NGUYÊN NHÂN CĂN BẢN DẪN TỚI TÌNH TRẠNG TÁI NGHÈO HIỆN NAY:

Một phần của tài liệu Vấn đề xóa đói giảm nghèo trong chính sách xã hội thời kỳ đổi mới và nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng tái nghèo hiện nay (Trang 31 - 35)

NGHÈO HIỆN NAY:

1. Thực trạng vấn đề tái nghèo ở nước ta hiện nay:

Việt Nam được thế giới thừa nhận là một điển hình về thành tích xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo đang trở thành hiện thực bởi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất cập của Chương trình 135. Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, người nghèo bao giờ cũng chịu tổn thương đầu tiên, và nặng nề nhất. Ngay cả khi kinh tế phát triển, người nghèo dù được hưởng lợi, nhưng lại rất ít, so với những bộ phận còn lại của xã hội. Nguy cơ tái nghèo đang hiển hiện đòi hỏi có sự thay đổi các chính sách cho phù hợp.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, đến cuối năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc chỉ còn 8,5%, nhưng do ảnh hưởng suy giảm kinh tế trong nước và cùng với đó là thiên tai, dịch bệnh liên tục trong thời gian gần đây, năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo đã lên tới 12,5%, nhóm hộ cận nghèo gia tăng rất mạnh. Trong số đó, không ít hộ từ xóa nghèo lại tái nghèo. Điều này cũng khẳng định rằng Việt Nam nằm trong nhóm những nước có nguy cơ rủi ro cao nhất về tình trạng tái nghèo, theo đánh giá của World Bank.

Lịch sử xóa đói giảm nghèo cho thấy các hộ dân đã được báo cáo xoá đói giảm nghèo để rồi chỉ một thời gian ngắn sau lại tiếp tục…tái nghèo. Ví dụ, trong năm 2002, Quảng Nam có 10.629 hộ thoát nghèo thì lại có 9.387 hộ tái nghèo; Lâm Đồng có 2.948 hộ thoát nghèo thì lại có 4.510 hộ tái nghèo... Như vậy, nếu tính bình quân, có đến 60 - 70% tái nghèo, tức là tình trạng nghèo đói tăng cấp số cộng so với kết quả xóa đói giảm nghèo. Còn hiện tại, theo Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay tỉnh này có trên 400 hộ tái nghèo nâng số hộ nghèo lên con số 83.500 theo chuẩn mới.

Đấy là tại các tỉnh có kinh tế khó khăn, còn tại các thành phố lớn, tái nghèo cũng xuất hiện. Theo kết quả đợt rà soát mới nhất tình hình hộ nghèo trên địa bàn TP.HCM của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TP cho thấy từ đầu năm đến nay, TP đã phát sinh thêm 186 hộ nghèo (có thu nhập bình quân dưới 6 triệu đồng/người/năm), nâng tổng số hộ nghèo TP lên 17.219 hộ, chiếm 1,35% tổng số hộ dân TP.

Tái nghèo cũng đang trở thành mối lo toàn cầu. Trong một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam nằm trong số 40/107 nước đang phát triển có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó tăng trưởng kinh tế năm 2009 chậm sẽ làm khoảng 46 triệu người không thoát được nghèo, với thu nhập ở mức 1,25 USD/ngày, và khoảng 53 triệu người khác sẽ vẫn nằm dưới 2 USD/ngày.

Theo giải thích của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội là vì, mức độ đầu tư vốn của nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu còn thấp, sử dụng vốn chưa hướng vào những nguyên nhân nghèo đói bức xúc nhất; thu nhập của hộ cận nghèo còn bấp bênh; đã và đang xảy ra tình trạng ỷ lại vào chính sách ưu đãi và sự đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng... Tuy nhiên, có lẽ vấn đề xóa nghèo chưa thật sự hiệu quả là thiếu chính sách vĩ mô hợp lý để kích thích được sự phát triển chung của xã hội.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng bản chất vấn đề nằm ở các chính sách xóa đói giảm nghèo. Các chính sách luôn hướng từ trên xuống theo một giải pháp tồn tại mấy chục năm nay: rót vốn cho người nghèo để họ có thêm tiền để thoát nghèo (theo tiêu chí). Còn việc người nghèo sử dụng đồng vốn đó như thế nào, bản thân người nghèo thụ hưởng các chính sách xóa đói giảm nghèo như thế nào, tâm lý người nghèo trước các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ra sao... vẫn chưa được đánh giá, thẩm định đúng mức, thậm chí không hề được quan tâm. Người nghèo sau khi nhận được số tiền đền bù từ mảnh ruộng của mình trong các dự án quy hoạch, họ không biết sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả dẫn đến hệ quả là:

