).

Một phần của tài liệu Giáo trình: Côn Trùng Trong Nông Nghiệp - Chương 2 docx (Trang 25 - 28)