Thành công, hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong xuất

Một phần của tài liệu “Xuất khẩu gạo Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” (Trang 29 - 37)

2.4.1.Thành công

Trong những năm qua, sản lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng mạnh. Trước năm 1989, Việt Nam đã từng là một nước thiếu lương thực triền miên, mỗi năm phải nhập bình quân trên 1 triệu tấn lương thực. Đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất gạo lớn thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan. Trong khu vực, ngoài Thái Lan, còn có 3 nước khác có khả năng cạnh tranh với Việt Nam là ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.

Cũng như các nước khác, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không ổn định, nhưng có xu hướng tăng lên.

Trong những năm gần đây, hầu hết các nước trong khu vực đều có xu hướng giảm diện tích trồng lúa. Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng lên, chủ yếu là do năng suất lúa tương đối cao so với Thái Lan, ấn Độ và Myanmar.

Năm 1999 là năm Việt Nam có lượng gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục 4,5 triệu tấn, thu về 1.008,9 triệu USD, chủ yếu do lượng gạo xuất khẩu của ấn Độ giảm đáng kể, giảm gần 59% so với năm 1998.

Năm 2000, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại giảm khoảng 1,18 triệu tấn, còn 3,37 triệu tấn do nhu cầu gạo nhập khẩu trên thế giới giảm mạnh so với cung, giá gạo đã giảm mạnh. Xu hướng này tiếp tục giảm trong các năm 2001, 2002.

Năm 2001, mặc dù xuất khẩu với số lượng lớn hơn năm 2000 (hơn 158 ngàn tấn), nhưng giá trị kim ngạch lại thấp hơn năm 2000 là 71,1 triệu

USD do giá gạo Việt Nam giảm 27 USD/tấn (từ 192 xuống còn 165 USD/tấn) so với năm 2000.

Từ giữa những năm 2003 cho đến nay, thị trựờng gạo trên thế giới biến động mạnh do cung gạo thế giới thiếu hụt và lượng gạo dự trữ giảm đột ngột đã đẩy giá lên cao. Năm 2004, xuất khẩu của cả nước đạt 4,0 triệu tấn, tăng 4,7% so với năm 2003. Song, do giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2004 đã tăng tới 22% (43,16USD/tấn) so với năm 2003, đạt 232,06 USD/tấn, nên kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2004 đã tăng 28,2% so với năm 2003, đạt 941 triệu USD. Năm 2005, gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đã tăng gần 30% về lượng và 48% về giá trị so với năm 2004, giá xuất khẩu tăng 14,4% so với năm 2004. Năm 2006, gạo xuất khẩu 4,8 triệu tấn, đạt 1,3 tỷ USD, so với 2005 giảm 9% về lượng nhưng giá lại tăng 2,6% nên kim ngạch chỉ giảm 6,7%.

Xét giai đoạn 1996-2006, cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đều tăng lên. Nhưng do giá xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới tăng trong những năm gần đây, nên tốc độ tăng bình quân của kim ngạch gạo xuất khẩu (6,5%) có mức tăng nhanh hơn mức tăng của sản lượng (4,5%). So với các đối thủ cạnh tranh mạnh thì tốc độ tăng sản lượng gạo xuất khẩu của họ thấp hơn tốc độ tăng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng kim ngạch lại cao hơn. Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam lớn thứ 2 trên thế giới nhưng chỉ xếp thứ 3, thứ 4 xét về giá trị xuất khẩu. Chẳng hạn năm 2005, trong khi sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan chỉ gấp 1,39 lần của Việt Nam (7.240 nghìn tấn so với 5.200 nghìn tấn) thì kim ngạch xuất khẩu lại gấp những 1,61 lần (2.246 triệu USD so với 1.390 triệu USD).

