Người kể chuyện hay cái tôi chủ thể của nhà văn

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 52 - 54)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

3.4.Người kể chuyện hay cái tôi chủ thể của nhà văn

Trong một tác phẩm văn học, người kể chuyện không chỉ là người dẫn dắt câu chuyện mà nhiều khi người kể chuyện còn tham gia trực tiếp vào diễn biến của cốt truyện, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của truyện. “Hình tượng người kể chuyện đem lại cho tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý ngôn ngữ, hay lập trường xã hội cho cái nhìn tác giả, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống trong tác phẩm thêm phong phú, nhiều phối cảnh” [8,221].

Trong thể du ký, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Và cũng chỉ có một người kể chuyện duy nhất, đó chính là tác giả. Trong các tác phẩm ấy, người kể chuyện hay nhà văn luôn tự xưng là “tôi”, “chúng tôi” hoặc là “ký giả”. Du ký là những câu chuyện có thật, là những chuyến du lịch, những cuộc hành trình của chính người đi thuật lại. Bởi vậy, toàn bộ câu chuyện sẽ được nhìn nhận và đánh giá qua con mắt của các nhà du ký.

Để những bài du ký mang đúng giá trị chân thực của nó, bắt buộc tác giả phải tôn trọng yếu tố khách quan. Đó là toàn bộ những sự kiện, những điều mắt thấy tai nghe được tác giả trần thuật lại. Tuy nhiên, nếu một bài du ký chỉ đơn thuần là sự thuật lại hiện thực thì nó sẽ không còn giá trị văn chương. Sử dụng lối kể chuyện ở ngôi thứ nhất, cho phép nhà văn ngoài việc trần thuật khách quan còn có thể nói lên tiếng nói chủ quan của mình. Đó là những lời luận bàn, đánh giá, đôi khi lại là những phút trải lòng của chính tác giả.

Phạm Quỳnh - một cây bút du ký tài năng bởi ông biết cách kể chuyện có duyên, trong các bài viết của mình, ông luôn đưa ra những nhận xét, những luận bàn tinh tế. Trong Mười ngày ở Huế, khi giới thiệu cho bạn đọc về kinh đô Huế, tác giả đã nhận xét: “Cái khí vị của phong cảnh Huế không phải là cái khí vị hùng tráng, mà là cái khí vị mỹ diệu; cảnh Huế xinh mà đẹp, không phải là hùng mà cường, đáng yêu mà không phải là đáng sợ, có thi vị mà không phải là có khí

tượng” [29,39]. Lời đánh giá ấy của nhà văn phần nào đã giúp người đọc thêm cảm, thêm yêu xứ Huế mộng mơ. Trong bài Trẩy chùa Hương, trước khi đưa người đọc thăm thú đất Phật, Phạm Quỳnh cũng đã có cũng có những trang viết luận bàn về tôn giáo: “Bể khổ mênh mông, bè từ trôi nổi; bến mê man mác, bờ giác tịt mù. Ở đời là khổ, làm người là lầm, dẫu đạo nào từ xưa tới nay cũng dạy như thế, chỉ khác nhau ở cái phương pháp đặt ra để giải lầm, để thoát khổ mà thôi” [q3 81]. Bàn về các tín ngưỡng, những Thánh, Thần tối cao và Phạm Quỳnh cho rằng: “Thật hay hư, hư hay thật, sắc không, không sắc, biết đâu? Chỉ biết có thời tấm lòng an ủi, không thời tất dạ băn khoăn. Bởi thế nên sinh ra các tôn giáo, bởi thế nên dựng ra các đền chùa. Lấy cái tư tưởng hẹp hòi của nhiều người thời cho là những sự mê tín vô ích, nhưng cứ cái nguyên lý sâu xa trong tâm tính thời phạm sự lễ bái là chánh đường cả, vì có cái ý nghĩa thiết tha” [31,82].

Đọc du ký, ngoài việc thưởng thức những cái hay, cái đẹp của cảnh vật non sông, của lịch sử văn hóa, mà đôi khi độc giả còn được hiểu hơn về con người nhà văn với những tâm tư, tình cảm chân thành nhất mà họ bộc lộ trong tác phẩm. Nói như nhà nghiên cứu Phong Lê thì: “Mỗi du ký, xen với việc kể, tả thế nào cũng có những suy nghĩ về xưa và nay, về người và ta, qua đó gửi gắm khát vọng thay đổi đất nước” [16,4].

Nữ tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa trong Ba nà du ký, sau những phút giây thả mình trong thiên nhiên đất trời, đã không khỏi băn khoăn, suy tư: “Ngồi trước hiên nhìn nước chảy giọt mưa sa, gió hiu hiu thổi la đà cành thông. Mình ở non tiên, thương ai trần thế, cùng một buổi này lửa hạn nấu nung, lò cứ hun đúc, những ai ai còn miệt mài trong đám lợi danh, đắm đuối vào trường vinh nhục, thì giọt nước cam lộ cành dương sao tưới khắp!...” [30,61].

Hay như tác giả Tùng Vân trong Cuộc đi chơi năm tầng núi cũng đã có trăn trở rất chân thành về nhân sinh, về con người trong cuộc đời muốn sẻ chia với bạn đọc: “Ký giả nhân nhớ đến câu: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Sẽ biết người xưa đã có những lời rất cảm khái, rất ly

kỳ, để lại cho ta đó. Than ôi! Trong cuộc đời cái vinh, cái nhục, cái tròn, cái khuyết, cái khen, cái chê, cái thua, cái được, cái ông, cái thằng, khác nào như người trong chớp bóng, sự trong chiêm bao, kiếp người lúc ấy nghĩ mà buồn tênh, tức mình mà bảo rằng xin chớ làm người nữa… Ôi! Muốn làm người thì chớ, đã không muốn làm người, thì làm cây thông là hơn, làm cây thông đứng giữa trời mà reo, khiến cho còn vận sự là hơn” [30,100].

Phạm Quỳnh sau chuyến du lịch ở Paris, khi trở về nước ông cũng đã có những tâm sự rất xúc động: “Không! Chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng không phải sở đắc như thế, sở đắc được một điều: là được sáng mắt thêm ra, biết cái chân tình thế trong thiên hạ, biết cái chân giá trị của người ta, biết cái gì là cao, cái gì là sang, cái gì là trọng, cái gì là quý… chứ không phải là sở đắc cái hư vinh gì để huyễn diệu bà con” [29,362-363] (Thuật chuyện du lịch ở Paris).

Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất hay cũng chính là tác giả là một trong những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của thể du ký nói riêng, thể loại ký nói chung. Với đặc trưng nghệ thuật ấy, nhà văn bên cạnh việc trần thuật hiện thực khách quan, vẫn có thể nói lên tiếng nói chủ quan của mình. Các tác phẩm du ký cũng nhờ đó mà đậm chất trữ tình và trở nên sinh động, cuốn hút hơn đối với người đọc.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 52 - 54)