Trong thời đại ngày nay, việc xây dựng các toà nhà cao tầng để làm văn phòng, trường học, bệnh viên, chung cư…trở nên phổ biến. Chúng ngày càng trở nên hiện đại, tiện nghi để phục vụ các yêu cầu ngày càng cao của con người. Giải pháp kết hợp hệ thống các thiết bị cơ điện sử dụng trong toà nhà với công nghệ tự động hoá nhằm đem lại khả năng tự hoạt động (hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng,…) đã không còn là điều mới mẻ nữa. Tuy nhiên vấn đề sống còn của giải pháp này lại nằm ở chỗ làm sao có thể quản lý chúng trong một hệ thống thống nhất. Các hệ thống tự động hoá toà nhà (BMS) đã ra đời để giải quyết bài toán này.
Nhiệm vụ chính của hệ thống BMS là điều khiển, giám sát, quản lý các thiết bị cơ/điện trong một tòa nhà cao tầng, giúp cho việc vận hành, bảo dưỡng và quản lý tòa nhà một cách thuận tiện, an toàn và tiết kiệm.
Hệ thống BMS được phát triển dựa trên nền kiến trúc của một hệ điều khiển phân tán với các bộ điều khiển số trực tiếp DDC (Direct Digital Controler) được kết nối với hệ thống mạng tầng ( Floor Networks); các bộ điều khiển, định tuyến cấp cao hơn liên kết các DDC với hệ thống mạng Backbone của tòa nhà (TCP/IP). Chuẩn giao tiếp của các hệ thống này thường là Bacnet hoặc LON.
- LON là một chuẩn giao tiếp được phát triển từ rất sớm, nó cho phép các thiết bị, hệ thống khác nhau trong tòa nhà cùng tuân theo chuẩn LON có thể kết nối chung với nhau trên một hệ thống mạng ngang hàng (pear to pear network). Ưu điểm của chuẩn giao tiếp này là nó cho phép chia sẻ dữ liệu điều khiển ở cấp độ mạng trường giữa các hệ thống trong một tòa nhà, tuy nhiên, nó yêu cầu tất cả các bộ điều khiển của các hệ thống khác phải tuân theo chuẩn LON. Chúng không định nghĩa các hàm thường dùng chuyên dụng riêng cho các hệ thống trong tòa nhà, không định nghĩa các biến Trend, History, Schedules, Alarm,.. Không hỗ trợ cho các công cụ tích hợp cấp cao như: Remote Control, Network Management , …
- Bacnet là chuẩn giao tiếp được phát triển bởi hiệp hội ASHRAE của Mỹ, nó được thiết kế riêng cho mục đích điều khiển tòa nhà và là 1 giao thức mở, hỗ trợ tích hợp hệ thống ở cấp độ cao, định nghĩa các biến chuyên dụng: Alarm, Schedules, Trend, History, …, hỗ trợ các công cụ tích hợp : Remote control, network management, IP network... Bacnet đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các hệ thống BMS của tất cả các hãng trên thế giới. Với sự ra đời của hiệp hội các nhà sản suất thiết bị theo chuẩn Bacnet, các thiết bị Bacnet ngày càng được nhiều nhà cung cấp thiết bị HVAC lựa chọn như là 1 chuẩn giao tiếp thông dụng và không thể thiếu.