Như vậy, có thể khẳng định rằng, sự tăng hay giảm sản lượng và kim ngạch gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là do sự biến động về sản lượng sản xuất và xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Trung Quốc và sự biến động của giá cả trên thị trường trên thế giới.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng lên từ 20 nước năm 1991 mở rộng ra 80 nước năm 2005 và hiện đã có mặt ở tất cả 5 châu lục. Thị trường châu á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam, chiếm tới 52% về khối lượng xuất khẩu và 51% về giá trị xuất khẩu, tiếp đến là thị trường châu Âu (20,4% và 19,6%) và thị trường Trung Đông (12,7% và 16,0%) (Bảng 2.5). Gạo xuất khẩu của Việt Nam bước đầu đã xâm nhập được vào các thị trường khó tính, có những quy định khắt khe như Anh, Thụy Sĩ, Pháp, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan v.v..Tuy nhiên, dù số lượng thị trường xuất khẩu nhiều nhưng các thị trường nhập khẩu quy mô lớn và ổn định thì lại ít, chỉ tập trung vào 9 đến 10 nước ở châu á như Indônêxia (chiếm tỷ trọng 14,8%), Philippin (12,6%), Singapore (9,9%), Irắc (9,8%) và Malaysia (5,1%).

2.4.2.Hạn chế

Giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo thế giới. Trong những năm gần đây khoảng cách về giá gạo xuất khẩu giữa Việt Nam và thế giới tuy được thu hẹp dần, do chất lượng gạo tăng lên, nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo xuất khẩu của thế giới. Vấn đề là không phải là Việt Nam chủ động hạ giá để cạnh tranh, mà phải chấp nhận mức giá thấp hơn so với mặt bằng giá thế giới do chất lượng gạo chưa cao. Có những thời điểm, giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp, cùng thị trường nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan từ 35- 80 USD/tấn. Đây chính là sự mất mát vô ích đối với Việt Nam, có ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu.

Theo biểu giá của Thống kê hàng hóa của Úc năm 2005 cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất trong 6 nước xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam xuất khẩu với giá 218 USD/tấn, thấp hơn 60,33 USD/tấn so với gạo của Thái Lan. úc là nước xuất khẩu gạo có giá cao nhất, với giá 509,9 USD/tấn.

Xét dưới góc độ về chỉ số năng lực cạnh tranh về giá đối với mặt hàng gạo của Việt Nam giai đoạn 1995-2000 đã tăng 2,25 lần, nhưng bên cạnh đó do tỷ giá danh nghĩa làm giảm sức cạnh tranh -1,65, và yếu tố chính sách, môi trường thương mại giảm -2,05, nên chỉ số năng lực cạnh tranh về giá của Việt Nam vẫn có xu hướng giảm -1,45%.

Gạo xuất khẩu Việt Nam còn kém cả về chất lượng và chủng loại. Cùng với sự tăng trưởng về sản lượng gạo xuất khẩu, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có một số chuyển biến tích cực. Tỷ lệ xuất khẩu gạo đã qua chế biến sâu tăng lên, bước đầu tạo được năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, so với gạo của Thái Lan, gạo của Việt Nam hiện vẫn còn kém cả về chất lượng và sự đa dạng về chủng loại. Thực tế, những năm đầu tham gia thị trường gạo thế giới (1989-1994), chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp xa so với gạo xuất khẩu của Thái Lan về cả độ dài, mùi thơm, bạc bụng, tỷ lệ tấm v.v. nên giá cả thấp, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước châu Phi, Trung Đông thông qua các nước trung gian. Trong thời kỳ từ 1996 đến nay, để phù hợp với yêu cầu của thị trường, chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện một bước đáng kể, loại gạo chất lượng trung bình chiếm tỷ lệ từ 22,4% năm 1996, đã tăng lên 85% năm 2005. Trong cùng thời gian, loại gạo chất lượng thấp đã giảm từ 23% xuống còn 8%. Đây cũng là dấu hiệu tích cực thể hiện phần nào sự phát triển của công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến như gặt hái, vận chuyển tuốt lúa, xay xát gạo.

Nhưng so với Thái Lan và Nhật Bản, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa của chúng ta thuộc loại cao, chiếm 9-17%% (của Thái Lan khoảng 7-10%, của Nhật Bản là 3,9-5,6%), trong đó 3 khâu tổn thất lớn nhất là phơi sấy, bảo quản và xay sát chiếm tới 68-70% tổng số hao hụt. Do không đủ thiết bị phơi sấy, tình trạng lúa bị nảy mầm, bốc nóng, mốc khá phổ biến. Có tới trên 80% lượng thóc được xay xát bởi những máy nhỏ của tư nhân không được trang bị đồng bộ về sân phơi, lò sấy và kho chứa. Hoạt động của các

nhà máy loại này chủ yếu dưới dạng gia công chế biến cho các doanh nghiệp Nhà nước, phục vụ cho nhu cầu trong nước. Nhưng khi cần cho xuất khẩu, các doanh nghiệp này sẵn sàng gia công chế biến cho các doanh nghiệp của Nhà nước nên chất lượng thường không đảm bảo.

