II- CÁC GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ ĐỂ DTBD HỆ THỐNG GTVT ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM
1. Nhóm giải pháp huy động vốn
1.5. Một số biện pháp, hình thức huy động vốn khác
Ngoài các cách thức huy động nguồn vốn nêu trên, có thể thu hút vốn bằng hình thức hợp tác đầu tư giữa nhà nước và trong lĩnh vực thu phí. Nhà nước có thể lựa chọn những tuyến đường, những cây cầu do nhà nước bỏ vốn đầu tư trên các tuyến quốc lộ có lưu lượng vận tải hành khách và hàng hóa lớn, thực hiện khoán thu, chuyển giao quyền quản lý, khai thác tuyến đường đó cho các doanh nghiệp, các công ty tư nhân trong một thời gian nhất định. Việc chuyển giao này cần được tính toán kỹ lưỡng về quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Trong hợp đồng chuyển giao quyền khai thác, quản lý phải quy định rõ mức khung phí được phép thu, thời gian khai thác, … giúp nhà nước thu hồi nhanh một phần vốn để đầu tư dự án cầu đường mới. Như vậy sẽ bớt được một phần gánh nặng trách nhiệm của ngân sách nhà nước chi cho quản lý hệ thống cầu đường, dành phần vốn đó tập trung đầu tư các công trình khác.
Việc huy động đóng góp nghĩa vụ và đề cao tính tự nguyện của nhân dân theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm để đầu tư phát triển các tuyến đường địa phương (đường liên xã, đường huyện, tỉnh lộ) cũng là một giải pháp quan trọng để giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước co
các tuyến đường này, từ đó tập trung vốn để ngân sách Trung ương có thể đầu tư cho các công trình cầu đường quốc lộ quan trọng. Theo hình thức này, ngoài việc đóng góp nghĩa vụ lao động công ích hàng năm, nhân dân còn tự nguyện đóng góp tiền vật liệu cũng như ngày công lao động để xây dựng hoặc bảo dưỡng các tuyến đường ở địa phương mình. Để thực hiện biện pháp này thì cần thực hiện tốt công khai, minh bạch về tài chính trong việc huy động và sử dụng tiền đóng góp và cũng như phải có cơ chế cử đại diện của nhân dân tham gia quản lý, giám sát việc thi công công trình.
Một nguồn vốn mà tiềm năng khá dồi dào có thể thu hút để đầu tư phát triển hệ thống cầu đường quốc lộ, đó là khai thác các khoản thu đặc biệt từ đất để bổ sung vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng như thu tiền chênh lệch giá đất do việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Hình thức đổi đất lấy hạ tầng được thực hiện một số diện tích đất dọc đường giao thông theo giá đất trước khi tuyến đường được xây dựng. Các doanh nghiệp được phép sử dụng quỹ đất đó để kinh doanh bất động sản hoặc cho thuê lại. Số tiền thu về được đầu tư cho việc xây dựng các công trình cầu đường. Để thực hiện tốt chủ trương này, cần phải có quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống đường quốc lộ, từ đó có biện pháp cắm mốc chỉ giới, giải tỏa dứt điểm các hộ nằm trong chỉ giới quy hoạch, như vậy có thể giảm thiểu chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khi mở rộng các tuyến đường cũ, xây dựng các tuyến quốc lộ mới.