Nhóm giải pháp xử lý rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 59 - 63)

II. Thực trạng hoạt động tín dụng và rủi ro tín dụng tại Sở

2. Nhóm giải pháp xử lý rủi ro tín dụng

Bên cạnh những giải pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng thì việc xử lý những rủi ro thực tế đã xảy ra cũng là một vấn đề rất bức thiết đối với các Ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nói riêng. Qua phân tích tình hình rủi ro tín dụng tại Sở ở chương II cho thấy, số nợ quá hạn thông thường cũng như nợ khó đòi tập trung vào đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp quốc doanh.Số nợ khó đòi về cơ bản vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, nên đã xảy ra tình huống số nợ này cứ tồn tại năm này qua năm khác gây ra những tác động xấu đến hiệu quả kinh doanh của Sở. Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp xử lý nợ quá hạn, nợ khó đòi hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng tại Sở. Do đặc thù của Sở giao dịch, nợ quá hạn phát sinh từ tín dụng trung dài hạn theo kế hoạch Nhà nước chiếm phần lớn số nợ quá hạn tại Sở giao dịch nên Sở giao dịch trước hết cần thực hiện tốt những biện pháp xử lý theo sự chỉ đạo của Chính phủ sau đó kết hợp với tình hình thực tế để đưa ra những biện pháp hợp lý.

2.1. Đôn đốc giám sát các khoản nợ quá hạn:

Khi đến hạn trả nợ, khách hàng không tự giác trả nợ và lãi cho Sở giao dịch thì Sở giao dịch tiến hành trích tiền gửi trên tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Sở giao dịch để thu nợ, thu lãi hoặc nhờ thu qua ngân hàng bạn nếu tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Sở giao dịch không đủ để thanh toán toàn bộ và khách hàng có tài khoản tiền gửi ở ngân hàng khác, hoặc yêu cầu người bảo lãnh vay vốn trả thay.

Đối với các khoản nợ quá hạn thông thường, cán bộ tín dụng phụ trách tích cực bám sát, theo dõi tình hình hoạt động của khách hàng, liên tục đến địa điểm sản xuất kinh doanh của khách hàng để kiểm tra và gửi giấy nhắc trả nợ (có ghi

rõ số nợ quá hạn, lãi suất, thời gian quá hạn, biện pháp xử lý có thể áp dụng), theo dõi tài khoản tiền gửi của họ có phát sinh số dư Có.

Kiểm soát trưởng hoặc kiểm soát viên cùng với trưởng phòng tín dụng, cán bộ tín dụng phụ trách đơn vị kiểm tra lại việc thực hiện theo quy trình tín dụng của cán bộ tín dụng để xác định lại xem có bỏ qua bước nào không, xác định nguyên nhân làm phát sinh nợ quá hạn là do Sở giao dịch, khách hàng hay nguyên nhân khác. sau đó sẽ đến địa điểm sản xuất kinh doanh của khách hàng để rà soát tổng dư nợ vay các loại của khách hàng, xác định khả năng trả nợ của khách hàng, nguyên nhân chi tiết dẫn đến nợ quá hạn để xác định tính chất của khoản nợ quá hạn và đưa ra các biện pháp xử lý có hiệu quả nhất.

2.2. Đối với công tác thu nợ:

Khi người vay đem tiền đến để thanh toán khoản nợ quá hạn thì Sở giao dịch tiến hành thu nợ theo thứ tự sau: thu lãi quá hạn, thu gốc quá hạn, thu lãi đến hạn, thu gốc. Vì vậy, đối với các khoản nợ quá hạn trên 12 tháng, nếu khách hàng chỉ có khả năng trả gốc và lãi suất thông thường thì Sở giao dịch nên xem xét và quyết định chỉ thu lãi suất thông thường. Trong trường hợp khách hàng thật sự khó khăn, Sở giao dịch nên thu hồi phần vốn gốc trước và thu hồi phần lãi sau. Như vậy sẽ đề phòng trường hợp người vay mất khả năng trả nợ trong tương lai, giảm gánh nặng lãi quá hạn cho bên vay. Mặt khác, nếu thu lãi trước sẽ tạo thành thu nhập phải nộp thuế cho Ngân sách Nhà nước trong khi chưa thể thu hồi hết nợ của người vay và đây là điều bất lợi cho Sở giao dịch. Nếu bên vay đã trả được nợ gốc, chưa trả lãi thì khế ước vay vốn vẫn được lưu lại ở Sở giao dịch và Sở giao dịch cùng khách hàng thoả thuận về kế hoạch trả lãi.

2.3. Yêu cầu cổ phần hoá, cho thuê, bán, khoán doanh nghiệp:

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có nợ đọng kéo dài mặc dù Sở giao dịch đã tiến hành các biện pháp để giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, Sở giao dịch có thể yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND Tỉnh, Thành Phố, hội đồng quản trị Tổng công ty 91 lựa chọn và quyết định cổ phần hoá các doanh nghiệp này, ngoài ra có thể tiến hành cho thuê, bán, khoán các doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi áp dụng các biện pháp này, các Giám đốc doanh nghiệp sẽ là người có năng lực, có quyền tự chủ trong kinh doanh với người lao động tiến hành sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, dần dần phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở giao dịch sẽ từng bước thu hồi được vốn.

