3.1.1 Sự phát triển tất yếu của kiểm toán nội bộ
Trên thế giới, kiểm toán nội bộ đã ra đời từ lâu nhưng chỉ phát triển từ sau các vụ gian lận tài chính ở Công ty Worldcom và Enron (Mỹ) những năm 2000- 2001 và đặc biệt là khi Luật Sarbanes-Oxley của Mỹ ra đời năm 2002. Luật này quy định các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ phải báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty.
Trong khi hoạt động của kiểm toán độc lập giới hạn ở việc kiểm tra báo cáo tài chính (mức độ trung thực và hợp lý), hoạt động của kiểm toán nội bộ không bị giới hạn ở bất kỳ phạm vi nào trong công ty, từ mua hàng, sản xuất, bán hàng đến quản lý tài chính, nhân sự hay công nghệ thông tin. Mục đích của kiểm toán nội bộ là phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp, chứ không phải cho đối tác bên ngoài. Kiểm toán nội bộ không chỉ đánh giá các yếu kém của hệ thống quản lý mà còn đánh giá các rủi ro cả trong và ngoài công ty
Kiểm toán nội bộ có thể đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích. Đây là công cụ giúp phát hiện và cải tiến những điểm yếu trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Thông qua công cụ này, ban giám đốc và hội đồng quản trị có thể kiểm soát hoạt động tốt hơn, quản lý rủi ro tốt hơn, tăng khả năng đạt được các mục tiêu kinh doanh. Một doanh nghiệp có kiểm toán nội bộ sẽ làm gia tăng niềm tin của các cổ đông, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về hệ thống quản trị ở đây. Các thống kê trên thế giới cho thấy các công ty có phòng kiểm toán nội bộ thường có báo cáo đúng hạn, báo cáo tài chính có mức độ minh bạch và chính xác cao, khả năng gian lận thấp và cuối cùng là hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn so với các công ty không có phòng kiểm toán nội bộ.
3.1.2 Tính tất yếu và phương hướng hoàn thiện kiểm toán nội bộ trong ngân hàng thương mại ở Việt Nam
NHTM cũng là một loại hình doanh nghiệp, do đó việc phát triển của KTNB trong NHTM là hoàn toàn tự nhiên giống như sự phát triển tất yếu của KTNB trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác.
Hoạt động KTNB trong các NHTM là vô cùng quan trọng. Đất nước đang trên đà phát triển, hoạt động tín dụng đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn vốn cho hoạt động đầu tư phát triển. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, quy mô hoạt động của các ngân hàng ngày càn được mở rộng. Vốn hoạt động của ngân hàng ngày một lớn, các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp ngày càng đa dạng, phức tạp. Để quản lý tất cả các hoạt động và điều hành các hoạt động tiến hành một cách có hiệu quả là không hề đơn giản, do đó hoạt động của KTNB là thực sự cần thiết cho việc nâng cao hiệu năng quản lý, hiệu quả các dịch vụ của các ngân hàng.
Với sự tham gia ngày càng nhiều của các ngân hàng, các khách hàng đang có ngày càng nhiều sự lựa chọn hơn trong việc sử dụng các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, chuyển khoản,… được cung cấp bởi ngân hàng, do đó càng ngày các ngân hàng càng phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn. Việc duy trì bộ phận KTNB trong các NHTM sẽ đảm bảo cho tính trung thực của các thông tin tài chính, hiệu quả trong quản lý các hoạt động. Khách hàng khi có nhiều sự lựa chọn thì họ sẽ lựa chon ngân hàng nào có thông tin tài chính mà họ cho là đáng tin cậy, hiệu quả hoạt động tốt. Do đó có thể nói KTNB giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng.
Với tình hình phát triển hiện nay, các ngân hàng đang trong tiến trình cổ phần hóa. Việc duy trì bộ phận KTNB hiệu quả sẽ tăng mức độ tín nhiệm của các nhà đầu tư với ngân hàng, từ đó họ sẽ quyết định đầu tư vào ngân hàng.
Mặt khác trong xu thế hội nhập hiện nay cảu Việt Nam, đó là việc gia nhập các tổ chức kinh tế, thương mại thế giới, tiêu biểu là WTO thì việc duy trì hoạt động của KTNB trong NHTM là một đòi hỏi ràng buộc. Hơn nữa cùng với việc hội nhập là việc các ngân hàng nước ngoài tham gia hoạt động ở Việt Nam, từ đó các ngân hàng càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là hoạt động đầu tư của các nhà
đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng. Đây là một nguồn huy động vốn có thể xem là khá quan trọng.
Xu hướng trong những năm tới đây, các ngân hàng sẽ ý thức được hơn tầm quan trọng của KTNB. Việc phát triển của KTNB trong NHTM là một điều tất yếu. Tuy nhiên làm sao để hoạt động này có hiệu quả, thực sự mang lại lợi ích cho nhà quản lý? Để làm được điều này thì bộ phận KTNB cần được xây dựng một cách có hệ thống, trên cơ sở pháp luật về kiểm toán nói chung, KTNB nói riêng. Hoạt động của KTNB cần phải dựa trên chuẩn mực chung, và các quy định riêng của đơn vị, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống công nghệ thông tin. Hoạt động KTNB cần được thực hiện bởi các KTV chuyên nghiệp, lành nghề, đồng thời am hiểu về hoạt động của ngân hàng.