Ngờ đâu trong mấy tháng qua Du Thản Chi tập luyện liên tục nên độc chất của con băng tàm đã dung hợp trong cơ thể, những gì Đinh Xuân Thu thổi vào xác những tên đệ tử Cái Bang kia không làm gì y nổi.
Đinh Xuân Thu nghĩ thầm: “Cứ nhìn da tay và nghe giọng nói của gã này thì xem ra còn trẻ lắm, chắc không có bản lãnh gì chân thực đâu, có lẽ trên người y có chất gì kỵ độc như hùng hoàng châu, tịch tà kỳ hương chẳng hạn, hay đã uống sẵn thuốc giải nên không bị chất độc xâm nhập”. Y liền nói:
- Du huynh đệ, ngươi lại đây, ta có chuyện muốn nói.
Du Thản Chi thấy y nói ra vẻ thành khẩn nhưng đã từng chứng kiến thủ đoạn giết bọn Cái Bang thật là tàn độc, thầy trò y khi thì nịnh bợ tâng bốc, lúc lại chửi bới nhục mạ lẫn nhau, biết hạng người này thật khó mà đối phó, chi bằng kính nhi viễn chi là hơn bèn đáp:
- Tiểu nhân đang có chuyện cần, không thể phụng bồi, xin cáo từ. Nói xong chắp tay chào, quay mình đi thẳng. Y mới đi được mấy bước, đột nhiên thấy bên cạnh người có hơi một chút gió, hai cổ tay ghịt lại thì ra đã bị nắm chặt. Du Thản Chi quay đầu nhìn, thấy người nắm tay mình chính là một đệ tử phái Tinh Tú. Y không hiểu đối phương có dụng ý gì nhưng thấy mặt y nở một nụ cười nham hiểm, xem ra không có hảo ý, trong lòng kinh hãi kêu lên:
- Bỏ ta ra!
Y giằng mạnh một cái, bỗng thấy có vật gì bay vụt ngang đầu, một thân hình to lớn từ sau lưng nhảy qua người y, bình một tiếng, giáng mạnh vào vách đá trước mặt, đầu vỡ tan, nát ngướu thành một cục bầy nhầy.
Du Thản Chi thấy gã đó đụng mạnh như thế, không sao tin nổi, còn đang ngạc nhiên, nhìn kỹ lại hóa ra chính là gã vừa nắm tay mình, càng thêm kỳ quái: “Gã này đang khỏe mạnh như thường, sao tự nhiên lại lao đầu vào đá tự tử ? Không lẽ hóa điên chăng?”. Y có ngờ đâu chính là vì mình giãy một cái, một luồng kình lực đưa ra ném gã kia vào trong núi. Quần đệ tử phái Tinh Tú ai nấy sợ hãi kêu lên, mặt mày biến sắc.
Đinh Xuân Thu thấy y ra tay quật chết đệ tử mình, thủ pháp thật là vụng về quờ quạng, không phải công phu thượng thừa, chỉ vì sức lực mạnh lạ lùng mà ra, nghĩ thầm người này trời cho thần lực, võ công lại tầm thường, lập tức nhún mình một cái, giơ tay chộp vào đầu y. Du Thản Chi không kịp đề phòng lập tức bị đè đến quì xuống đất, bèn chõi lên định đứng dậy, nhưng đầu tưởng như đang đội một khối đá vạn cân, không cách nào động đậy gì được vội vàng van xin:
- Xin lão tiên sinh tha cho.
Đinh Xuân Thu thấy y mở miệng xin tha nên cũng yên tâm hỏi lại:
- Sư phụ ngươi là ai? Sao ngươi dám to gan, giết đệ tử của ta? Du Thản Chi đáp:
- Tôi... tôi không có sư phụ. Tiểu nhân chẳng bao giờ dám giết đệ tử của lão tiên sinh.