Ngoài ra, với số tiền thu được do cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp có thể được dùng để trả nợ cho Sở giao dịch hoặc Sở giao dịch có thể tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp và tham gia điều hành doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không trả được nợ, trong một số trường hợp, Sở giao dịch có thể chuyển vốn cho vay thành vốn góp vào doanh nghiệp kèm theo là việc cử người tham gia vào Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Sở giao dịch chuyển số tiền đó từ hình thức cho vay sang hình thức đầu tư. Biện pháp này phụ thuộc vào quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng và để thực hiện thì cần phải có sự đồng ý của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Trung ương vì nó liên quan đến việc đem vốn tự có của ngân hàng đi đầu tư.

2.4. Yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp:

Đây là biện pháp được dùng để xử lý các khoản nợ khó đòi mà khả năng thu hồi được là rất ít. Trong trường hợp này thường được sử dụng đối với các khoản nợ mà Sở giao dịch là chủ động không có bảo đảm được hoặc có bảo đảm một phần. Sở giao dịch có quyền đệ đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phá sản thì Sở giao dịch còn có thể thu hồi được một phần hoặc tất cả nợ gốc. Điều đó vẫn còn tốt hơn là Sở giao dịch không thu được nợ gốc, lại mất thêm chi phí giám sát, quản lý khoản nợ nếu doanh nghiệp không bị phá sản.

Nếu khi cho vay, Sở giao dịch nhận tài sản thế chấp, cầm cố thì Sở giao dịch là chủ nợ có bảo đảm, Sở giao dịch sẽ không có quyền yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Sau khi bán tài sản thế chấp, cầm cố mà không đủ thanh toán nợ cho Sở giao dịch thì Sở giao dịch sẽ là chủ nợ không bảo đảm và có quyền yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thu hồi được nợ từ tài sản còn lại của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, cán bộ tín dụng cần theo dõi tình hình của doanh nghiệp để có thể bán tài sản thế chấp, cầm cố trước khi doanh nghiệp bị các chủ nợ khác yêu cầu tuyên bố phá sản. Nếu đến khi có quyết định mở thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp Sở giao dịch muốn bán tài sản thế chấp, phải có sự đồng ý bằng văn bản của thẩm phán, hoặc để cho tổ thanh toán tài sản bán. Tất nhiên, giá bán lúc này không thể cao được. Như vậy, Sở giao dịch đã bỏ lỡ cơ hội tối đa hoá số tiền thu được.

Khi thực hiện biện pháp này Sở giao dịch cần xác định đúng mình là loại chủ nợ nào của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý hợp lý nhất. Các doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp này là các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ cho Sở giao dịch sau khi đã áp dụng các biện pháp khai thác hoặc cố tình dây dưa không chịu trả nợ.

TKẾT LUẬN

rong xu thế phát triển của nền kinh tế, việc đổi mới, nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế rủi ro tín dụng luôn là yêu cầu cấp bách không chỉ của Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam mà còn là của tất cả các Ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Với tinh thần mong muốn đóng góp vốn kiến thức nhỏ bé của mình vào việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, trong luận văn này em đã đề cập đến những nội dung chính sau:

- Đưa ra một quan điểm chung về rủi ro tín dụng ngân hàng, phân tích các chỉ tiêu đánh giá, các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng để lấy đó làm tham chiếu phân tích, đánh giá thực trạng rủi ro tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

- Phân tích thực trạng hoạt động tín dụng và tình hình rủi ro tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam qua ba năm 1999, 2000 và 2001. Thấy được những mặt tích cực cần tiếp tục phát huy đồng thời nhìn nhận một cách khách quan những điểm hạn chế và nguyên nhân của chúng để đưa ra giải pháp khắc phục.

- Nêu lên một số giải pháp và kiến nghị nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong thời gian tới trên cả hai mặt phòng ngừa và xử lý rủi ro.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp sơ lược, mang tính lý thuyết và được đưa ra dưới góc độ nghiên cứu cá nhân. Mặt khác, do năng lực và hiểu biết còn hạn chế nên luận văn này không tránh khỏi những sai sót.

Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn sự chỉ bảo tận tình của thầy giáo hướng dẫn Hoàng Xuân Quế và các cán bộ phòng Tín dụng I Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách Tài chính doanh nghiệp (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) 2. Sách Tiền tệ ngân hàng và thị trường tài chính. Tác giả Frederic S.

Mishkin.

3. Sách Ngân hàng thương mại. Tác giả Edward W. Reed và Ed.ward K. Gill.

4. Sách Ngân hàng thương mại. Tác giả Lê Văn Tư.

5. Luật các tổ chức tín dụng và Luật ngân hàng Nhà nước.

6. Quy chế cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng. 7. Quy định cho vay đối với khách hàng Sở Giao Dịch I.

8. Quy định về phân cấp quyền phán quyết mức cho vay tối đa đối với một khách hàng Sở Giao Dịch I.

9. Các báo cáo hoạt động kinh doanh của Sở Giao Dịch I.

10. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Thị trường tài chính... các năm 1999 , 2000 & 2001.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(63 trang)
w