Giải pháp cho phát triển du lịch lễ hội huyện Thọ Xuân

Một phần của tài liệu Lễ hội ở huyện Thọ Xuân -Thanh Hóa với việc phát triển du lịch địa phương (Trang 67 - 78)

3.2.2.1. Xây dựng cơ sở cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho du lịch

Cơ sở vật chất kỹ thuật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tạo ra và thực hiện sản phẩm du lịch cũng như quyết định mức độ khai thác tiềm năng du lịch

nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch. Chính vì vậy nên sự phát triển du lịch bao giờ cũng gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật.

Du lịch là ngành “sản xuất” nhiều và đa dạng về thể loại dịch vụ, hàng hoá nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch. Do vậy, cơ sở vất chất kỹ thuật du lịch gồm nhiều thành phần khác nhau. Việc tiêu dùng dịch vụ, hàng hoá du lịch đòi hỏi phải có một hệ thống các cơ sở, công trình đặc biệt,… Tài nguyên du lịch chiếm vị trí rất quan trọng trong tiêu dùng của khách du lịch. Việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các công trình. Cần xây dựng thêm các cơ sở phục vụ ăn uống và lưu trú. Đây là thành phần đặc trưng nhất trong toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Chúng đáp ứng nhu cầu căn bản nhất của con người (ăn và ngủ) khi họ sống ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Hiện trên địa bàn huyện đã xây dựng nhiều cơ sở lưu trú, nhưng những cơ sở này chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị và chưa có những khách sạn đủ tiêu chuẩn. Các cơ sở ăn uống cần được xây dựng có thương hiệu, phục vụ những món ăn truyền thống, tiêu biểu của địa phương. Đặc biệt, cần xây dựng tại điểm thu hút khách như khu di tích Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn,… những khu vui chơi giải trí như thị trấn Thọ Xuân, thị trấn Lam Sơn,…

Hình thành các trung tâm mua sắm, thuộc các trung tâm dịch vụ du lịch, chúng phục vụ khách du lịch là chủ yếu hay thuộc mạng lưới thương nghiệp địa phương với nhiệm vụ phục vụ nhân dân địa phương đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch như: Cửa hàng bán thực phẩm, rau quả, cửa hàng bán những sản phẩm đặc sản của Thọ Xuân, hay các gian hàng bán đồ lưu niệm đến các gian hàng bán đồ chuyên dùng cho du lịch, bán hàng tiêu dùng (bằng ngoại tệ hay nội tệ,…).

3.2.2.2. Đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch lễ hội huyện

Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch lịch có hiệu quả theo cơ chế thị trường; mở rộng hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với các cơ sở, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch của tỉnh. Liên hệ với các cơ sở đào tạo nhân lực cho du lịch trong địa bàn tỉnh để tìm những người có trình độ về công tác. Bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra trình độ của các nhân viên trong ngành để nâng cao chất lượng.

Nguồn nhân lực phục vụ trong các lễ hội cần được quan tâm xây dựng. Thành lập đội ngũ thuyết minh trong lễ hội (có thể thuyết minh bằng tiếng nước ngoài), nhân

viên phục vụ công tác trong lễ hội cần được đào tạo chuyên sâu để mỗi người sẽ đảm nhận một khâu trong đó. Đội ngũ nhân viên vệ sinh cũng cần được thành lập.

Ngoài ra, tiến hành xã hội hoá công tác giáo dục để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách về văn hoá du lịch; hỗ trợ giáo dục cộng đồng cho những người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch. Việc làm này nếu làm tốt thì có thể xây dựng được đội ngũ cộng tác viên hùng hậu của địa phương.

3.2.2.3. Mở rộng quy mô tổ chức lễ hội

Để du lịch phát triển hơn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần đầu tư hơn nữa để tạo nên những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất của tỉnh, có khả năng thu hút khách du lịch từ các địa phương khác trong nước và khách quốc tế như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn.

