5. Những động hình ngôn ngữ mới trong thơ
5.4. “Ngôn ngữ thân thể” trong thơ
Nếu như việc miêu tả những yếu tố tính dục trong thơ sau 1975 ở giai đoạn đầu được coi là dấu hiệu cởi mở để phá bỏ cấm kị thì ở những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI việc miêu tả tính dục được đẩy lên đến mức nhiều người coi đó là quá trình “sinh dục hoá thơ ca”. Nhiều cây bút không những nói đến các bộ phận thân thể mà còn diễn tả các hành vi tính giao một cách “hiện thật” như thơ của nhóm Mở miệng hoặc Dự báo phi thời tiết của nhóm Ngựa trời Sài Gòn. Thực tế này khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn trong việc định danh. Đây cũng là loại thơ làm phân rã người đọc sâu sắc, trong đó sự phản ứng thuộc về số đông. Tôi nghĩ, sự phản ứng trên đây có lý ở chỗ, nếu quan niệm rằng thơ chỉ cốt miêu tả tính dục và coi sex như một hình thức cao nhất để giải phóng tinh thần và như một phương diện để chứng minh tính hiện đại trong nghệ thuật là điều bất ổn. Ngay cả học thuyết Freud từ khi ra đời đến nay cũng đã có nhiều thay đổi và cấu trúc tâm lý ba tầng của ông cũng được nhìn nhận sâu hơn dưới ánh sáng của tinh thần nhân bản. Vì thế, nếu viết về sex và những vấn đề tính dục một cách hợp lý thì sẽ tạo nên khoái cảm thẩm mĩ (bản thân sex cũng được coi là hình thức xả stress hiệu nghiệm trong đời sống hậu công nghiệp) nhưng nếu quá đà tất sẽ trượt sang phản cảm. Đáng tiếc là loại ngôn ngữ thân thể này đang bị lạm dụng và bị nhầm tưởng đó là thứ nghệ thuật tiền phong chủ nghĩa. Ngay cả Trung Quốc hiện nay, loại ngôn ngữ thân xác này cũng không còn được chào đón như cách đây khoảng mười năm về trước. Đây là một thông số đáng để các nhà “tiền phong” nói riêng và các nhà thơ của chúng ta suy ngẫm để có những cách thức biểu đạt giàu tính nghệ thuật và giàu tính nhân văn hơn khi viết về sex và sử dụng có hiệu quả ngôn ngữ thân xác(3).
Tóm lại, trong hơn ba mươi năm qua tính từ thời điểm sau 1975, thơ ca Việt Nam đã đi được một đoạn đường dài trên con đường hiện đại hóa, hội nhập với thơ ca nhân loại. Nhưng thơ đang ngày càng ít người đọc hơn. Điều đó trước hết do thời thế: sự bành trướng của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn khiến văn hóa đọc bị thu hẹp, văn xuôi trở thành loại hình nghệ thuật chủ đạo trong đời sống văn học… Song có lẽ nguyên nhân quan trọng lại là ở chỗ: trong khi thơ bùng nổ về số lượng thì lại sút giảm về chất lượng, trong khi đó ở lĩnh vực nghệ thuật, sự thịnh/ suy của mỗi một thời đại văn chương lại luôn luôn phụ thuộc vào chất lượng.
Để giải được bài toán này, không ai khác, nhà thơ chính là người đóng vai trò quan trọng nhất./.
______________
(1) Cái nhìn “giải thiêng” là dấu hiệu quan trọng thể hiện tính dân chủ trong đời sống tinh thần. Không còn có những giá trị quyền uy mang tính toàn trị mà thay vào đó là suy ngẫm về trạng thái nhân thế từ cái nhìn đậm chất nhân văn. Tuy nhiên, không nên hiểu đơn giản rằng “giải thiêng” đồng nghĩa với việc đạp đổ những thần tượng, những giá trị truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức dân tộc mà phải hiểu nó như là nỗ lực xác lập những hệ tiêu chí mới để tất cả “những gì thuộc về con người không xa lạ đối với tôi” (Marx). (2) Vấn đề này chúng tôi đã có lần đề cập đến trong bài viết Sự vận động của thơ ca Việt Nam thế kỷ XX - nhìn từ phương diện giọng điệu văn chương, trong sách Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002.
(3) Loại ngôn ngữ thân thể này thể hiện rõ nhất trong sáng tác của nhiều nhà thơ trẻ, những người có tinh thần nổi loạn và ám ảnh bởi nghệ thuật hậu hiện đại.
