Ở VIỆT NAM
I. Những chặng đường đã qua trong tiến trình cổ phần hoá 1. Giai đoạn thực hiện thí điểm: từ tháng 6/1992 đến 4/1996
Nghị quyết Đại hội VII đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với bước đi vững chắc, lấy đổi mới kinh tế là trọng tâm...” và nêu lên quan điểm: “chuyển một số doanh nghiệp quốc doanh có điều kiện thành công ty cổ phần và thành lập một số công ty quốc doanh cổ phần mới”. Tại hội nghị lần thứ 2 (khoá 7) quan điểm ấy tiếp tục được khẳng định: “chuyển một số doanh nghiệp quốc doanh có điều kiện thành công ty cổ phần và thành lập một số công ty cổ phần mới, phải làm thí điểm chỉ đạo chặt chẽ, rút kinh nghiệm chu đáo trước khi mở rộng phạm vi thích hợp”.
Tiếp theo những đổi mới trong việc sắp xếp lại DNNN, đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện quyền tự chủ kinh doanh của DNNN, ngày 10/5/1990 Chính phủ ra quyết định 143/HĐBT, trong đó có nội dung “Nghiên cứu và làm thử về mô hình chuyển xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần”.
Ngày 8/6/1992, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ra Quyết định số 202/CT “về việc tiếp tục làm thí điểm chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần”. Một đề án CPH DNNN tương đối hoàn chỉnh được ban hành kèm theo quyết định này. Có thể coi đây là cái mốc đầu tiên đánh dấu giai đoạn thực hiện thí điểm CPH. Việc nghiên cứu và tổ chức làm thử được quy định chỉ giới hạn trong phạm vi một số ít doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, mang tính chất tự nguyện. Việc bán cổ phần cũng chỉ giới hạn ở những đối tượng là nhà đầu tư trong nước, trong đó ưu tiên bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp.
Sau tám tháng thực hiện quá chậm chễ, không đáp ứng được những yêu cầu và tiến độ quy định, ngày 3/3/1993, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 84/TTg xúc tiến tực hiện thí điểm CPH DNNN.
Trong thời kỳ này, Chính phủ chỉ đạo thí điểm chuyển 7 DNNN thành CTCP, đó là: Nhà máy Xà phòng Việt Nam, Xí nghiệp Vật liệu chế biến thức ăn gia súc Hà Nội, Nhà máy Diêm Thống nhất, Xí nghiệp Chế biến gỗ lạng Long Bình, Công ty Vật tư tổng hợp Hải Hưng, Xí nghiệp Sản xuất bao bì Hà Nội và Xí nghiệp Dệt da may Legamet. Hơn 30 doanh nghiệp khác đăng ký với Bộ Tài chính để thí điểm thực hiện CPH. Bộ Tài chính đã quyết định danh sách DNNN trong số các doanh nghiệp này để các Bộ chỉ đạo thí điểm chuyển thành CPH.
Qua một thời gian tiến hành làm thử, 7 DNNN được Chính phủ chọn đều xin rút. Các DNNN do các Bộ chỉ đạo thí điểm cũng lần lượt xin rút hoặc không đủ điều kiện. Sau hơn 5 năm thực hiện thí điểm, cả nước chỉ có 5 doanh nghiệp được chuyển thành CTCP, bao gồm: Công ty Đại lý liên hiệp vận chuyển (thuộc công ty phát triển Hằng Hải - Bộ Giao thông), Công ty Cơ điện lạnh (thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh), Nhà máy giầy Hiệp An và Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi (thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ), Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Long An (thuộc UBND tỉnh Long An). Tính đến thời điểm năm 1995, cả nước mới chỉ có 2/61 tỉnh, thành phố và 3/7 Bộ có DNNN CPH. Như vậy, việc triển khai thí điểm CPH còn quá chậm, chưa đồng đều giữa các ngành, địa phương, mục tiêu CPH cũng chưa được thực hiện.
Chủ trương CPH DNNN ở nước ta được đặt ra khá sớm trong các văn bản có tính chỉ đạo hành động trong các cơ quan quản lý nhà nước (từ cuối năm 1991 và liên tục trong những năm sau). Song thực tế triển khai giải pháp chiến lược này thực sự đã vấp phải quá nhiều lực cản, chính vì thế mà nó diễn ra rất ì ạch, bằng chứng là chỉ CPH được 5 doanh nghiệp trong suốt 5 năm liền.
