SÂN KHẤU KABUKI (CA VŨ KỸ)

Một phần của tài liệu Sân khấu truyền thống Nhật Bản - Tuồng Nô doc (Trang 26 - 32)

Thông thường ta nghĩ Ca Vũ Kỹ là “kỹ thuật ca múa“nhưng thật ra kabuki chỉ là cách ghép chữ Hán khéo léo của người Nhật để ba âm Ka-Bu-Ki thành một cái tên nhằm tăng giá trị của nghệ thuật tuồng dân tộc của họ. Kabuki là danh từ biến thể của động từ kabuku có nghĩa là “làm những động tác thân thể khác đời, nhố nhăng”. Nói nó “khác đời, nhố nhăng” bởi vì nghệ thuật kabuki đã sinh ra từ bối cảnh phóng túng của xã hội Nhật thời cận đại, vốn không chịu gò bó theo một qui

A) Nàng Okuni đất Izumo (Izumo no Okuni):

Khoảng đầu năm Keichô (Khánh Trường, 1596-1615) ở đền thần Izumo Taisha (Xuất Vân Đại Xã) thuộc tỉnh Shimane , tây nam đảo Honshuu, có một nàng miko[14] tên gọi O-kuni (A Quốc) ngực mang thập tự giá, bên hông đeo hồ lô, lên kinh đô Kyôto múa kabuki-odori, một điệu múa với những động tác lạ lùng. Đó là

khởi thủy của sân khấu kabuki.

Kích thích bởi sự xuất hiện của lối múa kabuki của O-kuni, khắp các nơi, thiên hạ cũng bắt chước diễn trò onna-kabuki (nữ ca vũ kỹ) tức kabuki do đàn bà thủ các vai. Mạc phủ cho là phạm thuần phong mỹ tục (vì thường là mãi dâm trá hình) nên ngăn cấm. Cái nầy vừa cấm đã mọc ra cái khác: wakashuu-kabuki (nhược chúng ca vũ kỹ) tức là loại do các cậu thiếu niên (wakashuu) thủ vai chính, và cũng bị mạc phủ cấm đoán ngay vì cùng một lý do như trên (xã hội Nhật Bản không thiếu gì truyện đồng tính luyến ái) vào năm JôÔ nguyên niên (Thừa Ứng, 1652). Mãi về sau mới có loại kabuki do đàn ông đã thành nhân (yarô) đóng tên gọi yarô-kabuki (dã lang ca vũ kỹ). Những anh chàng nầy thường là dân bên jôruri ế khách đang rỗi việc. Vì loại nầy thiếu sức hấp dẫn của hai loại trước về phương diện dung mạo bóng sắc nên diễn viên đã tập trung sức lực nghiên cứu kỹ thuật trình diễn hòng lôi cuốn khán giả.Dần dần, kabuki đã thành hình với tư cách một sân khấu tuồng mà vai trò của diễn xuất được đặt lên hàng đầu.

B) Kabuki thời Genroku:

Đến thời Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704) kabuki phát triển mạnh mẽ từ vùng kinh kỳ Kamigata cho tới Edo, trung tâm chính trị mới. Vùng kinh kỳ có kép Sakata Tôjurô (Phản Điền, Đằng Thập Lang) đã nhắc đến ở trên và kép giả gái (oyama) Yoshizawa (Cát Trạch) Ayame[15] là những diễn viên thượng thặng

đóng tuồng wagoto (hòa sự), loại tuồng có chủ đề tình cảm yêu đương trai gái. Như đã nói, soạn giả Chikamatsu Monzaemon từng viết tuồng cho Tôjuurô diễn. Trong khi ấy, ở Edo, loại tuồng ăn khách là aragoto (hoang sự) tức là loại tuồng nói về quỹ thần hay võ nghệ, do các diễn viên như Ichikawa Danjuurô (Thị Xuyên, Đoàn Thập Lang) và loại wagoto do Nakamura Shichisaburô (Trung Thôn, Thất Tam Lang) chủ diễn. Dòng dõi hai nhà nầy vẫn còn truyền đến ngày nay và đời nào cũng có người “tập danh” (mang tiếp tên tuổi) để nối nghiệp tổ tiên. Tuy loại sân khấu nầy coi trọng diễn viên và kỹ thuật trình diễn được đặt lên trên hết nhưng bản tuồng dần dần được chỉnh lý nên cùng với thời gian, nó bộc lộ được tính kịch nghệ. Đó là điều cần chú ý.Trước thời Meiji những bản tuồng không được sao chép, truyền bá. Chúng biến hóa tùy theo phong cách diễn xuất của diễn viên. Do đó, trong kabuki, diễn viên quan trọng hơn cả soạn giả.