Đinh Xuân Thu nghĩ bụng chẳng cần nhiều lời với y làm gì, giết người diệt khẩu cho được việc, nên buông tay ra đợi Du Thản Chi vừa đứng lên liền múa chưởng đánh vào ngực y. Du Thản Chi kinh hãi vội vàng đưa tay gạt ra. Thế đánh của Đinh Xuân Thu thật chậm, Du Thản Chi vừa đưa tay ra đụng ngay phải chưởng tâm của lão. Đinh Xuân Thu vốn đã tính trước, chất độc trong người theo nội kình lòng bàn tay tống ra, chính là công phu Hóa Công Đại Pháp thành danh mấy chục năm qua, trong chưởng hoặc chứa kịch độc, hoặc hóa tán nội lực kẻ địch trong khoảnh khắc, kẻ thì chết ngay tại chỗ, có kẻ đau đớn quằn quại mấy tháng mới chết toàn do ý muốn thi triển khác nhau.
Trong đời Đinh Xuân Thu đã từng dùng pháp môn này giết không biết bao nhiêu người, võ lâm nghe đến Hóa Công Đại Pháp ai ai cũng căm hận chán ghét, sợ đến bủn rủn cả tay chân. Bắc Minh Thần Công của Đoàn Dự hút nội lực người khác lấy làm của mình, khác hẳn với Hóa Công Đại Pháp dùng chất kịch độc hóa tán nội công người khác, nhưng người bị trúng phải thấy mình trong giây lát tiêu tán hết nội lực, chưa một ai có kinh nghiệm của cả hai nên đều hiểu lầm. Đinh Xuân Thu thấy gã đầu sắt sờ mũi hơn chục tử thi Cái Bang mà vẫn không trúng độc nên lập tức thi triển bản lãnh tối đắc ý của lão ra.
Hai người song chưởng chạm nhau, thân hình Du Thản Chi lảo đảo, lịch bịch lùi luôn sáu bảy bước, định gượng dậy nhưng cũng phải ngồi phệt xuống, vậy mà dư lực vẫn còn đẩy y ngã ngửa, đầu va xuống đất, lộn tùng phèo ba bốn vòng mới ngừng lại được. Y vội vàng liên tiếp khấu đầu van xin:
- Lão tiên sinh tha mạng! Lão tiên sinh tha mạng!
Đinh Xuân Thu hai tay đụng với y thấy Du Thản Chi nội lực hùng mạnh, kình đạo âm hàn, thật là quái dị, lại có ngầm chứa chất cực độc, tuy bị mình đẩy ngã lăn chòng chọc thật là thê thảm, nhưng nếu so sánh nội lực và độc kình thì không kém gì mình, vậy mà lại van xin cầu tha mạng? Không lẽ y thực sự không biết? Lão liền tiến lên hỏi lại:
- Ngươi cầu xin ta tha mạng, đó là thực lòng hay là giả ý? Du Thản Chi vẫn một mực rập đầu van lạy:
- Tiểu nhân một lòng thành thực, cầu xin lão tiên sinh tha mạng cho tiểu nhân.
Đinh Xuân Thu nghĩ thầm: “Gã này không biết dùng cách gì, gặp được cơ duyên làm sao mà chất độc tích trong người còn hơn cả ta, quả là một kỳ bảo. Ta phải tìm cách tóm lấy gã dò xem pháp môn luyện công ra sao sau đó hút hết chất độc trong người y, lúc đó mới xử tử. Còn nếu chỉ giết y đi thì thật uổng quá!”. Ông ta giơ chưởng ấn xuống đầu Du Thản Chi, hơi vận nội lực nói:
- Trừ phi ngươi bái ta làm thầy, nếu không ta làm sao tha mạng cho ngươi được?
