II .Những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc
4. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Điều 657 của Bộ luật dân sự quy định : ''Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; 2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan nội dung di chúc;
Theo quy định của luật thì những người trên không được quyền làm chứng vì việc làm chứng sẽ không khách quan ảnh hưởng đến nội dung di chúc hoặc chưa đủ điều kiện về chủ thể thực hiện việc làm chứng. Những người này thực hiện làm chứng cho việc lập di chúc cũng không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định trên đã thể hiện những hạn chế sau đây:
Về khoản 1 của Điều 657 BLDS thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc không được quyền làm chứng. Trong thực tế nhiều trường hợp việc những người thừa kế làm chứng vẫn khách quan hoàn toàn không vì mục đích vụ lợi, không ảnh hưởng đến tính trung thực và ý chí của người lập di chúc vẫn không được thừa nhận. Trong trường hợp này việc làm chứng cho việc lập di chúc là trái với khoản 1 Điều 657 nên không được thừa nhận. Đối với trường hợp này thì việc làm chứng của hai người là khách quan, đúng với ý chí của người lập di chúc và hoàn toàn không mang tính chất vụ lợi (làm chứng cho người khác được hưởng) thì được thừa nhận là hợp pháp sẽ phù hợp với thực tế hơn. Trong trường hợp này nếu không công nhận di chúc thì ba người con của cụ Hà phải lập văn bản thoả thuận phân chia di sản và nhường quyền thừa kế cho chị Yến (văn bản được công chứng, chứng thực) sau đó chị Yến mới có thể làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Thực tế thì việc quy định tại Điều 657 khoản 1 cũng có những hợp lý vì nhằm mục đích ngăn ngừa việc thông đồng cho những người thân thuộc khác (chị em, chồng, con) được hưởng nên làm chứng không khách quan. Tuy nhiên theo chúng tôi thì việc xem xét phải dựa vào các yếu tố mà quan trọng nhất là sự tự nguyện của người có tài sản, nếu chỉ dựa vào người làm chứng không đúng mà huỷ toàn bộ di chúc là không phù hợp với bản chất của việc lập di chúc và công nhận di chúc. Vì vậy, cần xem xét bổ sung Điều 657 khoản 1 mục đích "vụ lợi hoặc không khách quan" trong việc làm chứng.
Về khoản 2 Điều 657 thì "những người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc" được hiểu như thế nào? Theo cách hiểu thông thường thì trong di chúc cho người đó hưởng quyền tài sản như được di tặng hoặc giao nghĩa vụ thờ cúng, nghĩa vụ chăm sóc người nào đó khi người lập di chúc chết (mà không được thừa kế theo di chúc) người quản lý di sản ... thì không có quyền làm chứng. Trong trường hợp cha, mẹ, vợ, chồng con của người thừa kế theo di chúc có được làm chứng hay không (chẳng hạn A được di chúc hưởng ngôi nhà ở thì vợ của A và con của A có được làm chứng hay không). Có ý kiến cho rằng cha, mẹ, vợ, chồng, con của người thừa kế theo di chúc cũng là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc nên không được làm chứng. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm này bởi lẽ ngay trong Điều 662 về những người không được chứng nhận, chứng thực di chúc đã tách các đối tượng trên thành hai khoản:
1. ...
2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
3. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc.
Vì vậy, theo chúng tôi khi xây dựng Bộ luật dân sự đã dự liệu thiếu vấn đề này nên cần thiết phải bổ sung vào khoản 4 Điều 657 người không được làm chứng là người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Về khoản 3 Điều 657 quy định người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự thì không được làm chứng cho việc lập di chúc. Quy định này của luật vừa thừa vừa thiếu vì các lý do sau :
- Điều 23 của Bộ luật dân sự quy định người chưa đủ 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự. Người chưa đủ 6 tuổi tất nhiên là người chưa thành niên theo quy định tại Điều 20 "Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên". Về năng lực hành vi dân sự của cá nhân Bộ luật dân sự chia thành nhiều mức độ để xác định người đại diện và mức độ đại diện khi tham gia các giao dịch dân sự. Trong việc xác định tư cách người làm chứng thì chỉ cần quy định là người chưa thành niên là đủ (chưa đủ 18 tuổi).
-Ngoài Điều 24 và Điều 25 của Bộ luật dân sự quy định những trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức làm chủ hành vi của mình ... lại chưa được quy định trong Điều 657 khoản 3. Như vậy, những người bị bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi... vẫn có quyền làm chứng vì luật không hạn chế. Theo chúng tôi khoản 3 Điều 657 của Bộ luật dân sự cần bổ sung và viết lại như sau : "Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự".
III.Di sản dùng vào việc thờ cúng
Như chúng tôi đã phân tích trong chương 1 về di sản dùng vào việc thờ cúng đã được quy định trong Bộ luật dân sự nhưng các quy định đó chưa cụ thể rõ ràng, nhiều trường hợp không thực hiện được trên thực tế.
* Theo quy định của pháp luật di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế và giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận thì có quyền giao phần di sản cho người khác quản lý và thờ cúng.
