nên trong các thành phố, nơi môi trường đang bị ô nhiễm, rất cần có nhiều cây xanh, cỏ và hoa.
Thế nào là ô nhiễm thực phẩm?
Các loại thực phẩm chúng ra ăn hàng ngày nói chung đều sạch, không có chất ô nhiễm. Nhưng hầu như không có thực phẩm nào tuỵệt đối tinh khiết mà ít nhiều đều có mang theo chất ô nhiễm. Có chất ô nhiễm tự sản sinh trong thực phẩm, có chất ô nhiễm do con người đưa đến. Ví dụ như trong những hạt lạc để lâu ngày bị mốc có chứa chất độc aflatoxin; trong dăm bông, cá hun khói, thịt lạp (thịt sấy, thịt khô),... đều có chứa muối nitrat hoặc muối nitric là những chất độc hại. Nếu hàm lượng những chất đó trong thực phẩm không nhiều hoặc chúng ta ăn ít thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu hàm lượng vượt quá tỉ lệ cho phép hoặc chúng ta ăn nhiều những thực phẩm đó sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, thậm chí đe hoạ tính mạng. Lúc đó chúng ta sẽ nói rằng, những thực phẩm đó đã bị ô nhiễm và không nên ăn.
Ðối với lạc hoặc các thực phẩm để lâu bị mốc, tuyệt đối không nên ăn vì mốc lạc chứa aflatoxin gây bệnh ung thư. Năm 1960, một số xí nghiệp nuôi gà của Anh do dùng nhân lạc mốc của
Brasil làm thức ăn nuôi gà, đã làm 10 vạn con gà bị chết trong một thời gian ngắn.
Một số loài thực phẩm bị ô nhiễm là do môi trường bị ô nhiễm, sử dụng thuốc trừ sau sai quy định hoặc do đóng gói, vận chuyển sai quy cách. Ví dụ chất thải công nghiệp làm ô nhiễm nguồn nước, nếu dùng nguồn nước bị ô nhiễm đó để nấu rượu, pha chế nước ngọt thì nhất định không thu được rượu ngon và nước ngọt ngon.
Sử dụng thuốc trừ sâu cũng khiến nhiều loại thực phẩm bị ô nhiễm. Một số nước thường xảy ra hiện tượng nhiễm độc thiếc do ăn đồ hộp. Ðó là do nước trong hộp hoa quả có chứa gốc axit nitric kết hợp với thiếc trong sắt tây không xử lý tốt khi đóng hộp khiến người ăn đồ hộp bị nôn mửa và ỉa chảy.
Ngoài ra còn một số chất ô nhiễm do con người đưa vào thực phẩm. Ví dụ khi làm món thịt, lạp xường,... người ra trộn diêm sinh (muối nitrat) vào thịt để thực phẩm có màu đẹp và ăn ngon miệng, đồng thời chống vi khuẩn xâm nhập để bảo quản được lâu ngày. Nhưng nếu trộn nhiều muối nitrat sẽ gây ngộ độc cho người ăn; hoặc những kẻ nhẫn tâm còn pha phân đạm hoặc thuốc DDT vào rượu trắng để làm tăng nồng độ rượu. Ngoài ra có một số thực phẩm bị ô nhiễm là do sự cố khách quan gây ra.
Những sự kiện trên nhắc nhở loài người chớ tắc trách trong việc sản xuất thực phẩm và cần hết sức thận trọng khi sản xuất các loại thực phẩm có sử dụng hoá chất độc hại.
Chất độc màu da cam huỷ diệt môi trường ở Việt Nam như thế nào?
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ 1965 - 1971, đế quốc Mỹ đã dùng nhiều loại chất diệt cỏ, làm trụi lá cây nhằm phá hoại ta về quân sự và kinh tế. Ba loại chất độc hoá học chủ yếu đã được quân đội Mỹ dùng ở Việt Nam là: Chất độc màu da cam, chất trắng dùng để phá huỷ rừng, chất xanh dùng để phá hoại mùa màng.
Chất độc màu da cam có chứa dioxin, là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân huỷ. Do đó chúng tồn tại rất lâu trong môi trường, tích luỹ sau nhiều lần sử dụng, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây rừng bị huỷ diệt.
