Sau khi kết thúc hai cuộc chiến tranh biên giới, tình hình đất nước bắt đầu ổn định để có thể tập trung phát triển kinh tế. Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 6 (Khoá IV) đã đặt quan điểm nền tảng đầu tiền về chiến lược, chính sách, cơ cấu và cơ chế quản lý kinh tế. Trên cơ sở về những định hướng đó, ở các địa phương xuất hiện nhiều phong trào của quần chúng, của cơ sở sản xuất vừa tự giác, vừa tự phát nhằm thoát khỏi những ràng buộc của cơ chế cũ đồng thời tìm lối ra riêng cho đơn vị mình.
Hợp thức hoá phong trào quần chúng và trên cơ sở các định hướng đổi mới của Đảng được xác định ở Nghị quyết TƯ 6 (Khoá IV), thời kỳ này, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hạn chế, tiến tới xoá bỏ những trì hãm của cơ chế cũ, tạo môi trường thuận lợi cho cơ chế mới và nhân tố mới xuất hiện. Có thể nói đây là phong trào mang tính chất toàn dân, diễn ra sôi động theo nhiều khuynh hướng khác nhau và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Khởi đầu quá trình này là những chuyển biến trong cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ngày 13/1/1981 Bộ chính trị BCH TƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Đây là bước ngoặt đầu tiên trực tiếp công phá vào thành trì hành chính quan liêu bao cấp trong nông nghiệp đặc biệt là khu vực hợp tác xã.
Cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động đã bước đầu khôi phục lại được động lực lợi ích vật chất của người lao động mà sau nhiều năm đã bị thui chột do mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Dưới tác động của cơ chế khoán mới, người nông dân bắt đầu thấy được vai trò của mình trong
quá trình tái sản xuất, thấy được lợi ích trực tiếp của mình trên mảnh ruộng do mình canh tác.
Cùng với khu vực nông nghiệp, khu vực công nghiệp cũng có một vài cải cách trong các xí nghiệp quốc doanh. Quyết định 217/HĐBT; 146/HĐBT...
khuyến khích việc khai thác các tiềm năng sẵn có trong xí nghiệp thông qua cơ chế "3 phần kế hoạch"; "4 nguồn khả năng"; trong chừng mực nhất định giúp các xí nghiệp hoàn thành tốt các khu vực pháp lệnh của Nhà nước giao, mở rộng kế hoạch bổ sung nhằm khai thác tiềm năng của mình và cải thiện đời sống cho người lao động.
Những cơ chế chính sách đó đã bắt đầu mang đến một luồng gió mới, khơi dậy các hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đã bị ngưng trệ lâu ngày trong thiết chế kinh tế hiện vật tập trung. Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, các chính sách mới cũng bắt đầu bộc lộ nhược điểm, cần phải được điều chỉnh, bổ sung. Chính vì vậy đến năm 1998. Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp tại đây hộ gia đình xã viên được xác lập là đơn vị kinh tế chủ quản tự chủ, chứ không còn dừng ở mức độ là hộ nhận khoán. Có thể nói, đây là chính sách có ý nghĩa bước ngoặt trong đổi mới, khuyến khích nông nghiệp phát triển. Việc chuyển vai trò từ hợp tác xã sang hộ gia đình xã viên như vậy đã tạo ra một động lực lớn kích thích phát triển kinh tế nông thôn. Hộ gia đình xã viên được tự chủ tính toán, cân nhắc các phương án sản xuất kinh doanh trên mảnh ruộng của mình.
Đồng thời, khu vực công nghiệp cũng tiến hành một số cải cách theo hướng mở rộng quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho đơn vị kinh tế cơ sở. Từ đây các xí nghiệp bắt đầu thực hiện cơ chế hạch toán kinh doanh độc lập, chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Hướng đi mới này đã góp phần kích thích các doanh nghiệp phát huy
mạnh mẽ năng lực sáng tạo, không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề , tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhìn chung trong bối cảnh cụ thể , các cơ chế chính sách này đã phát huy tác dụng rất lớn ,giải toả được những ràng buộc của cơ chế cũ , mở ra và tạo đà cho những cơ hội mới phát triển. Sự khuyến khích , sự kích thích được biểu hiện chủ yếu ở khả năng giải toả từng bước những cản trở của cơ chế cũ toòn tại khá lâu từ trước , chưa đủ điều kiện xác lập đồng bộ cơ chế mới cũng như việc định ra các biện pháp cụ thể về kinh tế tài chính. Khuyến khích các hoạt động đầu tư. Vì vậy cùng với thời gian, nó cũng ngày càng bộc lộ rõ những hạn chế, những kìm hãm mới đối với sự phát triển kinh tế và trong một chừng mực nhất định đã xuất hiện tình trạng phân tán, buông lỏng quản lý, thậm chí vô Chính phủ ở khá nhiều ngành, địa phương, đơn vị kinh tế cơ sở. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó nguyên nhân do khuôn khổ pháp lý của cơ chế mới chưa được xác lập đồng bộ, đầy đủ; nhiều quan điểm về đổi mới, về khuyến khích chưa được xác lập một cách có căn cứ khoa học vững chắc. Thực trạng đó một mặt đòi hỏi tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm cơ sở cho việc ban hành cơ chế chính sách có căn cứ khoa học xác đáng; về phía quản lý Nhà nước, phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý bảo đảm cho quá trình đổi mới diễn ra an toàn và đúng hướng.