Ví dụ thực tế : Cụ Nguyễn Văn Khoa có bốn người con :
Nguyễn Văn Tâm (Trưởng nam). Nguyễn Thị Trà (Thứ nữ).
Nguyễn Thị Thanh (Thứ nữ). Nguyễn Thị Thái (Út nữ).
Năm 1995 cụ Khoa qua đời có để lại di chúc cho con trai là Nguyễn Văn Tâm được hưởng thừa kế ngôi nhà ở diện tích 162m2, còn ba người con gái mỗi người được hướng số tiền là 22 triệu đồng. Ngoài ra trong di chúc còn để lại ngôi
nhà 3 gian, diện tích xây dựng 50m2, diện tích sân vườn 40m2 tại xã P.T, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho trưởng nam là Lê Văn Tâm quản lý và thực hiện việc thờ cúng. Ngôi nhà anh Tâm và ngôi nhà để thờ cúng sát nhau để thuận tiện cho việc hương khói. Di chúc hợp pháp có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã.
Năm 1997 anh Tâm dọn toàn bộ bát nhang, bàn thờ về nhà mình và lấy ngôi nhà ngói 3 gian làm địa điểm tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Khi ba người con gái có ý kiến thì anh Tâm trả lời anh trưởng nam nên việc thờ cúng do anh định đoạt. Sau đó ba người con gái đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã can thiệp, qua nhiều lần hòa giải anh Tâm đã chấp nhận chuyển vật liệu sang nhà mình và đồng ý để cho cô Trà đến thờ cúng vào ngày rằm, mồng một theo sự thoả thuận của những người thừa kế.
Mặc dù sự thoả thuận bằng văn bản nhưng trong suốt quá trình từ năm 1998 đến nay việc thờ cúng không thực hiện được vì cứ mỗi lần các em đến thực hiện thờ cúng anh Tâm lại doạ nạt, lấy khoá riêng khoá cổng lại khiến các em gái đều khiếp sợ.
Tháng 6 năm 2002 các cô Trà, Thanh và Thái có đơn yêu cầu Uỷ ban nhân dân xem xét cho bán ngôi nhà trên lấy tiền để xây dựng ngôi nhà khác ở địa điểm khác để thực hiện việc thờ cúng thì được trả lời không được bán vì đây là di sản dùng vào việc thờ cúng.
Trong trường hợp này di sản thờ cúng không được chia thừa kế, không bán được và cũng không thể thực hiện việc thờ cúng theo ý nguyện của người chết nên làm mất ý nghĩa của di chúc và pháp luật không được thực hiện triệt để.
* Theo Điều 673 quy định thì trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản trong số những người thừa kế theo pháp luật. Chúng tôi thấy quy định trên chưa rõ ràng, mâu thuẫn không phù hợp với thực tế vì:
Thứ nhất, "tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết" theo quy
định của luật được hiểu trong di chúc lập cho bao nhiêu người những người đó không còn sống nữa chẳng hạn: Ông A có 5 người con, nhưng trong di chúc lập cho 2 người con (B và C) mỗi người được hưởng 1/2 di sản và giao ngôi nhà cho anh B quản lý thờ cúng. Khi B và C chết thì được hiểu những người thừa kế theo di chúc đều đã chết, thì ba người con còn lại có quyền lấy ngôi nhà là di sản thờ cúng để thực hiện việc thờ cúng không?
Thứ hai, "Di sản thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản
trong số những người thừa kế theo pháp luật." Vậy, "thuộc về" ở đây là có quyền sở hữu hay sử dụng. Theo quy định này trong trường hợp nêu trên khi B và C chết thì ngôi nhà thờ cúng thuộc quyền sở hữu của con anh B đang quản lý hợp pháp ngôi nhà đó vì:
- Con anh B là người thuộc diện thừa kế (Cháu được thừa kế thế vị theo Điều 680).
Tài sản đã thuộc sở hữu của em anh B thì có quyền bán, trao đổi, tặng cho hoặc không thực hiện việc thờ cúng thì ba người con của ông A vẫn còn sống cũng không có quyền gì. Theo chúng tôi quy định này vẫn chưa phù hợp.
Từ các căn cứ trên Điều 673 cần sửa đổi, viết lại như sau: Nếu người lập di chúc có để lại khối di sản thờ cúng thì di sản đó coi như chưa chia. Nếu thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đang còn mà việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật của người chết có quyền thoả thuận giao cho người khác quản lý để thực hiện việc thờ cúng hoặc xin chia di sản thừa kế. Nếu thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đã hết mà việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc hoặc theo thoả thuận thì những người thuộc diện thừa kế được quy định tại Điều 679, Điều 680 của Bộ luật này đang quản lý hợp pháp được hưởng, nếu người đang quản lý hợp pháp không phải là người thừa kế theo pháp luật thì những người thừa kế thuộc ba hàng thừa kế hoặc thừa kế thế vị của người để lại di sản đang còn sống vào thời điểm xảy ra tranh chấp được hưởng.