Những hạn chế trên là kết quả của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có thể nêu lên một vài nguyên nhân chủ yếu :
- Vấn đề nhận thức: trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp, sự phát triển của lực lượng sản xuất dựa gần như tuyệt đối vào chế độ sở hữu Nhà nước. Gánh nặng quá lớn của Ngân sách trong một thời gian dài buộc các DNNN phải đối mặt với thực tế rằng Nhà nước không thể tiếp tục là "bầu sữa" cho họ. Việc không còn dựa dẫm vào Nhà nước được nữa đã gây ra cho các doanh nghiệp tâm lý chán nản, muốn duy trì hình thức DNNN được ngày nào hay ngày ấy.
- Về quan điểm: còn lúng túng, chưa hoạch định được chủ trương nhất quán, chưa có sự nhất trí cao về việc bắt buộc lựa chọn giải pháp CPH DNNN. Đây là nhân tố quyết định hàng đầu để đẩy nhanh quá trình CPH.
- Cấp có thẩm quyền quyết định khi ấy vẫn chưa có được quyết tâm đủ tầm, đủ độ để thực thi. Trong đó trở ngại lớn nhất là chính sách xử lý lợi ích của các bên liên quan: Nhà nước và người lao động, giám đốc và bộ máy quản lý DNNN cũng như lợi ích hợp pháp của các cổ đông sẽ tham gia CTCP thông qua mua - sở hữu - chuyển nhượng cổ phiếu. Một trở ngại nữa là công tác xác định giá trị doanh nghiệp vẫn còn rất non nớt, có những doanh nghiệp 2 năm vẫn chưa định giá nổi.
- Chưa có thị trường thứ cấp để lưu thông các cổ phiếu là một nguyên nhân đáng kể cản trở tiến trình CPH.
Trong các nguyên nhân kể trên, vấn đề nhận thức quan điểm quyết tâm thực thi giải pháp chiến lược này của các nhà hoạch định chính sách vẫn là nguyên nhân cơ bản nhất của tình hình triển khai CPH trong giai đoạn này.
2. Giai đoạn triển khai mở rộng: từ tháng 5/1996 đến 6/1998
Đến thời điểm này, Quyết định 202/TC năm 1992 đã không còn phù hợp, nhiều vấn đề nảy sinh từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đòi hỏi phải có các văn bản pháp luật khác thay thế để giải quyết những vấn đề bức xúc. Đáp ứng những yêu cầu này, ngày 7/5/1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/CP.
Tính pháp lý của cơ chế CPH DNNN đã được nâng cao lên một bậc (dưới hình thức Nghị định), phạm vi đối tượng CPH được mở rộng. Việc lựa chọn các doanh nghiệp cổ phần thuộc thấm quyền của Chính phủ, không nhất thiết phải do các doanh nghiệp tự nguyện. Khác với 2 văn bản trước, Nghị định 28/CP đã phân định rõ ra 3 hình thức CPH, bao gồm: giữ nguyên giá trị hiện có của doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu; bán một phần hiện có tại doanh nghiệp và tách một bộ phận của doanh nghiệp đủ điều kiện để CPH (so với trước đó, đã được bổ sung thêm hình thức CPH bộ phận doanh nghiệp). Nghị định còn quy định khá đầy đủ về thẩm quyền thực hiện CPH, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp và người lao động cũng đã được cải thiện. Về mặt tổ chức thực hiện, Nghị định này quy định rất cụ thể việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ban chỉ đạo trung ương về CPH và cơ quan thường trực của ban này cũng như thẩm quyền thực hiện CPH của các cơ quan quản lý Nhà nước khác. Ngoài ra, Nghị định cũng đề cập đến vấn đề thí điểm bán cổ phần cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài, điều mà trong 2 văn bản trước chưa từng có.
