TẠI NGÂN HÀNG HABUBANK
2.3.3. Đào tạo và tuyển chọn về cán bộ thẩm định
Trong các nhân tố ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư thì yếu tố con người chiếm vị trí quan trọng nhất, chi phối hầu hết các kết quả thẩm định. Bởi con người là chủ thể tiến hành thẩm định dựa trên các cơ sở nền tảng khoa học cùng với kinh nghiệm vốn có của mình để tiến hành kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu về tình hình tài chính của doanh nghiệp sau đó dựa vào tư duy chủ quan của mình để tiến hành ra quyết định chấp nhận hay loại bỏ dự án. Do vậy, muốn nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ thẩm định cả về số lượng lẫn chất lượng.
Cán bộ thẩm định dự án phải nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc thẩm định tài chính dự án. Bên cạnh đó phải có một tư duy mới đó là trong thẩm định tài chính dự án thì tình hình tài chính doanh nghiệp phải đóng vai trò nền tảng còn hiệu quả tài chính dự án phải là yếu tố quyết định đến việc ngân hàng có đồng ý tài trợ cho dự án hay không. Điều này mang lại cho doanh nghiệp cơ hội để thực hiện các dự án khả thi đồng thời đảm bảo an toàn vốn vay của ngân hàng.
Cán bộ thẩm định cần phải có trình độ, được đào tạo một cách bài bản, chính quy đồng thời phải có những kiến thức cơ bản về nền kinh tế thị trường nhất là trong quá trình hội nhập của nước ta hiện nay, về hoạt động Ngân hàng tài chính, đặc biệt phải có kiến thức chuyên sâu về tài chính doanh nghiệp, thẩm định dự án, khả năng phân tích các chỉ tiêu, chỉ số tài chính, nắm bắt được vai trò ý nghĩa của từng chỉ tiêu và có những kiến thức, phương pháp thẩm định tài chính hiện đại để ứng dụng vào thực tế của từng dự án. Và phải có kỹ năng phân tích đánh giá một cách tổng hợp, nhạy bén, các cán bộ thẩm định phải sử dụng máy tính, các phần mềm hỗ trợ hiện đại vào phục vụ cho công tác thẩm định tài chính dự án.
Cán bộ thẩm định cần phải được thâm nhập thực tế, dành nhiều thời gian tiếp cận doanh nghiệp, trực tiếp tham gia giám sát, theo dõi và quản lý tài chính dự án của khách hàng, có kinh nghiệp chuyên sâu về một số ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách.
Cán bộ thẩm định cần phải có phẩm chất đạo đức, trung thực, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, làm việc một cách có hiệu quả.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu trên, các giải pháp nhằm nâng cao trình độ thẩm định của cán bộ được đưa ra là:
- Về tuyển dụng: được tổ chức công khai, đảm bảo lựa chọn những người có năng lực và phẩm chất tốt, có trình độ và khả năng làm việc ở vị trí của một cán bộ thẩm định. Cần phải có thời gian thử việc để kiểm tra khả năng ứng dụng các kiến thức vào thực tế.
- Về tổ chức đào tạo:
Tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng liên quan đến nghiệp vụ thẩm định, các khoá học phổ biến các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của nhà nước, ngành, địa phương nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ thẩm định, giúp cho các quyết định đưa ra được chính xác hơn và rút ngắn được thời gian thẩm định. Cùng với việc tổ chức các lớp học đào tạo, phổ biến kiến thức trên, Ngân hàng cần chú trọng việc tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khoá học trên, khuyến khích các phong trào tự học, tự nghiên cứu. Hỗ trợ vật chất cho các cán bộ thẩm định theo học các lớp đại học và sau đại học, có khen thưởng xứng đáng đối với các đề tài nghiên cứu có ứng dụng cao trong thực tế.
Có chính sách thu hút các chuyên gia giỏi thẩm định về làm việc; với những cán bộ của Ngân hàng có chuyên môn cao, có các thành tích trong việc tìm tòi nghiên cứu phải có chính sách khen thưởng động viên kịp thời, sắp xếp các công việc chức vụ hợp lý để họ cống hiến hết mình. Có hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, nhân viên có sai phạm nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Ngân hàng nên hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu kinh tế làm tư vấn cho công tác thẩm định.