D) Giao lưu giữa Jôruri và Kabuki:

Khi nói đến khía cạnh kết cấu vở tuồng và mô tả tâm lý con người, jôruri tỏ ra tiến trước kabuki một bước.Vì thế từ đời Genroku về sau, nhờ tài năng của các soạn giả Chikamatsu Monzaemon và Ki no Kaion, jôruri của thời toàn thịnh đã đè bẹp kabuki. Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ 18 trở đi, lúc jôruri xuống dốc, kabuki đã hồi sinh trở lại. Người đóng vai trò then chốt trong sự phục hưng của kabuki là soạn giả tên Namiki Shôzô (Tịnh Mộc, Chính Tam, 1730-1773). Ông chịu ảnh hưởng của jôruri vì là học trò của soạn giả jôruri nổi tiếng Namiki Sôsuke (Tịnh Mộc, Tông Phụ, 1695-1751). Ông đã biết đem cách kết cấu tình tiết phức tạp của tuồng jôruri vào trong kyôgen của kabuki, cũng như đã biết thay đổi cách trang trí phông cảnh, sáng chế ra sân khấu quay vòng tròn, dùng những dụng cụ đồ sộ hơn để cảnh quan sân khấu rộng lớn thêm lên và do đó, đáp ứng nhu cầu của khán giả. Ông là người đã soạn ra tác phẩm Con Thuyền Ba Mươi Thạch Lên Đường Sanjikkoku yofune

no hajimari (Tam thập thạch đăng thủy), truyện kể về loại thuyền buôn “ba mươi thạch” (trọng tải trên 5 tấn vì một “thạch” hay “hộc” tương đương 180 lít) chở hành khách và hàng hóa trên sông Yodogawa ở vùng Ôsaka.

E) Truyền thống Kabuki vùng Edo:

Môn đệ của Shôzô là Namiki Gohei (Tịnh Mộc, Ngũ Bình, 1747-1808), sở trường về sewakyôgen tức loại Kabuki nói về nhân tình thế thái đương thời, thừa kế sự nghiệp của thầy. Gohei trở thành soạn giả số một của vùng kinh kỳ nhưng năm Kansei (Khoan Chính) thứ 6 (1794) lại bỏ sang miền Đông, mang theo cả tác phong tả thực của kabuki vùng Kyôto-Ôsaka đến Edo. Cùng lúc ấy, soạn giả đồng thời đại với Gohei bấy giờ là Sakurada Jisuke I (Anh Điền, Trị Trợ đời thứ nhất, 1734-1806) cũng nổi tiếng với những vở tuồng mang sắc thái nhẹ nhàng tươi mát của phong cách Edo. Jisuke I là người đã kết hợp, pha trộn các loại tuồng kabuki mà trước đây khi mỗi vở ra đời liền được sắp xếp vào một “nhóm tuồng” cố định (gọi là “sekai” và vào thời Bunsei (1818-1830) người ta đã tính ra có tới trên 120 “sekai”). Cách pha trộn của Jisuke I gọi là “maizame”.

Namiki Gohei có vở “Ngô đồng cửa chùa” Kinmon Gosan no Kiri (Kim môn ngũ tam đồng) do Ishikawa Goemon (Thạch Xuyên Ngũ Hữu Vệ Môn) chủ diễn, Sakurada Jisuke I có “Quyển sổ khuyến giáo” Gohiiki kanjinchô (Ngự nhiếp khuyến tiến trương) có đoạn “Sư không biết đọc kinh” thuật lại bước đường cùng của Yoshitsune (Nghĩa Kinh) và người tùy tùng là Benkei (Biện Khánh) trong đó Yoshitsune là chủ lại đóng vai sư trẻ để mặc cho kẻ hầu hạ mình (Benkei) trong vai hoà thượng chửi rủa đánh đập lúc họ giả dạng làm sư để vượt qua cửa ải. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp, tướng giữ ải, tuy đoán ra ai là chủ ai là tớ nhưng cảm động, đã tảng lờ cho đi. Cả hai vở đều đáng gọi là kiệt tác.

Trong khoảng niên hiệu Bunka –Bunsei (1804-1830) có thể nói kabuki đã tới độ chín muồi. Nhà soạn giả tiêu biểu cho thời này không ai khác hơn Tsuruya Nanboku (Hạc Ốc, Nam Bắc,1755-1829) tập danh đời thứ tư. Ông sinh trưởng ở Edo và là học trò Sakurada Jisuke.Lúc chưa phất được, ông soạn tuồng dưới bút hiệu Katsu Hyôzô (Thắng, Biểu Tàng) trong một thời gian dài nhưng đã đóng góp cho Kabuki nhiều cải cách độc đáo. Ông sở trường về thể loại kizewamono (sinh thế thoại vật) tức là kabuki kyôgen tả thực nhất, sinh động nhất, trong loại kabuki, hoàn toàn dựa vào thực tế xã hội để dựng tuồng. Ông mô tả vô cùng sống động những cảnh đời cùng cực tận dưới đáy xã hội phong kiến. Tác phẩm tiêu biểu của ông là “Truyện kinh dị ở vùng Yotsuya trên đường Tôkaidô” Tôkaidô Yotsuya Kaidan (Đông Hải Đạo Tứ Cốc quái đàm) được quần chúng đặc biệt tán thưởng, ghi chép những gì xấu xa, tồi tệ, gian ác của xã hội, phản ánh chân tướng thời kỳ Bunka-Bunsei. Tuồng nầy đã được diễn lần đầu năm Bunsei thứ 8 (1825) kể lại lời đồn đại trong dân chúng về cuộc đời người đàn bà sống ở vùng Yotsuya tên gọi O- iwa, ghen tuông đến phát điên mà chết, sau oan hồn trở về quấy nhiễu phá phách chồng.Bản tuồng nầy còn có những chi tiết liên quan tới thế giới của Chuujingura (Trung thần tàng, truyện 47 người vũ sĩ phục thù cho chủ) nữa.

