phim. Lũ trẻ ở nhà.
Đến chiều thứ bảy, mẹ ở nhà với hai bé út còn ba dẫn chúng tôi đi xem phim. Chúng tôi thường ăn cơm sớm để kịp xem xuất đầu tiên vào bảy giờ tối. Trước khi đi bao giờ ba cũng hẹn:
- Chỉ xem một xuất thôi đấy. Không được xem xuất thứ hai mười một giờ đâu đấy nhé. Các con đừng nài nỉ, vô ích thôi!
Ngay khi phim bắt đầu chiếu, ba cũng bị cuốn hút y hệt chúng tôi, có phần còn ồn ào hơn chúng tôi nữa. Ba gần như quên hẳn bầy con, không hề để ý đến tụi tôi lay gọi ba hay xin ba tiền xu bỏ vào máy bán kẹo tự động ở lưng ghế trước. Xem phim hài, ba cười lớn tiếng đến nỗi chúng tôi cũng ngượng và cố cho ba thấy ba đang là tâm điểm mọi người nhìn. Gặp phim buồn thì ba không ngừng hỉ mũi, nghe lớn như tiếng thổi kèn và lau nước mắt…
... Phim khiến ba có ấn tượng nhất là phim dài 12 tập có tên Đường Đến Viện Dưỡng
Lão Trên Đồi. Truyện phim kể về một bà lão nghèo khổ, nai lưng làm việc để nuôi con cái
và đến khi con cái lớn lại bỏ rơi bà, khiến bà phải vào viện dưỡng lão sống cho đến khi chết.
Trong suốt một giờ rưỡi xem phim, ba không ngừng hỉ mũi và sụt sùi khi xem cảnh bà cụ vất vả kiếm sống để giữ cho các con được sống đoàn tụ với mình: nào là khòm lưng lau nhà; nào là giặt hàng thùng quần áo; nào là đêm khuya quét rác; trong khi các con bà không ngừng vòi vĩnh đòi ăn ngon mặc đẹp... Thế mà khi lớn lên họ lại xấu hổ về mẹ mình và không chịu cho bà ở chung, đến khi bà không thể tự nuôi sống thì các con đã tống bà ra ngoài đường (đương nhiên là lúc bà bị các con đuổi ra đường thì đạo diễn cho trời nổi cơn giông bão).
Đến cảnh cuối (cảnh này ba khóc nhiều đến nỗi ướt đẫm khăn tay), bà cụ khốn khổ đáng thương run rẩy trong bộ đồ rách leo lên đồi để xin vào nhà dưỡng lão.
Xem xong phim, cả nhà ra tiệm ăn kem như thường lệ mà mắt ba vẫn còn đỏ hoe, mũi ba còn nghẹt, khiến chúng tôi rất xúc động.
Ba bắt tụi tôi phải hứa:
- Các con phải hứa với ba là nếu có chuyện gì xảy ra cho ba thì các con phải chăm sóc mẹ các con thật chu đáo đó.
Tụi tôi hứa. Khi ấy ba mới yên lòng, thư thái một chút. Truyện phim làm ba bị ám ảnh trong cả tháng trời.
- Ba thấy trước viễn cảnh ba trở thành một ông già, không một xu dính túi, chẳng được ai thương, phải khó nhọc leo lên đồi xin vào nhà dưỡng lão. Không biết ở đấy người ta cho mình ăn gì nhỉ, sáng sáng có cho mình ngủ dậy trễ không nhỉ?
*
Ba còn thích xem chúng tôi diễn kịch hơn cả xem phim. Vì vậy gia đình Gilbreth thường tổ chức diễn kịch và diễn thuyết cho nhau xem. Một lần sau khi tụi tôi diễn xong đến lượt ba đóng giả một lúc hai vai, ông Jones và ông Bones. Chúng tôi thuộc nằm lòng lời thoại, nhưng lần nào ba diễn chúng tôi cũng vẫn thích thú và cười bò ra với những câu pha trò do ba đặt ra cho hai nhân vật đó. Ba trề môi, tay thõng xuống gối, đi tới đi lui, chơi chữ, lúc lắc đầu, cười rõ to, y như các chú hề trong đoàn xiếc.
Diễn xong, ba nhìn đồng hồ phán:
- Đáng lý các con phải đi ngủ từ lâu rồi đó. Chẳng ai chịu tuân theo luật lệ do ba đề ra cả. Các anh chị lớn lý ra phải lên giường cách nay cả giờ đồng hồ rồi, còn mấy em bé phải lên giường ngủ cách nay cả ba giờ rồi.
Ba quay sang nắm tay mẹ:
- Nói nhiều quá cổ họng anh khô rát rồi đây này. Anh thèm ăn một ly kem cho mát giọng. Ba lấy tay xoa bụng:
- Các con lên giường mau lên. Đi thôi, bà chủ. Anh đánh xe ra rồi hai đứa mình ra quán ăn kem. Anh không tài nào ngủ được với cái họng khô rang thế này…
Chúng tôi hét lên:
- Ba, cho tụi con theo với! Cho tụi con theo với! Họng tụi con cũng khô như họng ếch ộp vậy. Tụi con cũng không tài nào ngủ được…
Ba la lên:
- Coi tụi này kìa. Để được ăn kem các con sẵn sàng làm mọi chuyện, còn bảo ngủ thì cứ như các cọng bún thiu. Bà chủ, tính sao đây?
Mẹ mỉm cười gật đầu đồng ý. Ba thở dài:
- Mười ba y kem sô-đa với giá 15 xu một ly. Tôi thấy trước tương lai của mình ghi trên tường: Đường đến viện dưỡng lão trên đồi…
VÒNG ĐỜI