NHỮNG YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Một phần của tài liệu Gíao trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật (Trang 137 - 138)

1. Tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp và luật

Hiến pháp và luật (đạo luật) là những văn bản pháp lý do cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước ban hành, thể hiện một cách tập trung ý chí và lợi ích cơ bản của nhân dân lao động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và nhà nước. Đó là những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Vì vậy, khi xây dựng pháp luật phải dựa trên những cơ sở những quy định của Hiến pháp và luật. Mọi quy định của các văn bản dưới luật đều phải phù hợp với Hiến pháp và luật.

Để thực hiện tốt yêu cầu này cần chú ý cả hai mặt: thứ nhất, phải chú trọng tới việc phải hoàn thiện Hiến pháp và xây dựng các văn bản luật để làm cơ sở cho sự phát triển và hoàn thiện của cả hệ thống pháp luật; thứ hai, phải nhanh chóng cụ thể hoá những quy định của Hiến pháp và luật, triệt để tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp và luật.

2. Bảo đảm tính thống nhất của pháp chế trên quy mô toàn quốc

Xuất phát từ bản chất và những đặc điểm đặc thù của Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa và nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có tính thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn quốc. Không chấp nhận những đặc quyền và biệt lệ vô nguyên tắc nào, không thể đem lợi cíh của địa phương, của ngành đối lập với lợi ích chung của nhà nước.

Tính thống nhất của pháp chế không loại bỏ việc cân nhắc những điều kiện của địa phương. Các cơ quan nhà nước ở địa phương bên cạnh việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật còn cần phải xem xét những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương để tìm ra những hình thức và phương pháp phù hợp nhằm thực hiện, áp dụng pháp luật một cách năng động, sáng tạo, có hiệu quả.

3. Các cơ quan xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật phảihoạt động một cách tích cực, chủ động và có hiệu quả hoạt động một cách tích cực, chủ động và có hiệu quả

Pháp luật là cơ sở để củng cố và tăng cường pháp chế, vì vậy, đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ. Muốn làm được điều đó đòi hỏi các cơ quan xây dựng pháp luật phải chú ý đến những biện pháp bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật hoạt động có hiệu quả.

Mặt khác, để đưa pháp luật vào đời sống, cần phải chú ý tới công tác tổ chức và thực hiện pháp luật. Kết quả của việc tổ chức và thực hiện pháp luật là một trong những tiêu chuẩn để xác định tính chất của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là muốn củng cố và tăng cường pháp chế thì phải bảo đảm cho cho các cơ quan tổ chức và thực hiện pháp luật hoạt động có hiệu quả.

Một trong những yêu cầu của pháp chế xã hội chủ nghĩa là phải có những biện pháp nhanh chóng và hữu hiệu để xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm. Cần phải chú trọng các biện pháp để bảo đảm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể hoạt động một cách tích cực, chủ động và có hiệu quả. Đồng thời nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, pháp chế còn là nhiệm vụ của toàn xã hội, vì vậy yêu cầu này cũng đòi hỏi các tổ chức và mọi công dân phải có trách nhiệm tham gia đấu tranh phòng - chống vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

4. Không tách rời công tác pháp chế với văn hoá và văn hoá pháp lý

Trình độ văn hoá nói chung và trình độ văn hoá pháp lý nói riêng của các chủ thể pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình củng cố nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trình độ văn hoá của công chúng càng cao thì pháp chế càng được củng cố mạnh mẽ. Vì vậy, một yêu cầu đặt ra là phải chú trọng gắn công tác pháp chế với việc nâng cao trình độ văn hoá nói chung và văn hoá pháp lý nói riêng của cán bộ, công chức nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân.

Một phần của tài liệu Gíao trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật (Trang 137 - 138)