Du Thản Chi thấy chiếc lồng sắt trên đầu như bị đút vào lò lửa, nóng đến mặt hừng hực, trong bụng hết sức sợ hãi. Y từ khi bị A Tử hành hạ dày vò trở nên bảo sao nghe vậy, chẳng còn phân biệt thiện ác thị phi, bao nhiêu cốt khí cứng cỏi ương ngạnh mất sạch, chỉ sao được bảo toàn tính mạng nên lật đật nói:
- Sư phụ, đệ tử Du Thản Chi cam nguyện gia nhập môn hạ của sư phụ, xin lão nhân gia thu nạp cho.
- Ngươi muốn bái ta làm thầy thì cũng được. Thế nhưng qui củ bản môn thật nhiều, ngươi có tuân thủ được không? Ví thử sư phụ bảo làm gì, ngươi có thành tâm thành ý làm hết lòng, quyết không vi kháng chăng?
Du Thản Chi đáp:
- Đệ tử nguyện tuân thủ qui củ, phục tòng mệnh lệnh của sư tôn. Đinh Xuân Thu hỏi thêm:
- Nếu sư phụ muốn lấy mạng ngươi, ngươi có cam tâm tình nguyện chịu chết không?
Du Thản Chi ấp úng:
- Cái đó... cái đó... Đinh Xuân Thu nói:
- Ngươi nghĩ cho chín, cam tâm thì là cam tâm, không bằng lòng thì nói không bằng lòng.
Du Thản Chi nghĩ thầm: “Nếu ông muốn lấy mạng tôi thì dĩ nhiên không cam tâm rồi. Nếu tới lúc đó trốn được là mình trốn ngay, còn như chạy không xong thì dù không cam tâm cũng đành vậy chứ biết sao hơn”. Y bèn nói:
- Đệ tử cam tâm chịu chết vì sư phụ. Đinh Xuân Thu cười ha hả nói:
- Hay lắm, hay lắm! Ngươi đem tất cả mọi chuyện trong đời nói hết cho ta nghe.
Du Thản Chi không muốn nói rõ hết cho ông ta nghe thân thế và những gặp gỡ trong đời, chỉ nói mình là con nhà nông bị người Liêu bắt trong một kỳ “đi gặt”, đội cho y một cái lồng sắt. Đinh Xuân Thu hỏi y độc chất vì đâu mà có, Du Thản Chi chỉ thổ lộ vì sao thấy con băng tàm và nhà sư Tuệ Tịnh, ăn cắp con tằm ra sao rồi nói láo là sơ ý nên bị con băng tàm trong hồ lô cắn vào tay khiến cho toàn thân đông cứng, còn con tằm thì chết, còn chuyện A Tử tu luyện độc chưởng y bỏ qua không đề cập tới.
Đinh Xuân Thu hỏi kỹ lưỡng hình dáng và tình trạng con băng tàm, trên mặt không khỏi lộ vẻ thèm thuồng thán phục. Du Thản Chi nghĩ thầm: “Nếu ta nói đến cuốn sách ướt hiện hình lên y thể nào cũng cướp mất không trả lại đâu”. Đinh Xuân Thu lại gặng hỏi công phu cổ quái y luyện thế nào nhưng y nhất quyết không hé răng.
Đinh Xuân Thu vốn dĩ đâu có biết đó là công phu Dịch Cân Kinh thấy võ công y hết sức kém cỏi lại tưởng vì y luyện được nội kình âm hàn hoàn toàn chỉ do con băng tàm mà có, trong bụng không khỏi chửi thầm: “Loại thần vật như thế mà lại bị tên tiểu tử này thần xui quỉ khiến làm sao hút được vào người, thật uổng quá”. Y suy nghĩ một chút bèn hỏi thêm:
- Thế nhà sư mập bắt được con tằm đó, ngươi bảo là nghe người khác gọi là Tuệ Tịnh ư? Là sư chùa Thiếu Lâm, chấp tác nơi chùa Mẫn Trung ở Nam Kinh?
