B. Nguyên nhân:
3.2.4. Mở rộng điều kiện về tài sản đảm bảo
Thực tế cho thấy, số lượng các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng là rất ít. Phần lớn là do các DNVVN không thể đáp ứng được hết các điều kiện của ngân hàng trong đó có điều kiện về tài sản đảm bảo.
Về lý thuyết, ngân hàng xem tài sản đảm bảo là nguồn trả nợ thứ hai khi nguồn thứ nhất là thu nhập từ hoạt động kinh doanh không đảm bảo trả nợ. Thực tế cho thấy, hầu hết các ngân hàng khi cho vay đều quan tâm đến tài sản đảm bảo, coi
đó là điều kiện tiên quyết để ra quyết định có cho vay hay không. Tuy nhiên, do các DNVVN có vốn chủ sở hữu nhỏ, hoạt động kinh doanh còn mang tính nhỏ lẻ, vì vậy muốn được vay vốn, ngân hàng thường yêu cầu các DNVVN phải thế chấp một tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn để đảm bảo an toàn. Do đó, vô hình chung tài sản thế chấp trở thành điều kiện ngăn cản các DNVVN tìm đến vốn vay của ngân hàng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của chi nhánh trong những năm gần đây, có thể thấy chi nhánh đang phát triển cho vay không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, chỉ những khách hàng truyền thống, các DNVVN hoạt động kinh doanh có uy tín, hiệu quả cao trên thị trường mới được áp dụng hình thức này. Còn đối với DNVVN khác thì tài sản đảm bảo luôn là yêu cầu đầu tiên khi ngân hàng xem xét hồ sơ vay vốn.
Trong điều kiện nền kinh tế đang trên đà phát triển, các ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều, làm cho cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ngày càng gay gắt hơn. Vì vậy các chi nhánh cần phải có chính sách và biện pháp hợp lý để phát huy thế mạnh, thu hút khách hàng đến với mình.
Một trong những hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo được áp dụng phổ biến hiện nay là hình thức cho vay tín chấp. Đây là hình thức cho vay dựa trên uy tín và kết quả hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Hình thức này hiện nay chỉ được các ngân hàng áp dụng cho các khách hàng có quan hệ lâu năm và thân thiết với ngân hàng. Để mở rộng cho vay DNVVN, NHNo & PTNT chi nhánh Nam Hà nội có thể áp dụng hình thức cho vay này đối với các DNVVN. Tuy nhiên, để có thể cho vay được thì đòi hỏi các DNVVN phải cam kết về mục đích sử dụng, phải cung cấp đầy đủ số liệu thực tế chứng minh tình hình tài chính của mình là lành mạnh, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định trên thị trường. Bên cạnh đó, cần có một tổ chức có uy tín đứng ra bảo lãnh cho DNVVN đảm bảo trả nợ thay doanh nghiệp khi doanh nghiệp không trả được nợ. Sự ra đời của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNVVN chính là cơ sở cho việc phát triển hình thức cho vay tín chấp, mở ra giải pháp thúc đẩy mở rộng cho vay DNVVN.