TÌNH HÌNH VĂN HỌC

Một phần của tài liệu Tuyển tập văn 12 - phần 1 (Trang 161 - 164)

1. Những thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển của văn học :

1) Trước hết, phải kể đến sự lãnh đạo và quan tâm giúp đỡ thường xuyên của Ðảng. Thông qua hoạt động của các tổ chức văn nghệ, Ðảng đã đề ra chủ trương chính sách tích cực, giúp chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc ; phát động các cuộc thi để kích thích phong trào sáng tác, phát hiện tài năng mới ; động viên văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế,... (Hội văn nghệ Việt Nam được thành lập, ra tạp chí Văn nghệ - năm 1948 ; tổ chức giải thưởng văn nghệ các năm 1951-1952, 1954-1955,...)

- Cách mạng tháng Tám đã giải phóng dân tộc, đồng thời cũng giải phóng cho văn học khỏi những trói buộc của quan niệm cũ. Tính dân chủ được nâng cao, văn học không còn là sở hữu riêng của một lớp người mà thành giá trị chung cho tất cả mọi người. Quan niệm nghệ thuật tiến bộ được khẳng định, đưa văn học trở về với ngọn nguồn đích thực là đời sống rộng lớn của nhân dân, hứa hẹn một sự khởi sắc rực rỡ.

- Lực lượng sáng tác được tập hợp đông đảo, có sự góp mặt đầy đủ và bổ sung lẫn nhau giữa các thế hệ. Dưới ngọn cờ của Ðảng, văn nghệ sĩ dù ở thế hệ nào cũng hướng về lý tưởng chung, soi sáng cuộc đời và công việc sáng tạo nghệ thuật. Mặc dù còn phải tiếp tục giải quyết nhiều vướng mắc về lập trường, quan điểm, về tư tưởng nghệ thuật nhưng nhìn chung ngay từ buổi đầu, đa số lớp trước Cách mạng đều phát huy tinh thần dân tộc, hăng hái đi theo kháng chiến bằng lương tâm và trách nhiệm cao nhất của người nghệ sĩ chân chính. Bên cạnh đó, phải kể đến lớp nhà văn trưởng thành từ quân đội, từ phong trào sáng tác quần chúng. Sáng tác của họ mang đậm đà hơi thở đời sống, tạo nên sức trẻ cho nền văn học, có sức động viên, khích lệ tinh thần nhân dân rất mạnh mẽ.

- Trình độ học vấn, đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ được nâng cao, quần chúng trở thành nhân tố quan trọng cho sự hồi sinh của văn học. Nhân dân là đối tượng phản ánh, là độc giả và cũng chính là người trực tiếp sáng tạo nghệ thuật. Giới văn chương được mở rộng, sinh hoạt văn nghệ sôi nổi hẳn lên. Mặt khác, chín năm kháng chiến khổ nhục mà vĩ đại - một hiện thực hoành tráng, giàu chất sử thi - là nguồn đề tài phong phú cho sáng tác. Cuộc sống mới, quan hệ xã hội mới với bao nhiêu cung bậc tình cảm của con người Việt Nam tự do đã gợi lên những cảm hứng mãnh liệt, điều kiện cần thiết trước hết cho sáng tác.

- Tuy khởi đầu cho một thời kỳ mới nhưng văn học 1945-1954 không hoàn toàn tách rời mà gắn bó chặt chẽ, kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước Cách mạng. Những năm 40 là thời kỳ khủng hoảng cao độ của chế độ thuộc địa, xã hội bế tắc, hoang mang, không tìm được hướng đi. Tình hình văn học, do đó hết sức phức tạp với nhiều khuynh hướng, nhiều giá trị biểu hiện khác nhau. Văn học kháng chiến chống Pháp có đầy đủ điều kiện để tiếp nhận phần tinh hoa, thành tựu cũng như loại trừ những yếu tố không có lợi cho sự nghiệp chung. Ðặc biệt, phải kể đến những cách tân về phương diện nghệ thuật của văn chương lãng mạn, giá trị hiện thực và nhân đạo của văn học hiện thực phê phán, tính chiến đấu mạnh mẽ của văn học Cách mạng (chủ yếu là thơ ca trong tù của Bác Hồ, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Ðức Thọ,...) 2) Trong bối cảnh chung thời chiến tranh, văn học chín năm chống Pháp phải đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt : điều kiện in ấn, phát hành rất hạn chế, thời gian và công sức của văn nghệ sĩ dành cho sáng tác không nhiều, sự khủng bố của kẻ thù,... Nhiều cây bút đang độ sung sức đã ngã xuống, gây nên mất mát không gì bù đắp được (Trần Ðăng, Nam Cao, Thôi Hữu,...)

