đầu thế kỷ XX
Trước hết, qua quá trình nhận thức lý luận về văn hóa, văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được nhận diện tương đối toàn diện. Do nhu cầu muốn hiểu biết về dân tộc mình, các học giả đã kiểm kê lại hành trang của văn hóa dân tộc cho việc hội nhập với thế giới bằng cách đánh giá những di sản do cha ông để lại. Bản sắc của dân tộc trở thành mối quan tâm chung của các học giả, với nhiều cách tiếp cận khác nhau như cho bản sắc dân tộc là Quốc học, là đặc tính dân tộc, là tính cách của con người Việt Nam..., bức tranh văn hóa
Việt Nam đã được phác họa một cách chân thực, khách quan cả trong quá khứ và hiện tại, cả những yếu tố tích cực và yếu tố hạn chế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh diễn ra sự xung đột giá trị văn hóa cổ truyền với văn hóa phương Tây ở đầu thế kỷ XX, sự xung đột đó là một vấn đề “quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy” [2, tr.7] mà giải quyết xung đột này trước hết phải biết văn hóa của dân tộc mình là thế nào, biết được chân giá trị của nền văn hóa mới. Từ đó mới có thể tìm ra con đường để hiện đại hóa văn hóa dân tộc, xây dựng một nền văn hóa riêng phù hợp với xu thế vận động của thời đại.
Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực tiễn văn hóa, quá trình nhận thức lý luận về văn hóa trong giai đoạn này còn có ý nghĩa quan trọng trên con đường giải phóng văn hóa dân tộc, mở đường cho văn hóa dân tộc phát triển. Văn minh tân học sách đã phê phán khá triệt để những tư tưởng cũ, phân tích thực trạng xã hội Việt Nam trong cảnh lạc hậu, nô lệ, từ đó khởi xướng những tư tưởng đổi mới. Văn minh Tân học sách là ngọn cờ duy tân, tự cường, tự phát triển, trở thành tuyên ngôn, cương lĩnh của phong trào Duy tân nổ ra ở đầu thế kỷ XX. Đây không chỉ là sự thay đổi trong khuôn khổ của nền văn minh á Đông cũ mà là sự thay đổi căn bản theo hướng mở rộng giao lưu với văn minh âu Tây - đối tác kích thích các quốc gia phương Đông trong thời đại mới. Các phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Đông du đã đi vào lịch sử dân tộc như một cuộc vận động chính trị của cách mạng dân tộc dân chủ, kết hợp công cuộc giải phóng dân tộc với sự hiện đại hóa đất nước thành một quá trình thống nhất. Năm 1943, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, với tư cách là một cương lĩnh văn hóa, những tư tưởng mà Đề cương nêu ra đã tập hợp giới trí thức lập nên mặt trận văn hóa của những người yêu nước chống văn hóa nô dịch Pháp - Nhật, đặt những đường nét cơ bản thiết kế về một nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương đã có tác dụng “thức tỉnh và thu hút nhiều người làm công tác văn hóa, văn nghệ vào con đường cách mạng” [11, tr.364], góp phần cho thắng lợi chung của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Quá trình nhận thức lý luận về văn hóa nửa đầu thế kỷ XX đánh dấu sự ra đời, hình thành và phát triển của chuyên ngành lý luận văn hóa ở nước ta. Với sự phát triển mạnh mẽ của các khoa học về văn hóa như hiện nay, nhất là văn hóa học, nhiều quan niệm các học giả đưa ra đã bị vượt qua. Nhưng rõ ràng, nó đã ghi một dấu mốc quan
trọng trong buổi đầu chập chững đến với khoa học ở đầu thế kỷ XX của giới trí thức dân tộc, đóng góp cho di sản văn hóa dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh nửa đầu thế kỷ XX, trong điều kiện một đất nước nông nghiệp lạc hậu, trải qua hàng nghìn năm phong kiến chịu ảnh hưởng của Nho giáo, không tiếp xúc rộng rãi với thế giới bên ngoài, trình độ tư duy lý luận kém phát triển, thân phận một nước thuộc địa mới thấy được ý nghĩa lớn lao của những thành tựu này. Đó là sự phát triển từ không đến có và đặt nền tảng ban đầu cho quá trình nghiên cứu tiếp theo. Trong đó, những tác phẩm của học giả Đào Duy Anh như
Việt Nam văn hóa sử cương, Văn hóa là gì xứng đáng là những cột mốc đầu tiên, chỉ đường cho những người đi sau, đặt nền móng cho công tác nghiên cứu lý luận văn hóa sau này. Với tư cách là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của những người mácxít Việt Nam, Đề cương văn hóa Việt Nam cũng đã mở ra sự phát triển mới của lý luận văn hóa mácxít ở nước ta. Trên cơ sở những tư tưởng mà Đề cương đưa ra, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận văn hóa và đường lối văn hóa trong các giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng. Năm 1948, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam ra đời như một bước hoàn chỉnh lý luận văn hóa của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vẫn có dấu ấn của những tư tưởng quan trọng của Đề cương văn hóa Việt Nam.