Tổng cộng đế quốc Mỹ đã rải 72 triệu lít chất diệt cỏ (bao gồm 44 triệu lít chất độc màu da cam, 20 triệu lít chất trắng, 8 triệu lít chất xanh) lên 1,7 triệu ha đất trồng và rừng ở miền Nam Việt Nam, ít nhất có 12% diện tích rừng, 5% diện tích đất trồng trọt bị rải chất độc màu da cam một hay nhiều lần.
Các chất diệt cỏ, làm trụi lá lần đầu tiên trong lịch sử loài người, được dùng với quy mô lớn ở miền Nam Việt Nam đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái và con người. Hàng triệu ha rừng ở nội địa và rừng ngập mặn ở ven bờ bị rải chất độc màu da cam nhiều lần. Ngay sau khi bị rải chất diệt cỏ với nồng độ cao lần thứ nhất, đã có 10 - 20% số cây thuộc tầng cao nhất (chiếm 40 - 60% sinh khối của rừng) bị chết. Hậu quả là khí hậu ở tầng thấp bị thay đổi, vì độ ẩm giảm, cường độ chiếu sáng tăng, nên các cây non dù có sống sót cũng khó phát triển. Ðến mùa khô, lửa rừng do bom đạn lan đến diệt luôn cả cây con. Tiếp theo mùa mưa đất bị xói mòn, thoái hoá dần, chỉ có một số loài thực vật ưa sáng như chíp, chè vè, lau, tre, nứa, là những loài cây có bộ rễ phát triển mạnh, thân ngầm khoẻ, chịu được khô cằn có thể mọc được. Nhiều vùng rừng bị nhiễm chất độc quá nặng, cho đến nay, vẫn chưa có cây gì mọc lại.
Cây rừng bị trụi lá và nước bị ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến động vật. Ðộng vật chết vì thiếu thức ăn, vì không có nơi trú ẩn, vì uống nước bị nhiễm độc. Những con sống sót phải di chuyển tới những nơi khác, cho dù điều kiện sống ở những nơi mới đó không hoàn toàn thuận lợi cho chúng. Có thể nói rằng hệ sinh thái rừng mưa phong phú đã hoàn hoàn biến mất, thay vào đó là hệ sinh thái nghèo kiệt xơ xác. Những nơi rừng mọc lại, bụi lau, tre, nứa là nơi ẩn nấp tốt cho họ hàng nhà chuột. Thiên địch của chuột là cầy, cáo còn lại rất ít, hơn nữa sức sinh sản của chúng không thể so sánh được với sức sinh sản của chuột. Kết quả những nơi đó chuột chiếm ưu thế. Tóm lại, chất diệt cỏ làm mất cân bằng sinh thái môi trường.
Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, đặc biệt là rừng Sát (ở phía Ðông Bắc thành phố Hồ Chí Minh) và rừng ở huyện Năm Căn (Minh Hải) bị phá huỷ nặng nề. Nguồn cung cấp gỗ cho người không còn, động vật không có nơi sinh sống, vai trò to lớn của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn
biển bị giảm sút.
Chất diệt cỏ còn tác động rất xấu đến con người. Nhân dân sống trong vùng bị rải chất diệt cỏ thiếu ăn vì mùa màng, cây cối bị phá huỷ. Nhiều dân thường, bộ đội sống trong vùng bị rải chất độc hoá học đã bị mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư. Nhiều phụ nữ bị sảy thai, đẻ non. Nguy hiểm hơn cả là chất độc màu da cam đã để lại di chứng cho đời sau, con cái của những người bị nhiễm chất độc hoá học, mặc dù sinh ra sau chiến tranh, thậm chí ở rất xa nơi có chiến sự, cũng mắc các bệnh hiểm nghèo như câm, mù, điếc, tâm thần... hoặc có hình hài dị dạng. Sự tồn tại của hàng loạt các trẻ em dị tật trong các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình cựu chiến binh có bố hoặc mẹ từng công tác, chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc màu da cam, đang trở thành nỗi đau và gánh nặng to lớn không chỉ riêng cho các em và gia đình, mà còn cho cả xã hội. Ngay nay, Nhà nước, nhân dân Việt Nam cùng nhiều tổ chức tiến bộ trên thế giới đã có những đồng cảm, quan tâm giúp đỡ nhất định đối với các em bé bị dị tật bất hạnh này. Tuy nhiên, có thể nói là đã quá muộn.
