Định nghĩa vỡ nợ( Default)

Một phần của tài liệu Hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng của NHNo & PTNT VN (Trang 48 - 49)

Trong lịch sử các mô hình rủi ro tín dụng đã được phát triển sử dụng vỡ nợ như là tiêu chí cho phá sản(Bankruptcy), bởi đây là những thông tin tưong đối rõ ràng mà chúng ta có thể quan sát được. Vì vậy, hiệp ước Basle II(2001) đã đưa ra định nghĩa tham khảo về vỡ nợ như sau:

Vỡ nợ được xem như sự kiện hay là sự cố liên quan đến những người vay. Khi ít nhất một trong các khả năng sau đây xảy ra.

- Người đi vay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn hoàn trả hay là tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, bao gồm vốn vay và lãi suất vay.

- Người đi vay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tín dụng khi quá hạn trên 90 ngày.

- Người đi vay yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc tương tự như bảo hộ từ phía ngưòi cho vay.

Ở Việt Nam hiện nay tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã vỡ nợ hoặc lâm vào tình trạng phá sản đã được quy định hợp lý hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành thủ tục phá sản.

Theo Điều 2 luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 và khoản 1, điều 3 Nghị định 189 thì doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản khi:

- Gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh;

- Thua lỗ trong hai năm liên tiếp đến mức không trả được các khoản nợ đến hạn, không trả đủ lương cho người lao động theo thoả ước lao động và hợp đồng lao động trong ba tháng liên tiếp;

- Đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Trong thực tiễn thi hành cho thấy điều kiện xác định tình trạng phá sản của doanh nghiệp như trên rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho việc mở thủ tục phá sản.

Nhằm khắc phục hạn chế này, Luật phá sản năm 2004 đã quy định theo hướng đơn giản hoá tiêu chí xác định tình trạng phá sản. Theo Điều 3 thì “ doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yếu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Như vậy, tiêu chí này đã được quy định đơn giản hơn trước, dễ thực hiện vì không căn cứ vào thời gian thua lỗ, nguyên nhân của tình trạng thua lỗ. Trong luận văn này chúng ta sẽ sử dụng tiêu chí này để làm cơ sở xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng của NHNo & PTNT VN (Trang 48 - 49)