Kỹ thuật OFDM

Một phần của tài liệu Mô hình mô phỏng hoạt động của hệ thống WiMAX (Trang 28 - 29)

2.2.1. Khái niệm

Kỹ thuật OFDM là kỹ thuật ghép kênh phân chia theo tần số trực giao (Orthogonal Frequency Division Multiplexing). Trong OFDM, chuỗi dữ liệu tới đầu phát thường có tốc độ rất cao. Dòng dữ liệu này được chia thành nhiều dòng dữ liệu song song tốc độ thấp hơn nhờ bộ chuyển đổi nối tiếp-song song (S/P). Mỗi dòng dữ liệu song song sau đó được điều chế bởi một sóng mang, các sóng mang này được chọn trực giao với nhau để đảm bảo có thể tách riêng từng luồng dữ liệu tại đầu thu. Kế đến các sóng mang này được tổng hợp lại và đưa lên tần số phát.

Hình 2.1. So sánh giữa FDM và OFDM

Số lượng các sóng mang con phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ rộng kênh và mức độ nhiễu. Con số này tương ứng với kích thước FFT. Chuẩn giao tiếp vô tuyến 802.16-2004 xác định 256 sóng mang con tương ứng FFT 256 điểm, hình thành chuẩn Fixed WiMAX, với độ rộng kênh cố định. Chuẩn giao tiếp 802.16-2005 cho phép kích cỡ FFT từ 512 đến 2048 phù hợp với độ rộng kênh 5MHz đến 20MHz, hình thành chuẩn Mobile WiMAX (Scalable OFDMA), để duy trì tương đối khoảng thời gian không đổi của các kí hiệu và khoảng dãn cách giữa các sóng mang với độ rộng kênh.

Có thể thấy rõ lợi ích của OFDM khi xét qua kênh truyền. Nếu luồng dữ liệu gốc được chuyển trực tiếp lên sóng mang và phát lên kênh truyền, thì băng thông rộng của tín hiệu phát sẽ bị tác động chọn lọc tần số. Bởi vì, khi tín hiệu truyền có băng thông rộng (do tốc độ bit cao), các tần số khác nhau sẽ có độ suy hao khác nhau khi truyền qua kênh truyền vô tuyến. Điều này dẫn đến việc khôi phục tín hiệu tại máy thu sẽ phức tạp, đòi hỏi phải có bộ cân bằng. Trong OFDM, luồng dữ liệu được tách thành N luồng dữ liệu tốc độ thấp, có băng thông hẹp. Do đó, khi truyền, các luồng dữ liệu này chịu Fading phẳng cùng độ.

Tại máy thu, luồng dữ liệu trước tiên được đưa về băng gốc bởi bộ trộn. Luồng dữ liệu này sau đó được tách ra thành N luồng dữ liệu tốc độ thấp, theo sau là bộ lọc thông thấp và bộ quyết định.

Một phần của tài liệu Mô hình mô phỏng hoạt động của hệ thống WiMAX (Trang 28 - 29)