Chính sách điều hành nói chung, chính sách kinh tế nói riêng là tổng thể các quan điểm, các chuẩn mực, các biện pháp, các thủ tục mà Nhà nước sử dụng nhằm tác động lên đối tượng và khách thể quản lý để đạt được những mục tiêu kinh tế trong số các mục tiêu chiến lược chung của đất nước một cách tốt nhất sau một thời gian đã định.
Các quan điểm chính là các nguyên tắc thể hiện bản chất của một chế độ xã hội được dùng để xem xét mọi vấn đề đặt ra trong tiến trình xây dựng đất nước, đánh mất nó Nhà nước sẽ bị tiêu diệt, xã hội sẽ biến mất.
Các quan điểm còn là kim chỉ nam chỉ đạo tất cả các hoạt động của các phân hệ ( địa phương, ngành). Nó là chuẩn mực để khi tiến hành lực chọn các mục tiêu bộ phận người ta không được phép gây tổn hại tới mục tiêu chung, lợi ích chung của cả đất nước.
Thực tế đã chỉ rõ, để tiến hành quản lý xã hội, Nhà nước phải giải quyết triển khai thực hiện rất nhiều mục tiêu khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề khác nhau theo các trình tự ưu tiên khác nhau. Như vừa phải lo phát triển kinh tế, vừa phải chăm lo đến vấn đề an ninh quốc phòng. Vừa phải giải quyết vấn đề lo vốn để phát triển vùng dân tộc miền núi, vừa chăm lo sự nghiệp giáo dục và nâng cao dân trí…
Như vậy, một hệ thống chính sách đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử nhất định sẽ là bảo đảm vững chắc cho sự vận hành bình thường, hữu hiệu của nền kinh tế thị trường. Nhờ đó mà có thể khơi dậy được các tiềm năng, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn lực, phát huy tính tích cực, sáng tạo và ý chí vươn lên làm cho dân giàu, nước mạnh của các tầng lớp dân cư. Ngược lại, chỉ cần một chính sách sai lầm sẽ gây ra phản ứng tiêu cực dây chuyền đến các chính sách khác,
cũng như đến các bộ phận khác nhau của hệ thống công cụ quản lý kinh tế quốc dân, kết quả là dẫn đến là giảm thiểu hiệu suất tác động của hệ thống chính sách, làm suy yếu động lực phát triển kinh tế xã hội.
Chính sách kinh tế của mỗi nước, về thực chất, là một chủ trương tương đối dài của Nhà nước để sử dụng các nguồn lực và cơ hội nhằm hướng dẫn, khai thông con đường phát triển kinh tế của đất nước. Chính sách kinh tế thường hướng vào việc xử lý những lĩnh vực bức bách nhằm khai thông và phát triển lực lượng sản xuất trong nước, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của đất nước, chống trả các mũi nhọn cản phá của thế lực thù địch cố ý hoặc vô tình gây ra. Cho nên mỗi chính sách đều có thời hạn tồn tại nhất định của nó.
Trong hệ thống công cụ quản lý kinh tế quốc dân, chính sách là bộ phận năng động nhất, có độ nhảy cảm cao trước những biến động trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc mà xã hội đã đặt ra. Thực tiễn nước ta và nhiều nước trên thế giới đều chứng tỏ: phần lớn những thành công trong công cuộc đổi mới và cải cách kinh tế đều bắt nguồn từ việc lựa chọn và áp dụng những chính sách thích hợp, có hiệu suất cao để khai thác tối đa các lợi thế so sánh của đất nước.
Mỗi chính sách cụ thể là tập hợp các giải pháp nhất định để thực hiện các mục tiêu bộ phận trong quá trình hướng tới đạt mục tiêu chung của phát triển kinh tế quốc dân và phát triển xã hội. Một chính sách bất kỳ thường được kết cấu bởi hai bộ phận: các mục tiêu cần đạt, các nhiệm vụ cần hoàn thành; các nguồn lực cần có, các biện pháp cần áp dụng. Chính sách là một hệ thống đa chủng loại, có thể ghép thành hai nhóm lớn:
- Các chính sách kinh tế: chủ yếu gồm các chính sách cơ cấu kinh tế, chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách giá cả, chính sách kinh tế đối ngoại.
- Chính sách xã hội: chủ yếu gồm chính sách dân số và lao động, chính sách giáo dục, chính sách y tế, chính sách bảo đảm xã hội, chính sách văn hoá, chính sách khoa học công nghệ, chính sách bảo vệ môi trường…
Chính sách là sản phẩm chủ quan của các nhà lãnh đạo và hoạch định đất nước trong quá trình thực thi quyền lực và ý đồ của mình; cho nên nó chỉ có thể thành công nếu nó phù hợp với các điều kiện thực tế khách quan diến ra của hệ thống và khắc phục được những tác động phản kháng nghịch chiều hay gây nhiễu khác từ mọi phía đối với hệ thống.