DOANH NGHIỆP CẦN GÌ Ở NHÂN VIÊN MỚI ĐI LÀM

Một phần của tài liệu Cẩm nang tìm việc làm (Trang 55 - 56)

Tốt nghiệp loại khá giỏi, ngay khi tốt nghiệp đại học, V đã được một công ty nước ngoài mời làm việc. Trong mắt bạn bè, V thật may mắn. Nhưng chỉ sau vài tháng làm việc, V lại thay đổi chỗ làm dù công việc rất phù hợp với chuyên môn của bạn. Ngược lại, T tốt nghiệp lọai trung bình khá. Bạn bè ai cũng biết T rất năng nổ trong các họat động trường lớp, lại biết đi làm thêm ngay khi còn đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học, T cũng được nhận vào làm việc tại một công ty. Và bạn đã liên tục đạt được kết quả cao công việc sau một thời gian làm việc. Điều này cho thấy giữa kiến thức học và thực tế công việc là một khỏang cách. Vậy làm cách nào có thể rút ngắn khỏang cách này?

Tốt nghiệp đại học, có thêm các văn bằng khác, hầu hết các bạn trẻ đều nghĩ rằng mình có thể dễ dàng kiếm được vị trí tốt. Trên thực tế nhiều bạn học giỏi, bằng cấp cao nhưng vẫn loay hoay tìm việc hết công ty này đến công ty nọ, làm việc ở nhiều nơi nhưng chằng gắn bó với nơi nào lâu dài. Nguyên nhân một phần là do các bạn vẫn chưa định hướng rõ ràng công việc một phần cũng là do các bạn chưa nắm bắt được yêu cầu của một doanh nghiệp đối với một nhân viên mới đi làm.

Yêu cầu của mỗi doanh nghiệp đối với nhân viên mới đi làm là khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố về văn hóa, lịch sử phát triển, cơ cấu tổ chức… nhưng tất cả đều dựa trên những tiêu chí nhất định. Đó là làm việc hiệu quả, hiểu biết và hoà nhập với văn hóa công ty.

Để làm việc hiệu quả đòi hỏi bạn phải nắm vững kiến thức chuyên môn, có các kỹ năng mềm và tuân thủ các qui định, qui trình làm việc của công ty. Nếu chuyên ngành cho bạn nền tảng kiến thức thì việc áp dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn công việc lại phụ thuộc rất nhiều vào những kỹ năng hỗ trợ như kỹ năng vi tính, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng phân tích…Nếu bạn muốn là một nhân viên kinh doanh giỏi bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp. Tương tự, nếu bạn muốn là thư ký hay trợ lý, bạn phải giỏi vi tính và ngoại ngữ. Làm việc đúng qui trình của công ty là cần thiết để tránh làm chậm tiến độ công việc chung. Do đó, hiểu biết về yêu cầu công việc của mình là rất quan trọng. Ngòai ra, bạn cũng nên quan sát cách làm việc của đồng nghiệp và đặt ra những câu hỏi khi gặp khó khăn vướng mắc. Hòa nhập văn hóa công ty cũng đòi hỏi bạn biết cách ứng xử giao tiếp phù hợp với môi trường làm việc. Có nhiều cách để hiểu biết về văn hóa công ty. Thực tế, văn hóa của mỗi công ty là do những người lãnh đạo công ty xây dựng và quyết định. Vì vậy, bạn có thể quan sát đồng nghiệp của mình, tham khảo trên website của công ty hoặc hỏi trực tiếp những đồng nghiệp đã có thâm niên công tác…Ngòai ra, văn hóa công ty còn thể hiện qua những qui định về trang phục, tác phong, giờ giấc làm việc. Nếu hiểu biết về văn hóa công ty, bạn sẽ biết cách điều chỉnh bản thân cả về tính cách, cách làm việc và tác phong.

Biết rõ được những yêu cầu của một doanh nghiệp đối với một nhân viên mới đi làm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bạn để hội nhập với môi trường doanh nghiệp đó. Do vậy, tìm hiểu về doanh nghiệp luôn là bước quan trọng đầu tiên mà bạn nên làm. Ngòai ra, bạn có thể tham gia chương trình tư vấn “ hội nhập môi trường doanh nghiệp” với chủ đề “Doanh nghiệp cần gì ở một nhân viên mới đi làm” do Jobviet.com phối hợp với Đòan trường Kinh Tế tổ chức dưới sự tài trợ của công ty Tân Hiệp Phát diễn ra tại trường đại học Kinh Tế vào ngày 22/4/2006 lúc 8 giờ 30 phút. Các bạn cũng có thể truy cập diễn đàn của trang web Jobviet.com để đặt câu hỏi trực tuyến với các doanh nhân.

(Theo Jobviet.com)

Một phần của tài liệu Cẩm nang tìm việc làm (Trang 55 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(62 trang)