Qua phần thực trạng công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của Công ty, ta thấy công tác hạch toán còn tồn tại một số điểm sau:
* Đối với kế toán nguyên vật liệu:
Việc cập nhật chứng từ nhập – xuất kho không được tiến hành thường xuyên. Thường vào cuối tháng, kế toán mới nhận được chứng từ, báo cáo của các nhà máy. Điều này làm dồn khối lượng công tác kế toán vào cuối tháng, cuối quý khiến cho việc theo dõi sổ sách không cập nhật, không chính xác, không đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời cho kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm.
* Đối với hạch toán chi phí nhân công trực tiếp:
Hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Daewoo Hanel đã thực hiện trích BHXH, BHYT và KPCĐ của công nhân sản xuất theo đúng chế độ quy định vào chi phí sản xuất. Nhưng Công ty lại không thực hiện trích trước tiền lương nghỉ phép của công nhân trực tiếp sản xuất vào chi phí của các kỳ hạch toán. Thực tế lực lượng sản xuất của Công ty chiếm một tỷ trọng khá cao trong tổng số công nhân viên toàn Công ty, khi có đợt nghỉ phép hàng loạt thì việc không trích trước này sẽ làm cho chi phí nhân công của tháng đó tăng lên, làm tăng giá thành sản phẩm và gây ra không ổn định giữa các kỳ hạch toán.
* Đối với hạch toán chi phí sản xuất chung:
Việc hạch toán công cụ dụng cụ chỉ phân bổ một lần là không hợp lý vì như vậy sẽ làm tăng giá thành lên rất cao nếu như trong kỳ phát sinh mua sắm những công cụ có giá trị lớn.
Đối với TSCĐ, Công ty sử dụng phương pháp khấu hao tuyến tính theo tôi là chưa hợp lý vì với đặc điểm sản xuất của công nghệ điện tử đòi hỏi việc phải thay đổi công nghệ trong thời gian ngắn vì thế cần phải nhanh chóng thu hồi vốn để chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp.
* Đối với hạch toán giá trị sản phẩm hỏng:
Phần giá trị thiệt hại sản phẩm hỏng được tính vào giá thành sản phẩm sản xuất, điều này sẽ không hạn chế được sản phẩm hỏng vì không quy trách nhiệm thuộc về đối tượng nào dẫn đến người lao động không quan tâm đến việc hạn chế thiệt hại này.