Du Thản Chi đáp:
- Quả đúng thế. Đinh Xuân Thu nói:
- Gã Tuệ Tịnh đó bảo là bắt được con băng tàm ở trên đỉnh núi Côn Lôn. Thế thì tốt lắm, ở đó đã có một con thì hẳn sẽ có hai con, ba con. Có điều núi Côn Lôn vuông vức mấy nghìn dặm, nếu không phải người thuộc đường đưa đi thì không phải dễ gì mà bắt được.
Lão đã đích thân nếm mùi linh nghiệm của con băng tàm, tính ra so với Thần Mộc Vương Đỉnh còn quí hơn nhiều, thấy chuyện cần kíp trước mắt phải làm sao ép được nhà sư Tuệ Tịnh dẫn đường đi lên núi Côn Lôn bắt con trùng quí. Hòa thượng đó thuộc phái Thiếu Lâm, vốn cũng khó mà động tới được, nay lại ở Nam Kinh thế thì may quá. Sau đó Du Thản Chi làm lễ bái sư gia nhập phái Tinh Tú.
Bọn đệ tử phái Tinh Tú thấy sư phụ có chiều thương mến y cho nên lập tức xúm lại ninh bợ, tán tụng không tiếc lời. Mới rồi cả bọn chửi bới Tinh Tú Lão Quái, phản nghịch hàng địch nhưng lúc này Đinh Xuân Thu đang cần người nên giả bộ làm như không nhớ đến, vả lại những chuyện đó thì y cũng đã biết thừa nên không thấy bực tức chút nào.
Đoàn người liền chuyển qua đi về hướng đông bắc. Du Thản Chi đi sau Đinh Xuân Thu thấy lão tay áo rộng phất phới, bộ pháp nhẹ nhàng thật chẳng khác gì thần tiên, trong lòng tự nhiên sinh kính ngưỡng: “Ta bái một vị tài ba thế này làm sư phụ, quả đúng là kiếp trước khéo tu”.
Người phái Tinh Tú đi ba ngày liền, đến xế trưa hôm đó, cả bọn ở lại một tòa lương đình ở bên đường uống nước nghỉ ngơi, bỗng nghe phía sau có tiếng vó ngựa, bốn kỵ sĩ từ phía đường bên kia chạy tới. Bốn con ngựa đó chạy tới gần căn nhà mát, người đầu tiên kêu lên:
- Đại ca, nhị ca, trong đây có nước, mình ghé lại uống vài bát cho ngựa nghỉ một chút.
Y vừa nói vừa nhảy xuống ngựa, đi vào lương đình, ba người còn lại cũng hạ mã. Bốn người đó thấy bọn Đinh Xuân Thu, hơi gật đầu chào, đi đến bên chum nước, cầm bát lên múc nước uống. Du Thản Chi thấy người đi đầu mặc áo đen, bé nhỏ gầy gò, trên mép để hai chòm râu đuôi chuột vẻ mặt ranh mãnh. Người thứ hai mặc áo bào màu hoàng thổ, cao lỏng khỏng, hai lông mày xuôi xuống, vẻ mặt cáu kỉnh trông như người ốm dở. Người thứ ba mặc trường bào màu đỏ cánh kiến, thân hình cao lớn, tai to mặt vuông, dưới cằm là một bộ râu hoa râm khá rậm trông chẳng khác gì một phú thương. Người sau cùng mặc áo xanh khăn áo theo vẻ nho sinh, chừng trên dưới năm mươi, đôi mắt lờ đờ dường như vì đọc sách nhiều quá nên cập kèm, không uống nước mà cầm chiếc hồ lô lên tu rượu ừng ực.
Cũng vừa khi đó, từ phía đường trước mặt, một nhà sư xăng xái đi tới, đến trước lương đình, chắp hai tay cung kính nói:
- Chúng vị thí chủ, tiểu tăng đi đường khát nước, xin được vào trong đình nghỉ ngơi, uống bát nước.