Xu hướng nhìn nhận lại một số hiện tượng văn chương thời kỳ đầu Đổi mới
1.1. Thế kỷ XX đã khép lại. Việc nhận diện, và cùng với điều đó là việc thẩm định lại các giá trị văn chương thế kỷ vừa qua là nhu cầu nhận thức nội tại, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn rõ rệt. Đối với văn chương, văn học và cả đối với việc dạy văn ở các cấp học.
Giữa dòng chảy liên tục, sôi động của một thế kỷ văn chương, giai đoạn 1975 – 2000 giữ một vị trí nổi bật.Văn chương dân tộc chuyển mình rõ rệt theo xu hướng hiện đại, nhanh chóng hòa nhập với văn chương khu vực và nhân loại. Công cuộc Đổi mới chính là trung tâm của đời sống xã hội, và nói riêng là của đời sống văn chương. Nó vừa là căn nguyên vừa là diện mạo, vừa là động lực vừa là khởi phát, làm nên linh hồn của cả giai đoạn văn chương nóng hổi tính hiện đại này.
Nhiều nhà nghiên cứu thường lấy năm 1986 – năm tổ chức Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam Lần thứ VI, làm điểm mốc của Thời kỳ Đổi mới. Thật ra, trong văn chương, dấu hiệu của cuộc cách tân được khởi lộ trước đó khá lâu, trong cả sáng tác và lý luận, phê bình. Có thể xem các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu và một số tiểu luận của Hoàng Ngọc Hiến xuất hiện vào những năm cuối của thập niên 70 và đầu thập niên 80 là những minh chứng tiêu biểu.
1.2. Bản thân khái niệm đổi mới đã hàm nghĩa khác biệt – khác biệt với cái cũ kỹ, lỗi thời trước đó. Bởi vậy, đổi mới bao giờ cũng đi cùng với sự vượt thóat khỏi giới hạn của cái cũ, từ tinh thần đến ngoại hiện. Muốn thế, không thể không nhận ra cái cũ ấy ra sao ? ở đâu? Rồi thái độ cần có trước cái cũ nên thế nào? Tất phải diễn ra sự đụng độ giữa những quan niệm bị chi phối bởi những cách nhìn khác nhau, kể cả đối nghịch nhau. Chưa khi nào cái thật và cái giả, cái tiến bộ và cái lạc hậu lại va đập mạnh như khi đó. Không phải ở đâu mọi cái thật và cái tiến bộ cũng đều tỏ rõ ưu thắng, nhưng khi đó, hầu như chúng luôn giữ ưu thế. Và, thật dễ hiểu khi mà cái giả, cái lạc hậu thường quanh co, đưa đẩy, lẩn tránh.
Xuất hiện khá sớm trong đời sống văn chương và văn học là xu thế nhìn nhận lại giá trị một số tác giả, tác phẩm, trào lưu được xem là có vấn đề trước đó. Công việc thuộc về những nghệ sỹ, những nhà văn học can trường, giàu tâm huyết và nhạy bén. Việc trả lại vị trí xứng đáng cho văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng là một ví dụ điển hình. Ngay từ năm 1970, trong cuốn hồi ký văn chương Bước đường viết văn của tôi, nhà văn Nguyên Hồng đã kể lại thái độ cảm tình đặc biệt của tài nănh văn chương họ Vũ đối với cách mạng và văn học cách mạng như thế nào. Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong tập sách Đời viết văn của tôi, năm 1971, đã nhận thấy sự đối xử bất công đối với Vũ Trọng Phụng. Nhà văn phản bác bằng một nhân xét thẳng thắn của người trong cuộc: “Ngày Vũ Trọng Phụng còn sống, tôi chưa nghe nói anh làm mật thám bao giờ” (tr.392). Sau đó ít năm, Chế Lan Viên trong Lời giới thiệu tuyển tập Bài thơ Thôn Vĩ cũng đã qua những gì các nhà văn trọng sự thật khác xác nhận để góp phần biện minh cho phẩm cách trong sạch và ngay thẳng của nhà văn truân chuyên họ Vũ: “May mà Lưu Trọng Lư, Đồ Phồn đã từng sống cái năm đó, tháng đó, với Vũ, chứng minh rằng Vũ rất trong sạch , rất nghèo, không đệ tứ, cũng chả phòng nhì, nhiều lúc chỉ mong một bữa ăn ngon không có” (tr.9). Phía sau ngôn từ là lòng cảm thông cho những số phận long đong của những tài năng không may mắn .