Có thể nói, Nghị định 28/CP là mốc đánh dấu một bước kết thúc giai đoạn thí điểm và chuyển sang giai đoạn CPH mở rộng. Những quy định mới trong Nghị định đã góp phần đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN ở nước ta trong giai đoạn này. Nếu như trong cả giai đoạn thí điểm, chúng ta mới chỉ CPH được 5 doanh nghiệp thì khi Nghị định 28/CP ra đời là cả một bước ngoặt lớn. Tính đến tháng 6/1998 đã có 25 DNNN chuyển thành công ty cổ phần, nâng tổng số DNNN được CPH lên con số 30, ngoài ra còn một số DNNN đang tiến hành triển khai các bước xác định giá trị doanh nghiệp. Các địa phương, tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành và tổng công ty 91 đã đăng ký hơn 200 doanh nghiệp thực hiện CPH, chiếm trên 3% tổng số DNNN; đã có 3 Bộ, tổng công ty và 11 tỉnh, thành phố có doanh ghiệp CPH.(28) Các doanh nghiệp này sau khi CPH đều phát triển tương đối ổn định với những chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm cao. Đây thực sự là tín hiệu tốt khích lệ cán bộ, công nhân viên trong các DNNN khác chuẩn bị chuyển sang CTCP tiếp tục ủng hộ chủ trương CPH của Đảng và Chính phủ.
Nhưng có một điều mà ai cũng có thể nhận thấy là tiến trình CPH DNNN diễn ra quá chậm. Trong giai đoạn này, người ta đã được chứng kiến một khoảng thời gian kỷ lục cho việc tiến hành CPH một công ty: 3 năm đối với trường hợp công ty giầy Hiệp An (thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ).
Nguyên nhân diễn ra tình trạng này vẫn phải kể đến vấn đề quan điểm, nhận thức. Lãnh đạo doanh nghiệp với trình độ non yếu, không chèo chống được với nền kinh tế thị trường, muốn cố gắng kéo dài sự tồn tại của hình thức công ty cũ, họ sợ khi chuyển sang CTCP, làm ăn thua lỗ sẽ bị mất chức, hầu toà…
Tình trạng tài chính yếu kém cũng là một nguyên nhân không nhỏ: nợ tồn, nợ đọng, công nợ khó đòi của nhiều doanh nghiệp còn rất lớn, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ đến 2-3 năm liền. Nếu chọn doanh nghiệp làm ăn có lãi thì ảnh hưởng đến chỉ tiêu Ngân sách Nhà nước và giảm sút ngân sách của các nghành có liên quan. Còn chọn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì “những miếng xương xẩu” này không ai muốn nhận.
Vấn đề thủ tục cũng ảnh hưởng lớn đến tiến trình CPH, thủ tục phức tạp nhiều khâu, nhiều tầng nấc làm nản lòng biết bao người thi hành, thêm vào đó là sự nhũng nhiễu quan liêu của cán bộ hành chính Nhà nước. Mặt khác, lúc này phần lớn cán bộ nhân viên của các DNNN có thu nhập còn rất thấp, ít có khả năng mua cổ phần, trong khi đó môi trường kinh tế, môi trường pháp lý chưa cung cấp thông tin thường xuyên, không đảm bảo cho người mua cổ phiếu an tâm với sự lựa chọn của mình.
3. Giai đoạn chủ động: 7/1998 đến 6/2002
Cơ sở pháp lý cho hoạt động CPH DNNN trong giai đoạn này là Nghị định 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998, thay thế cho Nghị định số 28/CP. Việc tổ chức thực hiện CPH được phân cấp giữa các cơ quan của Chính phủ, các Bộ, các địa phương và Hội đồng quản trị TCT. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách chủ chương của Đảng và Nhà nước về CPH và đa dạng hoá sở hữu DNNN đến mọi tầng lớp nhân dân, cùng với sự ra đời và hoạt động của TTCK Việt Nam, với những cải cách mang tính đột phá, Nghị
định 44/CP đã thực sự tạo ra một động lực mới, đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN ở các Bộ, ngành, địa phương và các TCT trong giai đoạn này. Nó đã khắc phục một số điểm tồn tại trong Nghị định 28/CP:
Về đối tượng mua cổ phần: ngoài các đối tượng như trong quy định trước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú lâu dài trên lãnh thổ Việt nam cũng được quyền mua cổ phần. Mở rộng mức khống chế mua cổ phần: đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì cá nhân, pháp nhân được mua gấp 2 lần so với quy định trước; đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước không tham gia cổ phần thì không khống chế quyền mua. Sự thay đổi này đã mở rộng quy mô vốn nhàn rỗi huy động được cho các doanh nghiệp.
