Sự hiện hình ở nơi đã xảy ra án mạng thường do hình tư tưởng của kẻ sát nhân phóng ra. Sau án mạng, kẻ sát nhân dù còn sống hay chết, đặc biệt là chết, thường liên tục suy tưởng trở lại quang cảnh nơi xảy ra án mạng. Những tư tưởng ấy thường sống động trong trí kẻ phạm tội vào ngày tròn năm, nên thường khi đúng vào dịp ấy, hình tư tưởng do kẻ sát nhân tạo ra đủ mạnh có thể hiện hình để mắt thường nhận thấy được; có nhiều trường hợp sự hiện hình từng chu kỳ như thế đã được ghi nhận. Đối với người phạm tội sát nhân nhiều lần, họ quá chai đá để có thể bị kích động bởi một vụ án mạng, trong trường hợp này, có nhiều yếu tố khác xen vào.
Một điểm khác cần nói thêm về hiện tượng này là bất cứ sự xáo trộn kinh hoàng nào trong tâm trí, hoặc nỗi kinh sợ, đau đớn, buồn khổ, oán ghét, hoặc cơn đam mê quá mạnh, sẽ gây ấn tượng sâu đậm ảnh hưởng đến chất liệu cõi trung giới, mà một người dù có rất ít khả năng tâm linh cũng cảm nhận được. Chỉ cần một chút kích thích làm tăng cường tạm thời sự nhạy cảm là họ có thể thấy lại trọn cảnh tượng đã xảy ra với đầy đủ chi tiết, trong trường hợp này, họ cho rằng nơi đó đã bị ma ám, và họ đã thấy ma.
Những người không có khả năng tâm linh, thường cảm thấy khó chịu khi đến những nơi kể trên. Thí dụ, có nhiều người cảm thấy nặng nề khi đi ngang qua nơi xử tử tội nhân tại Luân Đôn thuở xưa, hoặc không thể ở lâu trong “căn phòng hãi hùng” của bà Tussaud, dù họ không hề hiểu rằng cảm giác khó chịu đó là do ấn tượng khủng khiếp trong chất liệu cõi trung giới bao quanh, và những đồ vật đã thấm nhuần sự kinh khiếp của tội ác, hơn nữa những thực thể trung giới đáng ghê tởm cũng thường tụ tập ở đấy.