ĐIỀU KHIỂN ĐỘNG CƠ KHÔNG ĐỒNG BỘ
3.1.2. Điều khiển vectơ động cơ không đồng bộ [4]
Động cơ không đồng bộ đã được sử dụng hàng trăm năm nay. So với động cơ điện một chiều, động cơ không đồng bộ có nhiều ưu điểm hơn về mặt cấu tạo, giá thành, độ tin cậy, tốc độ cực đại … Tuy nhiên việc điều khiển động cơ không đồng bộ phức tạp hơn nhiều khi ta so sánh với việc điều khiển động cơ điện một chiều. Mô hình động tổng quát của một động cơ không đồng bộ là một phương trình không gian trạng thái bậc sáu, đầu vào stato là điện áp và tần số, đầu ra có thể là tốc độ quay của rôto, vị trí rôto, momen điện từ, từ thông móc vòng của stato hay của rôto, từ thông từ hóa, dòng stato, dòng rôto …
Tương tự như động cơ đồng bộ, người ta cũng có thể sử dụng phương pháp điều khiển vectơ để điều khiển động cơ không đồng bộ. Chúng ta biết rằng nếu sử dụng hệ trục tọa độ gắn với vectơ không gian của từ thông từ hóa, từ thông stato hay từ thông rôto thì biểu thức xác định momen điện từ sẽ tương tự như biểu thức xác định momen điện từ của động cơ điện một chiều kích từ độc lập. Như vậy momen điện từ có thể được điền khiển bằng cách điều khiển riêng rẽ hai thành phần: thành phần tạo từ thông và thành phần tạo momen của dòng điện stato. Điều khiển vectơ có thể được thực hiện với cả hệ thống động cơ không đồng bộ - biến tần nguồn áp hoặc động cơ không đồng bộ - biến tần nguồn dòng lẫn động cơ không đồng bộ - biến tần trực tiếp. Bằng phương pháp điều khiển vectơ chúng ta có thể xây dựng được một hệ thống truyền động điện có chất lượng điều khiển rất cao ở cả bốn góc phần tư.
70
Các phương pháp điều khiển vectơ động cơ không đồng bộ:
- Điều khiển vectơ động cơ không đồng bộ tựa theo từ thông rôto
Mục đích của điều khiển vectơ tựa theo từ thông roto là điều khiển độc lập hai thành phần: thành phần tạo từ thông roto và thành phần tạo mô men Bộ biến đổi sử dụng trong phương pháp điều khiển này có thể là biến tần áp, nguồn dòng, biến tần trực tiếp hoặc bộ nối tầng.
- Điều khiển vectơ động cơ không đồng bộ tựa theo từ thông stato - Điều khiển vectơ động cơ không đồng bộ tựa theo từ thông từ hóa