Chúng ta vẫn chưa thiết lập được hệ thống thị trường thực sự ổn định với mạng lưới khách hàng thực sự tin cậy. Mức độ xâm nhập vào thị trường “chính ngạch” của gạo xuất khẩu Việt Nam rất thấp. Cho đến nay, phương thức xuất khẩu qua khâu trung gian vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn. Khoảng 65% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam phải qua thị trường trung gian, trong đó các công ty môi giới Pháp chiếm 30-40%, các công ty môi giới Hồng Kông chiếm từ 10-15%, các công ty môi giới Malaysia chiếm tới 10% và các công ty môi giới Thái Lan chiếm 9%. Việc xuất khẩu thông qua môi giới này làm chúng ta không những phải chịu một khoản hoa hồng không nhỏ mà còn dẫn tới không chủ động và dễ bị ép cấp, ép giá từ phía bạn hàng nước ngoài. Vì vậy, phần lớn gạo của Việt Nam khi được xuất khẩu ra thị trường thế giới đều đã qua khâu chế biến, song hiện giờ vẫn chưa có một thương hiệu gạo Việt Nam nào đủ mạnh để xứng với tầm xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới.

2.4.3.Nguyên nhân hạn chế

Nguyên nhân của những hạn chế trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo hiện nay có nhiều, trong đó chủ yếu là: Dân số tăng nhanh và quy mô dân số lớn làm tăng sức ép cầu lương thực, chủ yếu là lúa. Ngoài ra còn làm tăng cầu về đất thổ cư do san tách hộ nông nghiệp làm giảm đất lúa. Quỹ đất canh tác lúa có xu hướng giảm dần do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh. Hai vùng trọng điểm lúa là vùng ĐBSCL và ĐBSH đất lúa giảm dần với tốc độ nhanh. Sản xuất lúa còn phân tán theo quy mô nhỏ, tự cung tự cấp là phổ biến ở các vùng nông thôn, nhất là miền Bắc và

miền Trung. Thị trường giá phân bón, xăng dầu và thuốc bảo vệ thực vật không ổn định, xu hướng tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá lúa làm tăng chi phí trung gian, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Công nghệ sau thu hoạch lúa, từ vận chuyển, ra hạt, phơi sấy, bảo quản, sơ chế, chế biến gạo xuất khẩu... còn nhiều hạn chế. Đã hơn 17 năm xuất khẩu gạo, hiện nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về sản xuất gạo xuất khẩu. Một số vùng và địa phương đã quy hoạch nhưng vẫn nặng tính tự phát. Mạng lưới thu mua, vận chuyển, công nghệ chế biến lúa hàng hóa vẫn phụ thuộc quá lớn vào tư thương, chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp lương thực nhà nước. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ chế biến, bảo quản lúa gạo nói chung, gạo xuất khẩu nói riêng, còn yếu kém lại phân bố không đều. Thiên tai, nhất là bão, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh và các biến cố bất thường khác xảy ra hằng năm là thách thức lớn đối với an ninh lương thực. Những năm gần đây, thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp: 3 năm liền lũ lớn, kéo dài ở ĐBSCL, ĐBSH gây thiệt hại nặng nề về sản xuất lúa trong vùng cũng như cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, làm ngập và mất trắng hàng trăm nghìn héc-ta lúa. Cuối năm 2006, ĐBSCL thiệt hại nặng do vàng lùn và rầy nâu lây lan trên diện rộng.