Thứ nhất, chỉ thoát được cảnh đói nghèo trong một thời gian ngắn. Khi đã sử

dụng hết số tiền mà họ có được do bán đất và đền bù, giải tỏa thì họ lại tái nghèo.

Thứ hai, khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp một số lao động trong nông

nghiệp không tìm được việc làm mới, thất nghiệp gia tăng và vì vậy họ rất khó khăn trong việc tự mình thoát khỏi đói nghèo.

Thứ ba, khi giá đất tăng lên do tác động của đô thị hóa, người nông dân bán

đất ồ ạt, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng nhưng đó là những ngôi nhà của những người ở nơi khác đến, có nhiều tiền còn nông dân thì bị đẩy vào sâu hơn và đất canh tác cũng thu hẹp lại, vì vậy người nông dân khó có cơ hội để duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình nếu như họ không có kế họach sử dụng đồng vốn kiếm được từ việc bán đất một cách có hiệu quả và cuối cùng cảnh đói nghèo vẫn tiếp tục ở lại với họ.

Chính sách xóa đói nghèo giảm luôn được coi như một chính sách hành chính chứ chưa hẳn là một chính sách xã hội. Các báo cáo thành tích luôn đính kèm thành tích xóa đói giảm nghèo, điều đó dẫn đến thực tế là rất nhiều người nghèo được xóa nghèo trên giấy, trong khi thực tế cuộc sống nghèo của họ không một chút thay đổi dù có thêm những khoản hỗ trợ. Do đó, khi có những tác động từ biến động tình hình kinh tế - xã hội (thiên tai, dịch bệnh, lạm phát...) đến những biến động trong chính gia đình (bệnh tật, thay đổi công việc...), người nghèo rơi vào tình hình khó khăn hơn. Các chính sách xóa đói giảm nghèo cho đến nay vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả. Và đây là nguyên nhân chính làm phát sinh hộ nghèo, tái nghèo cũng như gia tăng khoảng cách giàu nghèo, kể cả ở những địa phương luôn được đánh giá là “làm tốt và có hiệu quả nhất” các chính sách xóa đói giảm nghèo.

Tại miền Trung nguyên nhân tái nghèo còn do… thiên tai. Thực tế này cũng là tình hình chung của khu vực. Năm nào miền Trung cũng bị bão lũ trong mùa đông và hạn hán trong mùa hè. Tất nhiên, việc sống chung với thiên tai dường như vẫn còn là bài toán nan giải. Vấn đề di dời những ngôi nhà nằm dọc theo vùng sạt lở, vùng trũng bị lũ lụt uy hiếp chưa thực hiện rốt ráo. Còn tại các thành phố lớn nguyên nhân chính được cho là do tình hình lạm phát, chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chi tiêu của người nghèo, dẫn đến nguy cơ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới.

Tóm lại, tuy tốc độ giảm nghèo của Việt Nam đạt nhanh nhưng vẫn thiếu bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo khá đông rất dễ tái nghèo do những bất cập trong xây dựng chiến lược, triển khai các dự án cụ thể, xây dựng các quy hoạch ở nông thôn. Ngân hàng Thế giới cho rằng các nước có nguy cơ cao về tái nghèo cần tập trung tài chính để ngay trên từng địa bàn nông thôn: 1- tạo công ăn việc làm, 2- cung cấp các dịch vụ cơ bản, 3- cơ sở hạ tầng, và 4- các chương trình an sinh xã hội cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Giải quyết căn cơ được 4 vấn đề trên, thì không chỉ giảm được áp lực tái nghèo ở nông thôn mà còn tránh được các hệ lụy về di dân và môi trường.

Một phần của tài liệu Vấn đề xóa đói giảm nghèo trong chính sách xã hội thời kỳ đổi mới và nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng tái nghèo hiện nay (Trang 31 - 35)