bảo đảm an ninh lương thực tại Việt Nam
Đề cập đến an ninh lương thực, người ta thường nhắc đến những yếu tố: Tự chủ về lương thực, dự trữ quốc gia, xuất khẩu hàng hoá nông phẩm và ổn định kinh tế khi có tình huống xấu.
Với ý nghĩa đó, ngày nay vai trò của an ninh lương thực không những không giảm đi mà ngày càng có vị trí quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh của quốc gia.
I. Phương hướng bảo đảm an ninh lương thực
Để đảm bảo an ninh lương thực cho Quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương và thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân có ý thức cộng đồng về vấn đề an ninh lương thực. Dù hiện nay đất nước ta đã và đang phát triển nhanh chóng, tiến tới mức thu nhập trung bình 1.000 USD và trở thành nước có thu nhập trung bình năm 2009; nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả đã có đủ thực lực, khả năng để giải quyết mọi vấn đề khó khăn đặt ra liên quan đến an ninh lương thực. Lâu nay chúng ta nói nhiều tới phương châm “bốn tại chỗ” nhưng dường như phương châm này chưa được các địa phương thực hiện, vận dụng một cách đúng mức và người dân thì thờ ơ với vấn đề này, không có bất kỳ động thái chủ động dự trữ lương thực với một lượng thích hợp; do đó khi có lụt, bão, thiên tai và tình huống xấu xảy ra thì chỉ biết trông chờ vào sự chi viện, tiếp tế; trong khi nhiều địa bàn, nhiều vùng gặp rất nhiều khó khăn về thông tin, giao thông vận tải... thường phải mất thời gian khá dài mới giải quyết được. Chính vì vậy tổn thất về người một phần do sự chủ quan không dự trữ lương thực, nước
uống và các loại thiết yếu khác của từng gia đình, từng địa phương là điều đã được cảnh báo trước.
Thứ hai, các cấp có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu ban hành cơ chế huy động đặc thù về lương thực khi có lũ, lụt, thiên tai và tình huống xấu xảy ra đối với tất cả các thành phần kinh tế. Đặc biệt chú trọng đến các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thường bị chia cắt do khó khăn về thông tin, giao thông vận tải... Tại những địa bàn này cần phải thành lập ban chỉ đạo hoạt động độc lập để xử lý tình huống một cách nhanh chóng; đồng thời cần xây dựng những kho lương thực, thực phẩm dự trữ để sẵn sàng ứng cứu nhân dân.
Thứ ba, mỗi địa phương cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch đất đai với tiêu chí đầu tiên là mang tính khoa học cao. Trước mắt cần chú trọng đến ba khu vực chịu tác động rõ nhất do biến đổi khí hậu là vùng núi Tây Bắc (Lạng Sơn); vùng ven biển Nam Trung Bộ (Ninh Thuận); đặc biệt vùng ven biển tỉnh Bến Tre (nơi thấp nhất so với cả nước), do nằm ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều cửa sông, cù lao có độ cao địa hình rất thấp nên hiểm hoạ do biến đổi khí hậu tác động đến khu vực này là tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng, đồng thời tăng nhiệt độ và tăng lượng mưa. Theo đánh giá, nếu nước biển tăng 1m, thì 7% diện tích đất nông nghiệp sẽ ngập lụt, tổng sản lượng lương thực sẽ giảm khoảng 12% (xấp xỉ 5 triệu tấn), ngoài ra sẽ gây tác động tiêu cực đến 5% đất đai, gần 11% dân số và 10% GDP. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng trong quy hoạch, tránh chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, bằng mọi giá sẽ làm suy thoái và cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, thuỷ sản, đất đai...
Thứ tư, thường xuyên chủ động dự báo bám sát tình hình lương thực khu vực và thế giới để có chính sách lương thực quốc gia phù hợp, vừa phát huy lợi thế so sánh góp phần tăng trưởng kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế vừa bảo đảm ổn định xã hội. Theo Chương trình lương thực thế giới của
Liên Hợp quốc (WFP), nếu năm 1999 dự trữ lương thực của thế giới bảo đảm 30% nhu cầu toàn cầu, thì nay chỉ bảo đảm 20% và mỗi ngày trên thế giới có hơn 25.000 người bị chết hoặc ốm vì đói. Nguy cơ tình trạng giá lương thực tăng cao kỷ lục và lạm phát sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2010 đe doạ sẽ gây ra một nạn “đói mới” trên toàn cầu; đồng thời sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn định xã hội ở một số nước vốn đã rất nhạy cảm với những sức ép về nghèo đói, lạm phát, tụt hậu.
II. Hệ thống các giải pháp