Những tồn tại, yếu kém trong xuất khẩu gạo của Việt Nam là ngay trong khâu sản xuất lúa gạo xuất khẩu đã có nhiều thách thức, nhất là nhu cầu sử dụng giống trong sản xuất. Ở nước ta vẫn tồn tại tập quán mua tại nhà, bán tại đồng, thói quen kinh doanh chưa có vùng nguyên liệu và chưa có thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực. Việc thông tin, dự báo thị trường chưa được chú trọng, đặc biệt là với thị trường lúa thơm, lúa đặc sản và nếp. Gạo thơm, gạo đặc sản, nếp an toàn là loại hàng hoá chiến lược, có giá trị xuất khẩu cao, nhưng Nhà nước chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất như kho chứa, bến bãi, chính sách thu mua… Đa số doanh nghiệp không đủ năng lực mua tập trung, phải gom từng lô hàng nhỏ

lẻ để xuất khẩu, từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng gạo không đều. Quy mô hệ thống kho bãi nhỏ không dự trữ được khi thu hoạch cũng làm cho chất lượng gạo suy giảm.Tình trạng gạo kém phẩm chất là do nông dân sản xuất và bảo quản sau thu hoạch kém. Sản lượng lúa ở ĐBSCL chủ yếu thu hoạch vào mùa mưa lũ, và các tỉnh bị ngập úng nhiều, như Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp… Nông dân làm ruộng chưa chú ý đến nâng cao, cải tiến lúa có phẩm chất cao

Bên cạnh đó, khả năng tăng sản lượng do mở rộng diện tích của Việt Nam rất hạn chế, trong khi của Thái Lan, Myanmar, Campuchia còn rất nhiều cơ hội tăng sản lượng lúa gạo do còn tiềm năng nâng cao năng suất, điều kiện mở rộng diện tích lúa. Hạ tầng phục vụ sản xuất, lưu thông xuất khẩu gạo (chợ, kho chứa, bến bãi, cảng chuyên dùng cho xuất khẩu gạo...) của ta còn nhiều yếu kém như các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bến cảng của ta còn cao hơn so với các nước khác.

Một khâu nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này còn yếu là chưa xây dựng được cho mình một thương hiệu. Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn nhưng chưa có thương hiệu hoặc nhãn hiệu gạo nổi tiếng hoặc đặc trưng cho gạo Việt Nam, trong khi các thương hiệu gạo "hương nhàiJasmine", gạo Basmati đã được gắn liền với các quốc gia sản xuất là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan

trên thị trường thế giới.

Mặc dù trong những năm qua Nhà nước đã ưu tiên tăng dần đầu tư tro nông nghiệp trong đó có cả đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, so với các nước châu Á và khu vực, gồm cả các đối thủ cạnh tranh, thì đầu tư của nước ta rất thấp. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp của ta mới bằng 0,15% GDP nông nghiệp và bằng 0,19% tổng chi tiêu của ngân sách Nhà nước, trong khi của Thái Lan con số này là 1,4% và 1,1%; của Indonesia là 0,27% và 0,29%; của Trung Quốc là 0,43% và 0,54%...

Chương 3: Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo của Việt Nam

3.1.Dự báo XNK gạo của thế giới trong thời gian tới 3.1.1.Nhập khẩu

Theo dự báo của Ban Nghiên cứu kinh tế, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thương mại lúa gạo toàn cầu sẽ tăng 2,4%/năm từ năm 2007 – 2016. Đến năm 2016 thương mại lúa gạo toàn cầu có thể đạt mức 35 triệu tấn, cao hơn so với mức kỷ lục năm 2002.

Trong nhữn năm tới các giống gạo hạt dài chiếm khoảng 3/4 thương mại lúa gạo toàn cầu. Lượng gạo hạt dài nhập khẩu tăng mạnh ở các nước khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và phần lớn các nước vùng Sahara – Châu Phi, Châu Mỹ Latinh.

Gạo hạt trung bình và ngắn chiếm khoảng 10-12% thương mại toàn cầu, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ… là các nước nhập khẩu chủ yếu. Lượng gạo hạt ngắn và trung bình trong buôn bán quốc tế sẽ tăng chậm hơn so với gạo hạt dài. Trong số những nước nhập khẩu ở Đông Bắc Á thì chỉ có Hàn Quốc được dự đoán là tiếp tục nhập khẩu ngày càng nhiều loại gạo này trong vài thập kỷ tiếp theo.

Ngoài gạo hạt dài, trung bình, ngắn thì còn có gạo thơm như Basmati ( chủ yếu từ Ấn Độ) và Jasmine được nhiều nước nhập khẩu. Đây là các loại gạo có giá trị cao trên thị trường và thường được nhâp khẩu bởi các nước

Một phần của tài liệu “Xuất khẩu gạo Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” (Trang 29 - 37)