Người áo đen cười đáp:
- Sư phụ chẳng phải đa lễ, ở đây ai cũng là người qua đường, tòa nhà mát này có phải chúng tôi dựng lên đâu, xin mời vào nghỉ.
Nhà sư đáp:
Nói xong ông ta đi vào trong lương đình. Nhà sư đó tuổi chừng hai mươi nhăm, hai mươi sáu, mắt to mày rậm, mũi to nhưng tẹt, mặt mày không lấy gì làm đẹp trai, tăng bào tuy vá nhiều chỗ nhưng sạch sẽ. Y đợi ba người kia uống xong lúc đó mới đến gần chum nước, dùng bát múc, hai tay nâng lên, đôi mắt khép lại, cung kính đọc một bài kệ:
Phật quan nhất bát thủy Bát vạn tứ thiên trùng
Nhược bất trì thử chú
Như thực chúng sinh nhục. Ở trong lòng bát nước kia,
Phật trông thấy tám muôn tư côn trùng. Chú này chưa tụng cho xong, Khác gì ăn thịt một vùng chúng sinh. Rồi y niệm:
- Am phọc thái ba la ma ni sa ha.
Niệm xong y mới bưng bát nước lên để vào miệng uống. Gã áo đen lấy làm lạ bèn hỏi:
- Tiểu sư phụ, chú xí xa xí xố niệm chú gì đó? Nhà sư đáp:
- Tiểu tăng niệm đó là ẩm thủy chú. Phật dạy rằng trong mỗi bát nước đều có tám vạn bốn ngàn loại côn trùng, người xuất gia giới sát thành ra phải niệm ẩm thủy chú xong lúc đó mới uống được.
Người áo đen cười sằng sặc nói:
- Nước trong veo, đến một con trùng cũng không có, tiểu sư phụ chỉ giỏi nói đùa.
- Thí chủ có chỗ không biết. Chúng ta là bọn phàm phu nhìn vào thì trong nước không có côn trùng nhưng đức Phật nhìn bằng thiên nhãn, thấy trong nước tiểu trùng hàng nghìn hàng vạn con.
Người áo đen cười hỏi lại:
- Thế chú niệm ẩm thủy chú rồi uống tám vạn bốn nghìn con trùng kia vào bụng thì tiểu trùng không chết hay sao?
Nhà sư trù trừ rồi đáp:
- Cái... cái đó... sư phụ tiểu tăng chưa dạy. Có lẽ tiểu trùng không chết đâu.
Người áo vàng chen vào:
- Sai bét rồi, không phải vậy! Tiểu trùng cũng vẫn chết chứ. Có điều tiểu sư phụ niệm chú rồi, tám vạn bốn nghìn con trùng kia đi thẳng lên tây phương cực lạc thế giới, tiểu sư phụ uống một bát nước ấy là siêu độ cho tám vạn bốn nghìn chúng sinh. Công đức thật là vô lượng! Quả thật là vô lượng!
Nhà sư kia không biết y nói thật hay nói đùa, hai tay vẫn cầm bát nước đứng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, mồm lẩm bẩm:
- Một lần siêu độ tám vạn bốn ngàn chúng sinh ư? Tiểu tăng làm sao có pháp lực to lớn dường ấy?
Người áo vàng đi đến bên cạnh nhà sư, cầm lấy bát nước trong tay y, nhìn chăm chăm miệng đếm:
- Một, hai, ba, bốn, năm, sáu... một nghìn, hai nghìn, một vạn, hai vạn... Sai bét rồi, không phải vậy! Tiểu sư phụ ơi ơi, trong cái bát này có cả thảy tám vạn ba nghìn chín trăm chín mươi chín con tiểu trùng, thiếu đâu mất một con.
Nhà sư nói:
- Nam Mô A Di Đà Phật, thí chủ chắc nói đùa, thí chủ là người phàm