Mặt khác, về phía chủ quan, tuy hầu hết văn nghệ sĩ đã tán thành quan niệm sáng tác mới, nhưng để biến nhận thức ấy thành xúc động nghệ thuật, thành hình tượng nghệ thuật có sức lay động lòng người thì quả không phải chuyện giản đơn một sớm một chiều. Tình cảm bao giờ cũng chuyển biến chậm hơn. Không ít lần, nhất là ở những khúc quanh của lịch sử (thời kỳ đầu kháng chiến, trong cải cách ruộng đất), hàng ngũ sáng tác có biểu hiện hoang mang, dao động. Ðây chính là lý do giải thích vì sao mãi đến gần cuối cuộc kháng chiến, văn học Cách mạng mới có được những thành tựu đáng kể.

2. Các chặng đường phát triển :

Có thể khảo sát quá trình phát triển của văn học giai đoạn này qua hai chặng cụ thể như sau :

1) 1945-1946 : Ðây là năm bản lề, văn học chuyển mình hòa vào dòng thác

Cách mạng. Văn học Cách mạng dần trở thành trào lưu chủ đạo. Ðội ngũ sáng tác nòng cốt vẫn là những cây bút đã khẳng định tên tuổi từ trước. Trừ một số ít tỏ ra lạc lõng, hầu hết tự nguyện đứng vào hàng ngũ văn nghệ sĩ mới với niềm hạnh phúc lớn lao : được hai lần giải phóng. (Hội văn hóa cứu quốc được thành lập).

Nhìn chung, sáng tác thời kỳ này tập trung vào hai chủ đề lớn. Thứ nhất, ngợi ca thắng lợi vĩ đại của Cách mạng và bộc lộ niềm phấn khởi, tự hào tột độ của toàn dân (Vui bất tuyệt, Hồ Chí Minh - Tố Hữu, Ngọn quốc kỳ - Xuân Diệu, kịch Bắc sơn - Nguyễn Huy Tưởng). Thứ hai, tái hiện lại thực trạng xã hội tăm tối trước Cách mạng để tố cáo tội ác dã man của thực dân và tay sai, đánh tan những ảo tưởng cuối cùng vào sự lừa mị của chúng; từ đó, giáo dục ý thức trân trọng, thiết tha với chế độ mới (Mò sâm banh - Nam Cao, Lò lửa

và địa ngục - Nguyên Hồng, Một lần tới thủ đô - Trần Ðăng, Chùa Ðàn - Nguyễn Tuân).

Ðược viết do sự thôi thúc của nhiệt tình, trách nhiệm công dân mà chưa có độ sâu sắc, độ lắng đọng từ phía cảm xúc người nghệ sĩ nên phần lớn tác phẩm dễ rơi vào quên lãng. Nhiều văn nghệ sĩ còn quá bỡ ngỡ trước cuộc sống mới, yêu mến nhưng chưa hiểu Cách mạng bao nhiêu nên chưa thật sự gắn bó và đồng cảm với quần chúng. Một số vẫn chưa hết băn khoăn, đắn đo như Chế Lan Viên sau này tâm sự : Cách mạng làm tôi vui nhưng cũng làm tôi lo lắng. Tôi có còn được tự do ? Văn học Cách mạng có phải là văn học ? (Văn nghệ, 18-9-1976).

2) 1947-1949 : Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ðông đảo văn nghệ sĩ tự

nguyện tham gia. Xuất hiện kiểu nhà văn - chiến sĩ, những người vừa trực tiếp chiến đấu vừa dùng ngòi bút như một thứ vũ khí để đấu tranh với kẻ thù và động viên, cổ vũ quần chúng. Có thể kể : Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Quang Dũng, Hồ Phương,... Tuy có thừa nhiệt tình và vốn sống thực tế nhưng do những cây bút trẻ này còn thiếu kinh nghiệm sáng tác nên chất lượng tác phẩm của họ thường không đồng đều. Dù sao, cũng đã có tín hiệu lạc quan của những phong cách mới, mang đậm đà hương sắc từ cuộc sống kháng chiến.

