Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu thầu xây dựng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cạnh tranh đấu thầu xây dựng của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị Hà Nội potx (Trang 73 - 75)

Trong những năm vừa qua, công tác đấu thầu xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động đấu thầu xây dựng đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu thầu xây dựng. Vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu thầu xây dựng cần tập trung vào một số điểm sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng. Cơ chế quản lý

đầu tư và xây dựng hiện nay đang tỏ ra bất cập trước sự phát triển của thực tiễn cuộc sống, có nhiều qui định đã tỏ ra không còn phù hợp và đang bị các doanh nghiệp làm ăn không chính đáng lợi dụng. Điều này đã tạo ra hàng loạt các hệ quả ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về kinh tế - xã hội, là mảnh đất màu mỡ cho tệ quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Đối với doanh nghiệp, các qui định bất hợp lý đã tước đi cơ hội kinh doanh, sự bình đẳng trong cạnh tranh, trong đó có cạnh tranh đấu thầu xây dựng. Hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng cần tập trung vào một số trọng điểm sau:

- Đối với chủ đầu tư. Với chủ đầu tư là Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước cần phải có sự qui định một cách rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của các chủ đầu tư. Phân biệt rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý kinh tế của các chủ đầu tư. Xây dựng qui chế sử dụng, quản lý, phân bổ vốn đầu tư theo hướng đảm bảo tính công bằng và minh bạch, tránh các hiện tượng tiêu cực, lãng phí. Tăng cường năng lực quản lý vốn, quản lý dự án cho các chủ đầu tư, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý dự án và đấu thầu dự án.

cần có những qui định tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong cạnh tranh đấu thầu, đặc biệt khi đấu thầu các dự án có sử dụng vốn từ ngân sách.

- Đối với các cơ quan tư vấn, bao gồm tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công... Đây là những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện dự án. Nhà nước cần sớm đưa ra những cơ chế qui định một cách rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan tư vấn liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Theo đó, cần tăng cường thêm quyền hạn, tính chủ động cho các cơ quan tư vấn trong việc chấm thầu, giám sát thi công một cách khách quan và khoa học; gắn trách nhiệm với quyền của các cơ quan tư vấn trong quá trình tác nghiệp; đa dạng hóa các hoạt động tư vấn theo hướng xã hội hóa.

Hai là, nhanh chóng ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật

đấu thầu mới được ban hành, tiếp tục hoàn thiện qui chế đấu thầu. Trong những năm vừa qua, qui chế đấu thầu đã đóng một vai trò hết sức quan trong trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu. Tuy nhiên, hiện nay qui chế đấu thầu có nhiều điểm tỏ ra không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó đáng chú ý nhất là qui định nhà thầu có giá dự thầu thấp là người có cơ hội trúng thầu lớn nhất. Qui định này dẫn tới việc các nhà thầu thi nhau phá giá, thậm chí có những công trình mức giá trúng thầu chỉ bằng 50% giá dự toán. Giá trúng thầu thấp đã làm phát sinh hàng loạt hậu quả kinh tế, xã hội. đó là:

- Công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công;

- Do phải tiết kiệm chi phí, nhà thầu chỉ có thể sử dụng máy móc thi công, nhân lực hiện có của mình mà không thuê các loại máy móc hiện đại để thực hiện dự án, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện dự án đúng tiến độ. Mặt khác, cũng chính vì phải tiết kiệm chi phí nên nhà thầu phải đưa vào công trình những vật tư không đạt yêu cầu, cắt xén khối lượng công việc... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

- Do bỏ giá thấp nên nhà thầu phải đối mặt với nhiều khả năng thua lỗ, phá sản nếu như cứ tiếp tục thực hiện dự án. Đã có không ít nhà thầu tìm cách trốn tránh trách nhiệm của mình, không thực hiện những yêu cầu đã được ký kết trong hợp đồng khi trúng thầu.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý về đấu thầu, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các qui định bất hợp lý, đó là:

- Đổi mới cách tính giá các gói thầu, bỏ các qui định không rõ ràng, dẫn tới việc chủ đầu tư tùy tiện trong thực hiện;

- Thay đổi các qui định hạn chế sự cạnh tranh giữa các nhà thầu, khuyến khích các nhà thầu cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh trong đấu thầu;

- Bãi bỏ các qui định mang tính chất thủ tục hành chính rườm rà, tăng cường quyền tự chủ, đề cao trách nhiệm của các bên tham gia đấu thầu;

- Xây dựng hệ thống các chế tài xử lý những doanh nghiệp không thực hiện đúng các qui định trong qui chế đấu thầu và các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.

Việc sửa đổi, bổ sung qui chế đấu thầu cần phải đảm bảo các yếu tố sau:

- Đề cao tinh thần trách nhiệm, tính tự chủ của các bên tham gia đấu thầu, đồng thời, có chế tài thích hợp xử lý các đối tượng vi phạm;

- Đảm bảo tính ổn định và đồng bộ. Qui chế cần dự báo được xu hướng phát triển của công tác đấu thầu xây dựng trong một thời gian dài; đảm bảo tính thống nhất với các qui định pháp luật hiện hành;

- Phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế về đấu thầu.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cạnh tranh đấu thầu xây dựng của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị Hà Nội potx (Trang 73 - 75)