1.3. Việc nhìn nhận lại văn chương quá khứ thấm nhuần tinh thần trọng sự thật của Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào thời ấy, công lý được đề cao hơn, công bằng được quan tâm nhiều hơn, và công tâm luôn được đặt ra và luôn được thử thách . Muốn thế, ngoài lương tri, còn đòi hỏi lòng can đảm - can đảm nói thẳng những điều mình tin, và can đảm đấu tranh cho sự thật và lẽ phải cần bảo vệ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều hội thảo, hội nghị văn học mở ra ở khắp trong Nam ngòai Bắc, trên mặt báo cũng như ngoài đời sống. Xem ra, người trong và ngoài giới đều quan tâm, đặc biệt là đều muốn tỏ bày chủ kiến và thái độ.
Luồng gió phản tư từ đời sống văn chương trong Cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là từ Liên Xô thổi tới, làm bùng lên không khí dân chủ cởi mở trong nước. Người ta nói nhiều tới số phận trầm luân của một số nhà văn như Bungacôv, Platônôv… Nhất là di sản của Paxtêcnắc. Trong tính lãng mạn bột phát buổi đầu, nhiều người thậm chí đồng nhất việc đề cao những hiện tượng trên với xu hướng đổi mới. Nếu không thế, lập tức bị họ xem là xa lạ, lạc lõng. Họ đồng thời
trông chờ những giá trị quá khứ từng bị xuyên tạc hoặc che khuất bởi một nguyên do nào đó sẽ phát lộ giữa quê nhà. Cứ như một phép màu kỳ diệu!
Thật ra, xu hướng nhìn lại trước hết bắt nguồn từ chính nhu cầu phát triển văn chương đương đại của dân tộc. Ở đây, cần nhấn mạnh tới ý thức tự phản tỉnh của một số nghệ sỹ. Có trường hợp khá dứt khoát quyết liệt, tựa như một cuộc tính sổ song phẳng. Đó là trạng huống của một số nhà văn, nhà thơ thành danh một thời. Chẳng mấy ai quên lời tuyên bố không hề úp mở của Nguyễn Khải – tác giả Tầm nhìn xa nổi tiếng, tại Bàn tròn Báo Văn nghệ ngày 28/01/1988: “Cả một mảng viết về nông nghiệp của tôi bị bỏ đi”. Được lưu truyền rộng rãi không kém còn phải kể tới bài Trừ đi rút ra từ di cảo của Chế Lan Viên. “Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình” là ý tưởng chính của cả bài thơ. Phải thừa nhận là trong cuộc tự thanh toán, quyết đọan tuyệt với những cái dở, cái lệch một thời ở mình, không phải không nhận ra nỗi day dứt, xót xa. Quý là ở thái độ, tuy cái nhìn đây đó không khỏi cực đoan. Cũng có thể hiểu được. Người nghệ sỹ với trái tim thành thật, đôi khi quá đa cảm đã phần nào tạo nên sự cảm thông trong lòng người khác.
2.1. Để đánh giá lại một số hiện tượng văn chương trong những giai đoạn trước, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo văn học được tổ chức, thu hút hàng trăm nhà văn, nhà khoa học, nhà quản lý văn nghệ. Tiêu biểu như cuộc Hội thảo về Vũ Trọng Phụng diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 12 năm/1987, cuộc Hội thảo về văn chươngTự lực văn đoàn tổ chức ngày 27 tháng 5 năm 1987 tại Hà Nội… Trong không khí đó, nhiều chuyên luận, chuyên đề, chuyên san đã xuất hiện, có thể kể tới Thơ mới, những bước thăng trầm (1988) của Lê Đình Kỵ, Tự lực văn đoàn – con người và văn chương (1990) của Phan Cự Đệ. Nổi bật là tập Nhìn nhận lại một số hiện tượng văn học, chuyên san của Báo Người giáo viên Nhân dân, ra tháng 7 năm 1989.
