Kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam

Một phần của tài liệu Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát (Trang 79 - 81)

b) Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

2.3.3. Kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn, chỉ áp dụng đối với người đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố bị can. Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp bị khởi tố bị can đều bị áp dụng biện pháp tạm giam, mà việc áp dụng biện pháp tạm giam phải có cắn cứ theo quy định của BLTTHS. Trong giai đoạn điều tra, việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT đều chịu sự kiểm sát chặt chẽ của VKS thông qua quyền phê chuẩn của VKS, "Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 62 BLTTHS này phải được Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành" (Điều 70 khoản 3). Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp tạm giam được thực hiện chủ yếu thông qua phương pháp gián tiếp bằng việc nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu liên quan đến việc đề nghị áp dụng biện pháp tạm giam mà CQĐT chuyển cho VKS. Trong thời hạn nhất định VKS phải quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định tạm giam của CQĐT, "…trong thời hạn không quá ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện trưởng VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn" (Điều 70 khoản 3 BLTTHS). Nội dung chủ yếu mà VKS hướng tới khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam là kiểm tra tính có căn cứ. Cơ sở pháp lý để VKS dựa vào để thực hiện hoạt động kiểm sát là các căn cứ được quy định tại Điều 70 BLTTHS, ngoài ra đối với người chưa thành niên phạm tội việc

quyết định áp dụng biện pháp tạm giam còn phải căn cứ quy định tại Điều 273 BLTTHS. Qua hoạt động kiểm sát, VKS xét thấy việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT là có căn cứ theo luật định thì ra quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam của CQĐT, ngược lại xét thấy việc tạm giam là không có căn cứ và không cần thiết thì VKS kiên quyết không phê chuẩn lệnh tạm giam, để tránh trường hợp lạm dụng trong việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT.

Ngoài quy định về căn cứ được áp dụng biện pháp tạm giam, BLTTHS còn quy định các căn cứ không được áp dụng tạm giam tại khoản 2 Điều 70, trong đó quy định: "Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam và áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Trừ trường hợp đặc biệt", đây là một quy định thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, nhằm tạo cho những đối tượng là phụ nữ có thai, người già yếu... những điều kiện để chăm sóc về mặt sức khỏe cũng như về mặt tinh thần. Mặc dù vậy, trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm có không ít những đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo đó để cố ý tiếp tục vi phạm pháp luật hình sự, do vậy trong lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 1988 nhà làm luật đã thể hiện quan điểm kết hợp hài hòa giữa nhân đạo Xã hội chủ nghĩa với yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, khoan hồng đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh nặng, nhưng cũng phải kiên quyết tạm thời cách ly những đối tượng trên ra khỏi xã hội khi họ cố ý vi phạm pháp luật để bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, phục vụ điều tra, xử lý vụ án được nhanh chóng, kịp thời, nên Khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2003 có quy định: "Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam, trừ những trường hợp sau đây:

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử.

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia".

Như vậy, tính có căn cứ là nội dung quan trọng mà VKS cần kiểm sát chặt chẽ khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT, làm được tốt công tác này sẽ hạn chế tình trạng tạm giam không có căn cứ vi phạm pháp luật của CQĐT và cũng để tránh những trường hợp bị can bị tạm giam sau đó phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội hoặc Tòa án xét xử tuyên không phạm tội.

Bên cạnh nội dung kiểm tra tính có căn cứ, trong hoạt động kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam, VKS còn chú ý kiểm sát việc ra hạn tạm giam bị can trong giai đoạn điều tra. VKS phải đảm bảo việc tạm giam phải đúng thời hạn theo quy định tại Điều 71 BLTTHS, trong trường hợp phải ra hạn tạm giam thì VKS xem xét quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền do BLTTHS quy định.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, VKS có trách nhiệm quyết định trong việc tạm giam. Lệnh tạm giam của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT các cấp phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Ngoài thẩm quyền phê chuẩn lệnh tạm giam, VKS còn phê chuẩn việc gia hạn tạm giam của CQĐT. Tất cả những quyền hạn trên thể hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam của VKS đảm bảo việc tạm giam đúng người và đúng pháp.

Một phần của tài liệu Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát (Trang 79 - 81)