1) Hàn giáp mối từ một phía
Việc chuẩn bị mép hàn cần đơn giản nhất. Do đặc điểm của quá trình hàn, có thể hàn tự động một lớp không vát mép tới chiều dày tấm 20 mm. Việc tăng độ lớn khe đáy có thể khắc phục hiện tượng mối hàn lồi quá mức do dòng điện hàn cao.
Sử dụng đệm lót cần bảo đảm đủ lực ép của tấm đệm nhằm tạo dáng tốt mối hàn (đệm đồng: cho tấm mỏng đến 3 mm; đệm thuốc hàn: cho tấm 4 ÷ 8 mm).
Khi chiều dày s > 30 mm, có thể hàn một hoặc nhiều lớp. Hàn chiều lớp cho phép giảm cường độ dòng điện hàn và bảo đảm chiều sâu ngấu đủ lớn. Ngoài ra, hàn nhiều lớp thép hợp kim thấp dễ tôi có tác dụng ram vùng ảnh hưởng nhiệt của các lớp trước đó.
Khi hàn tấm mỏng, cần giảm năng lượng đường để chống cháy thủng (chọn cường độ hàn I nhỏ) nhưng cần chọn chế độ hàn bảo đảm chiều sâu ngấu h cần thiết là nhỏ nhất.
Chuẩn bị cạnh hàn và kích thước mối hàn giáp mối từ một phía: (xem phụ lục 1).
2) Hàn giáp mối từ hai phía
Kỹ thuật hàn giáp mối từ hai phía khác với chỉ hàn từ một phía. Mặt đáy có kích thước lớn hơn nhiều so với hàn hồ quang tay. Khe đáy thường rất nhỏ hoặc không có khe đáy. Lớp hàn đầu tiên không được ngấu toàn bộ mặt đáy (phần ngấu vào khoảng 2/3 giá trị mặt đáy). Sau đó quay ngược để hàn lớp đầu tiên từ phía ngược lại (phải ngấu phần chân đường hàn trước đó).
Nếu chỉ hàn một lớp từ mỗi phía, chiều sâu chảy lớp thứ hai gần bằng 2/3 chiều dày tấm.
Khuyết tật thường gặp: đường hàn bị lệch về một bên, do dẫn hướng dây hàn không chính giữa mối hàn, làm một phần mặt đáy không ngấu hết. Trình tự đặt các đường hàn từ hai phía nên xem xét quá trình hình thành biến dạng khi hàn sao cho biến dạng dư là nhỏ nhất.
Trình tự hàn: thường hàn từ 2 đến 4 đường hàn từ một bên, sau đó hàn với số lớp nhiều hơn ở phía ngược lại.
Cách chuẩn bị cạnh hàn và kích thước mối hàn liên kết giáp mối từ hai phía: (xem phụ lục 2).