Nhiều hiện tượng văn chương bị coi là có nghi án được bước đầu giải tỏa. Giai đọan văn chương, có 1930 – 1945; trào lưu văn chương, có Thơ mới và Tự lực văn đoàn; phương pháp sáng tác, có chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; tác giả, có Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thạch Lam, Hồ Dzếnh… Nhiều nhất là các tác phẩm. Thời trước 1945 có: Lửa thiêng, Số đỏ, Vang bóng một thời…; thời Kháng chiến chống thực dân Pháp có: Tây tiến, Bên kia sông Đuống, Màu tím hoa sim…; giai đọan sau hòa bình có: Vào đời, Đống rác cũ, Mười năm …
Sắc thái, mức độ nhìn nhận, đánh giá có phần khác nhau. Nhiều trường hợp xem xét lại, cũng nhiều trường hợp soi tỏ thêm. Có hiện tượng, ý kiến đánh giá tương đối thống nhất, như văn nghiệp của Thạch Lam hay Vang bong một thời… Nhưng, thường là những nhận định ngược chiều so với các đánh giá trước đây. 2.2. Nhìn đại thể, những ý kiến trao đổi, tranh luận có chừng mực, nói mặt này mà không quên mặt khác. Chẳng hạn , nhà văn Tô Hoài xác định: “Không nên trước nặng về chê và bây giờ lại quá khen”. Ông nhắn nhủ người cũng là để thêm một lần
nhắc nhở mình. Ý hướng đãi cát tìm vàng gần như được nhiều người tham gia thảo luận tuân thủ. Phương pháp lịch sử - cụ thể cũng được không ít người có ý thức quán triệt. Câu nói chí lý của Lênin lại được nhắc lại : Người ta đánh giá công lao những nhân vật lịch sử không phải căn cứ vào cái gì mà họ chưa làm được so với yêu cầu của thời đại, mà phải căn cứ vào cái mà họ đã làm được so với các bậc tiền bối của họ.
Một số nhà văn, nhà thơ có xu hướng gắn sự nhìn nhận lại với những hồi ức thường ấm áp, đẹp đẽ về đối tượng thảo luận. Đó cũng là cách bộc lộ quan niệm của người nghệ sỹ. Nó có sức thuyết phục riêng, đôi khi không phải phải là nhỏ. Chẳng hạn, nhà văn Nguyễn Văn Bổng kể về kỷ niệm một thời với sách báo của Tự lực văn đoàn: “Họ đã cho chúng tôi thấy văn chương là việc đúng đắn, sang trọng, gợi cho nhiều người ước muốn lấy nó làm lý tưởng cho đời mình”.
2.3. Trong nhiều vấn đề cần xem xét lại, nổi lên là những vấn đề thuộc nội dung, đặc biệt là nội dung tư tưởng. Viết về bài thơ Tây tiến của Quang Dũng, Trần Lê Văn lưu ý: “Đã có lúc có người cho rằng bài “Tây tiến” không có tác dụng tích cực vì nó buồn, nó nói đậm đến cái gian khổ, cái tổn thất . Nó làm nhụt nhuệ khí”. Cuốn Vào đời của Hà Minh Tuân cũng vậy. Nguyễn Văn Lưu nhắc nhở: “Chẳng thế mà ngày ấy có nhà phê bình văn học lớn tiếng phê phán “Vào đời” đã chống lại chuyên chính vô sản”. Nhiều ý kiến không chỉ phân tích mà còn gắng lý giải những quan niệm bất cập, bất công với quá khứ. Không ít lời giải thích có tầm bao quát khá rộng, như nhận định của Nguyễn Khắc Xương về Vấn đề Tản Đà dưới ánh sang tư duy mới. Ông viết: “Vấn đề trung tâm của hiện tượng Tản Đà là vị trí Tản Đà trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động, chứa chất nhiều mâu thuẫn, thời kỳ “ trở dạ” có ý nghĩa quyết định đối với văn hóa dân tộc”. Nhiều ý kiến gợi mở những định hướng nghiên cứu theo yêu cầu hiện đại và khoa học đích thực, như câu trích dẫn lời Xuân Diệu trong bài Tự lực văn đoàn của nhà nghiên cứu Trương Chính: “Trong nền văn học của các dân tộc, nằm chung trong lịch sử văn hóa nhân loại – khi “cái tôi” bắt đầu tự ý thức là có mình thì, khái niệm có phần cũng tương tự như khi một em thiếu niên , đồng thời với sự dậy thì, thời trong tâm tình em ấy từ trạng thái hồn nhiên vô tâm, chuyển sang tự giác, tự ý thức, tự biết là mình…”
2.4. Một vài tác giả, tác phẩm liên quan tới Nhân văn Giai phẩm xảy ra vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước thực tế có được chiêu tuyết. Đáng nói là nhìn chung cả vụ việc đều hầu như còn bị xem là một vùng đất cấm, người thì lờ đi, người thì né tránh. Cách nào cũng rất chủ động. Có lẽ mọi người đều xem đây là vấn đề chính trị hơn là vấn đề văn chương, lại là vấn đề chính trị đặc biệt nhạy