III. CÔNG CỤ QUẢN LÝ
2. Một số kinh nghiệm Thế giới
* Thị trường chứng khoán Nhật Bản
- Năm 1948, Nhật Bản đã ban hành Bộ Luật về chứng khoán. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã ban hành những luật khác, như luật Công ty chứng khoán nước ngoài; Luật đầu tư chứng khoán tín thác; Luật kế toán công cộng; Luật liên quan đến nghiệp vụ lưu ký và ghi sổ chứng chỉ cổ phiếu; Luật quản lý hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán. Trước đây việc quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán do Bộ tài chính đảm nhiệm. Từ thực tiễn cho thấy, TTCK Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có một cơ quan quản lý độc lập, nhất là việc quản lý các Công ty phát hành chứng khoán. Vì vậy, năm 1992 đã thành lập Uỷ ban Giám sát chứng khoán (SESC) độc lập.
Hiện nay, Nhật Bản có 8 Sở Giao dịch Chứng khoán(SGDCK), trong đó có 3 SGDCK giao dịch tất cả các loại chứng khoán, chiếm 98,1% tổng giá trị giao dịch trên toàn toàn. Các SGDCK Nhật là các tổ chức tự quản chịu sự chi phối bởi Luật Chứng khoán và giao dịch chứng khoán, tuy nhiên Nhật vẫn duy trì phương thức đấu giá công khai cổ truyền.
* Thị trường chứng khoán Mỹ
- Bên cạnh hệ thống luật pháp chung, Mỹ đã ban hành Luật Chứng khoán (1933) và Luật Giao dịch chứng khoán (1934). Luật chứng khoán (1933) qui định về phát hành, còn Luật Giao dịch chứng khoán (1934) điều chỉnh việc mua bán chứng khoán đã phát hành. Luật này quy định chế độ đăng ký, báo cáo cũng như các quy định chống đầu cơ, mua bán nội gián. Mỹ còn các Luật khác hỗ trợ cho việc quản lý TTCK như: Luật Công ty đầu tư, Luật bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, Luật tín thác…
Uỷ ban Chứng khoán (SEC) là cơ quan độc lập có quyền lực cao nhất trong việc quản lý TTCK Mỹ. Chức năng chính là ban hành các quy chế, quy định về TTCK, có quyền thanh tra, kiểm tra và truy tố các tổ chức kinh doanh chứng khoán vi phạm pháp luật; quản lý, cấp hoặc thu hồi giấy phép đối với các SGDCK, Công ty môi giới, Nhà giao dịch, Công ty đầu tư…
Mặc dù TTCK của các nước này ra đời sớm, có hệ thống luật pháp về TTCK được coi là khá hoàn chỉnh tạo nên môi trường pháp lý tốt cho hoạt động của TTCK, nhưng để quản lý tốt TTCK các nước này vẫn cần phải có cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
- Hầu như các nước đều thực hiện hai cách phát hành chứng khoán để huy động vốn. Phát hành tư nhân là phát hành chứng khoán có tính chất riêng lẻ cho một số lượng hạn chế nhất định các cá nhân hoặc tổ chức đầu tư. Phát hành chứng khoán ra công chúng tức là phát hành rộng rãi chứng khoán cho tất cả các cá nhân, các tổ chức hoặc nhóm cá nhân hay nhóm tổ chức. Ranh giới giữa phát hành tư nhân và phát hành ra công chúng được phân biệt bằng các quy định giới hạn số lượng người mua. Thí dụ ở Hoa Kỳ phát hành chứng khoán ra công chúng là bán cho trên 200 tổ chức hoặc cá nhân (không tính đến các cá nhân là người lao động tại Công ty), còn ở Nhật Bản cũng bán 200, ở Ba Lan bán 300, Thái Lan và Indonexia bán 50. Nếu bán thấp hơn các mức ở trên thì gọi là phát hành tư nhân. Việc phân biệt hai loại phát hành ở trên là nhằm mục đích bảo vệ người đầu tư, nếu phát hành rộng rãi ra công chúng thì phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn và phải bảo đảm các điều kiện nhất định do Uỷ ban chứng khoán nhà nước quy định nhằm hạn chế rủi ro cho công chúng là người mua chứng khoán. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam cần học hỏi.