Sự chuyển biến của văn nghệ sĩ lớp trước Cách mạng ở những năm đầu chặng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của kháng chiến. Chưa đủ những điều kiện cần thiết (thời gian, thực tế kháng chiến) để họ gắn bó máu thịt, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Do đó, những tác phẩm hay vẫn chưa nhiều. Tiêu biểu : thơ của Tố Hữu (Cá nước, Phá đường, Bà mẹ Việt Bắc, Bầm ơi) ; truyện ngắn : Ðôi mắt - Nam Cao, Làng - Kim Lân, Thư nhà - Hồ Phương, truyện và ký sự của Trần Ðăng.

Nhằm tạo bước phát triển đáng kể cho văn nghệ, Ðảng đã tiến hành hàng loạt biện pháp tích cực : tổ chức học tập, thảo luận những báo cáo quan trọng có tính định hướng (Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam - Trường Chinh, 1948 ; Xây dựng nền văn nghệ nhân dân - Tố Hữu, 1949), tổ chức nhiều hội nghị tranh luận về các vấn đề văn nghệ (Hội nghị văn nghệ bộ đội- 4/1919, Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc- 3/1949). Tổ chức của văn nghệ sĩ từng bước được kiện toàn. Hội văn nghệ Việt Nam được thành lập (1948). Với phương châm Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt, nhằm xây dựng một nền văn nghệ Dân tộc, khoa học, đại chúng, văn nghệ sĩ hăng hái xốc ba lô tham gia kháng chiến. Những đợt đi thực tế ra mặt trận được tổ chức trang nghiêm, tưng bừng đã gây ấn tượng rất sâu sắc đối với người cầm bút vốn xuất thân từ tầng lớp trí thức.

Những tác động ấy đã giúp văn nghệ sĩ dần rũ bỏ những ám ảnh của nếp sống, nếp nghĩ cũ; tạo một thái độ chân thành, gắn bó máu thịt với cuộc sống; giúp giải quyết thỏa đáng những vấn đề còn vướng mắc về tư tưởng và phương pháp sáng tác như: viết cái gì? viết cho ai? viết như thế nào?.

Trong khi bộ phận chuyên nghiệp còn đang loay hoay nhận đường thì, đặc biệt, phong trào văn nghệ quần chúng vốn manh nha từ những ngày đầu Cách mạng, giờ phát triển sôi nổi hẳn lên và giữ vai trò chủ yếu trong sinh hoạt văn nghệ kháng chiến. Không khí khẩn trương và hoàn cảnh đặc biệt của kháng chiến rất thích hợp với những hình thức tự biên tự diễn, phục vụ kịp thời như kịch lửa trại, vè độc tấu, ca dao diệt đồn, thơ báng súng.... Cho dù chất lượng nghệ thuật còn hạn chế nhưng không thể phủ nhận rằng vào thời điểm bấy giờ, văn nghệ quần chúng đã đáp ứng thỏa đáng nhu cầu đời sống tinh thần người Việt Nam trong kháng chiến.

3) 1950-1954 : Ðây là những năm văn học gặt hái được nhiều thành tựu

rực rỡ, nhất là thơ ca. Các nhà thơ : Tố Hữu, Nông Quốc Chấn, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Trần Hữu Thung, Minh Huệ,... đều có tác phẩm hay. Ở lĩnh vực văn xuôi, tiểu thuyết đã có những thể nghiệm bước đầu đáng khích lệ với Con trâu (Nguyễn Văn Bổng), Xung kích (Nguyễn Ðình Thi), Vùng mỏ (Võ Huy Tâm).

Phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi và ngày càng sâu rộng vẫn là món ăn tinh thần chính yếu của nhân dân. Thơ bộ đội, thơ của các cây bút dân tộc ít người có một số tác phẩm nổi bật (Dọn về làng - Nông Quốc Chấn, Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui, Em tắm - Bạc Văn Ùi). Các loại hình sân khấu truyền thống cũng bước đầu được phục hồi tuy vẫn còn nặng về hình thức và hiếm kịch bản có giá trị văn học cao.

Một phần của tài liệu Tuyển tập văn 12 - phần 1 (Trang 161 - 164)