Về đối tượng CPH: quy định rõ và giảm bớt danh mục các loại doanh
nghiệp, ngành nghề Nhà nước giữ 100% vốn, cổ phần đặc biệt, cổ phần chi phối. Điều này giúp các ngành, các cấp, địa phương chủ động trong việc lựa chọn và tổ chức triển khai CPH .
Về chính sách đối với người lao động: quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ và cụ thể chính sách ưu đãi đối với người lao động. Nghị định 44 đã bỏ hình thức cấp cổ phần không được chuyển nhượng, đề ra hình thức bán giảm 30% (so với giá sàn) đối với số cổ phần được mua ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp tính theo thâm niên công tác của họ (với 1 năm làm việc cho Nhà nước người lao động được mua tối đa 10 cổ phần ưu đãi giá trị mỗi cổ phần là 100000 đồng và chỉ phải trả 70000 đồng), người lao động có quyền sở hữu cổ phần của mình và có thể chuyển nhượng. Ngoài ra, Nghị định cũng thể hiện sự quan tâm chú ý đặc biệt tới người lao động nghèo theo tinh thần Thông báo số 63/TB-TW ngày 4/9/1997 của Bộ Chính trị. Những tiến bộ này đã khiến chủ trương CPH trở nên hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp cũng như người lao động.
Nghị định 44/CP còn đưa ra những quy định khá cụ thể, rõ ràng và hợp lý hơn các văn bản trước về xác định giá trị doanh nghiệp CPH, thẩm quyền quyết
định CPH và quyền được mua cổ phần lần đầu. Đặc biệt ở giai đoạn này, Thủ tướng chính phủ đã quyết định thành lập Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương để giúp Thủ tướng tập trung chỉ đạo quá trình đổi mới doanh nghiệp và CPH.
Cùng với sự ra đời của Nghị định 44/CP, tiến độ CPH được đẩy nhanh rõ rệt. Trong các năm 1999, 2000 và 2001, bình quân mỗi năm hoàn thành chuyển đối sở hữu trên 280 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp được CPH tại thời điểm 31/12/2002 lên con số hơn 900. Kết quả điều tra trên 400 doanh nghiệp đã CPH và đa dạng hoá từ 1 năm trở lên cho thấy hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tốt, các chỉ tiêu: doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập và việc làm của người lao động đều tăng trưởng. Người lao động trong công ty, sau khi trở thành người chủ thực sự, đã có những thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất được nâng cao, tính chủ động sáng tạo trong lao động, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự giác, tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh cũng được nâng cao. Về phía Nhà nước, không chỉ được tăng thu Ngân sách từ sự nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp CPH mà còn huy động được gần 2500 tỷ vốn nhàn rỗi trong và ngoài nước để đổi mới, phát triển doanh nghiệp cũng như giải quyết chính sách cho người lao động.(34)
Mặc dù những kết quả đạt được là khả quan, nhưng nếu so với mục tiêu được đặt ra là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại DNNN trong năm 5 năm 2001-2005 thì tiến độ như vậy vẫn còn quá chậm (chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch). Một số Bộ, địa phương và Tổng công ty 91 cũng đã có những chỉ đạo nhưng kết quả đạt được rất hạn chế: Bộ Công nghiệp, Bộ thuỷ sản, các tỉnh Cần Thơ, Khánh Hoà, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, TCT Hoá chất, TCT Thép... Đến hết năm 1999 vẫn còn 6/13 Bộ, 7/17 Tổng công ty 91 và 21/61 tỉnh chưa có DNNN nào được chuyển thành CTCP.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên vẫn chính là những bất cập trong cơ chế thực hiện CPH, bao gồm cả những quy định không còn phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan, như: sự chưa rõ ràng trong tiêu chí
phân loại và lựa chọn doanh nghiệp; sự hạn chế về quyền mua cổ phần của các