Nói tóm lại, hậu quả của việc sử dụng chất độc màu da cam trong chiến tranh hoá học của Mỹ ở Việt Nam là to lón, lâu dài, phức tạp, chưa được nghiên cứu đầy đủ và chưa có cách nào khắc phục được hoàn toàn nhanh chóng.
Rác có phải là thứ bỏ đi, vô giá trị không?
Rác là sản phẩm tất yếu của cuộc sống. Càng ngày con người càng tạo ra nhiều rác hơn, với những thành phần phức tạp hơn.
Rác thải sinh hoạt ở thể rắn thường gồm giấy, thuỷ tinh, kim loại, nhựa, vải, thức ăn cành cây, xác động vật,... Trong đó, các chất hữu cơ tự nhiên như lá, cành cây, thức ăn thừa, xác chết động vật,... là những thứ rất chóng phân huỷ, gây ô nhiễm môi trường. Khi bị phân huỷ, chúng bốc mùi khó chịu, phát sinh nhiều vi trùng gây bệnh thu hút công trùng, ruồi, nhặng, chuột, bọ, tạo điều kiện cho chúng phát triển gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và truyền bệnh sang người và gia súc. Tuy nhiên, nếu sử dụng hợp lý, lượng chất hữu cơ này có thể trở thành nguyên liệu rất tốt để sản xuất phân hữu cơ, khí sinh học.
Rác thải là giấy, bìa, nhựa, thuỷ tinh, kim loại vụn là những thứ có thể tái chế hoặc tái sử dụng được. Tái chế tức là dùng nó làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm mới. Tái sử dụng tức là thu hồi, rửa sạch và sử dụng lại. Việc tái chế, tái sử dụng đem lại nhiều lợi ích:
• Làm giảm lượng rác thải ra môi trường. • Tại thêm hàng hoá sử dụng.
• Tạo công ăn việc làm cho những người làm công tác thu nhặt, phân loại rác.
• Thay thế một phần nguyên liệu đầu vào, do đó tiết kiệm được tài nguyên, khoáng sản và công khai thác chúng.
• Góp phần thay đổi thói quen của con người trong tiêu thụ và thải loại.
Các chất thải cháy được như chất hữu cơ, giấy, vải, nhựa,... có thể dùng làm chất đốt, lấy nhiệt cung cấp cho sưởi ấm, sấy hàng hoá. Tuy nhiên, phương pháp này có thể sinh ra nhiều loại khí độc có hại cho sức khoẻ. Những phần không thể tái chế, tái sử dụng, làm phân bón được của rác thải có thể dùng làm vật liệu san lấp trong xây dựng.
Như vậy, rác thải không hoàn toàn là thứ bỏ đi, vô giá trị mà vấn đề là con người đối xử với chúng như thế nào.
Các nước phát triển thu gom rác như thế nào?
Rác là một vấn đề môi trường, nhất là ở các thành phố lớn, cùng với mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, rác thải cũng ngày càng nhiều. Xử lý rác thải đã trở thành vấn đề nóng bỏng của CÁC THÀNH PHỐ TRÊN THẾ GIỚI. Ở Nhật Bản, rác được phân thành hai loại: rác cháy được và không cháy được để riêng trong những túi có màu khác nhau. Hàng ngày, khoảng 9 giờ sáng họ đem các túi đựng rác đó ra đặt cạnh cổng. Công ty vệ sinh thành phố sẽ cho ô tô đến từng nhà đem các túi rác đó đi. Nếu gia đình nào không phân loại rác, để lẫn lộn vào một túi thì ngay hôm sau sẽ bị công ty vệ sinh gửi giấy báo đến phạt tiền. Với các loại rác cồng
kềnh như tivi, tủ lạnh, máy giặt,... thì quy định vào ngày 15 hàng tháng đem đặt trước cổng đợi ô tô đến chở đi, không được tuỳ tiện bỏ những thứ đó ở hè phố.