G) Soạn giả Kawatake Mokuami (Hà Trúc, Mặc A Di, 1816 -1893):

Sau khi Nanboku mất rồi, không có soạn giả nào có đủ tầm cỡ để nối tiếp ông. Kabuki vùng Edo vì thế đã im lắng trong một thời gian. Mãi đến năm Ansei (An Chính, 1854-1860) cuối đời Mạc Phủ bước qua thời Duy Tân mới có Kawatake Mokuami (Hà Trúc, Mặc A Di), một nhân tài lỗi lạc xuất hiện. Kabuki của Edo như bắn được phát pháo bông cuối cùng.

Nanboku V (tập danh đời thứ năm), chuyên về loại tuồng xã hội (kisewamono). Ông hợp tác với kép Ichikawa Kodanji IV (Thị Xuyên Tiểu Đoàn Thứ đời thứ tư) và viết cho Kodanji IV diễn loại tuồng mà ông tỏ ra xuất sắc hơn cả mang tên shiranami-mono (bạch lãng[16] vật) tức là loại tuồng nói về bọn đạo tặc, trộm cướp.Những tác phẩm để đời của ông có “Ba người cùng tên Kichisa đầu năm xuống xóm” tức Sannin Kichisa Kuruwa no Hatsugai (Tam nhân Cát Tam quách sơ mại, 1860) “Truyện năm chàng tướng cướp” (Shiranami gonin otoko, Bạch Lãng ngũ nhân nam), còn được gọi với một cái tên bí hiểm là Aotozô shi Hana no Nishikie (Thanh chỉ cảo hoa hồng thái họa, 1862). Sannin Kichisa hay ba người cùng mang tên Kichisa là một nhà sư, một cậu ấm và một cô gái, cả ba đều sống bằng nghề trộm cướp. Aotozô là một vở nổi tiếng nhờ màn thứ ba và thứ năm khi những nhân vật đóng vai đạo tặc Benten (Biện Thiên) và Shiranami (Bạch Lãng) ra sân khấu kể lể danh tánh dài dòng.

Sau khi Kodanji mất và với những biến chuyển xã hội tương ứng với sự tiếp thu ảnh hưởng phương Tây, Mokuami soạn những vở tuồng tân thời gọi là loại “cắt tóc” (zangiri-mono) và là người đầu tiên thử phóng tác một tác phẩm ngoại quốc (1879) nhưng đó chỉ là vài thay đổi bề ngoài mà ông đem đến cho kabuki. Sâu xa chăng chính là việc hợp tác với kép Ichikawa Danjurô IX, nhờ đó ông đã soạn những vở tuồng “sự thực lịch sử” (katsureki-mono) trong đó ông gạt bỏ những hư cấu và hoang đường của loại tuồng dã sử (jidaimono). Biến chuyển trong lối sáng tác của ông nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trí thức thời đó đòi hỏi một nội dung sân khấu mới. Tuy nhiên không thể nói là ông thành công hoàn toàn trong việc cách tân kabuki.

Ông vốn có hiệu là Kawatake Shinshichi II (Hà Trúc, Tân Thất II) và chỉ đổi tên là Mokuami (Mặc A Di), một Phật danh, lúc về hưu (sớm) năm 1881, và từ đó

chuyên viết ca-từ hay những vở kabuki phóng tác từ tuồng Nô (gọi là loại tsubame-mono). Mokuami viết tất cả 360 tác phẩm đủ loại.Văn ông theo nhịp 5/7 chữ liên kết với nhau thành đoạn dài, lời đẹp đẽ, nghe lưu loát, êm tai. Được đặt tên là “lối hành văn Mokuami”, nhiều nhạc tính nên khán giả rất yêu chuộng.

Trong bản tuồng kabuki cổ điển, không những tuồng tích được xếp vào khuôn mẫu mà từ ngữ, lối diễn tả cũng đều theo những qui ước tu từ có sẵn và ý hướng “khuyến thiện trừng ác” (kanzen chôaku) nói chung. Bước sang thời hiện đại, Kabuki đã được biến đổi với hình thức mới (gọi là shin-kabuki hay kabuki mới) kết hợp sân khấu truyền thống với kịch nghệ phương Tây nhờ tài năng của Tsubo- uchi Shôyô (Bình Nội, Tiêu Dao, 1859-1935) và các soạn giả đến từ bên ngoài truyền thống kabuki.

Một phần của tài liệu Sân khấu truyền thống Nhật Bản - Tuồng Nô doc (Trang 26 - 32)