Những lễ hội truyền thống này nếu được tổ chức, được khuyếch trương, quảng bá một cách khoa học như là tổ chức một sự kiện thì nó không chỉ mang lại thương hiệu văn hóa cho địa phương mà chúng còn mang lại những lợi ích rất rõ ràng trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh, ở tại các cộng đồng có diễn ra lễ hội:

- Các cộng đồng sở tại có nguồn thu ổn định ở những dịp lễ hội, ít nhất họ cũng cân đối được khoản kinh phí mà họ phải chi cho tổ chức lễ hội (từ các nguồn: Thu phí xe máy, xe ô tô, cho thuê địa điểm dịch vụ ăn uống và giải trí và một số nguồn tài trợ khác). Nhân dân ở các cộng đồng này có công ăn việc làm (bán đồ lễ, nhà trọ, viết sớ, xe ôm, dịch vụ ăn uống). Có những nơi công việc này được duy trì quanh năm (như đền Kiếp Bạc, đền Lảnh Giang). Qua đó, ý thức bảo tồn di tích và tham gia lễ hội của các cộng đồng được nâng cao hơn.

- Nhà nước cũng thu được một khoản tiền không nhỏ (từ tiền bán vé vào thăm di tích, tiền công đức, hoặc kinh phí được giao khoán cho những người quản lý di tích…).

- Là cơ hội để các nhà hảo tâm đóng góp cho di tích và để kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương sở tại

- Dĩ nhiên, lợi ích lâu dài và quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh địa phương. Lợi ích của việc quảng bá này không chỉ ở khía cạnh kinh tế (thu hút khách du lịch, thu hút các nguồn đầu tư) mà còn ở khía cạnh tinh thần: Khơi dậy và kích thích lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa của mình.

Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã tạo được cho mình nhiều lễ hội với quy mô lớn, tiêu biểu là lễ hội Lam Kinh, và trên địa bàn huyện Thọ Xuân cũng đang đầu tư vào những

lễ hội như: lễ hội Lê Hoàn, lễ hội làng Xuân Phả,… để tạo hình ảnh du lịch văn hóa của huyện. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục đầu tư hơn nữa để những giá trị tốt đẹp được lan rộng và hình ảnh du lịch Thọ Xuân đẹp hơn. Đối với lễ hội Lam Kinh, đã là lễ hội cấp tỉnh thì cần đầu tư phục hồi lại những nghi thức của lễ hội đã bị mai một, mở rộng quy mô để trở thành lễ hội mang tầm quốc gia. Tiếp tục mở rộng và đưa lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Xuân Phả lên cấp tỉnh.

3.2.2.4. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá

Thọ Xuân cần xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch hàng năm theo chuyên đề, gắn với xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thanh Hóa để xúc tiến quảng bá về du lịch địa phương ra các thị trường du lịch trong và ngoài nước. Thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền, quảng bá về những sự kiện văn hoá, thể thao, lễ hội truyền thống sẽ diễn ra hàng năm trên địa bàn huyện; tổ chức các chiến dịch xúc tiến, quảng bá sự kiện, phát động thị trường theo chuyên đề; tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch để giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Đặc biệt gắn du lịch huyện với định hướng phát triển du lịch của toàn tỉnh. Nâng cấp các trang website của huyện và thiết lập trang website du lịch riêng. Một thực tế hiện nay là huyện Thọ Xuân có thừa các lễ hội đặc sắc nhưng lại đang thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như văn hóa, cần có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội. Không nên đầu tư dàn trải, mà nên chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng của huyện, rồi từ đó, xây dựng thành sản phẩm “đinh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp.

Ngoài ra, việc tuyên truyền phải được thực hiện đồng bộ trên toàn huyện, tỉnh và cả nước. Gắn các hoạt động tuyên truyền lễ hội với hình ảnh và thành quả tích cực trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích văn hóa - lịch sử như lễ hội Lam Kinh gắn với giới thiệu dự án trùng tu khu di tích,…

3.2.2.5. Bảo vệ tài nguyên và môi trường

Tổ chức học tập và triển khai các văn bản pháp quy về quản lý tài nguyên môi trường. Có chính sách ưu đãi trong việc huy động vốn đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ, tôn tạo nâng cao chất lượng môi trường du lịch. Thường xuyên theo dõi biến động để có những giải pháp kịp thời phối hợp cùng các ban, ngành và địa phương liên quan khắc phục sự cố, tình trạng xuống cấp về tài nguyên và môi trường du lịch.

Phát triển các chương trình giáo dục toàn dân và giáo dục trong các trường học về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Có thể lồng ghép đào tạo và giáo dục về tài nguyên và môi trường du lịch (cả tự nhiên và xã hội) trong chương trình giảng dạy của các trường phổ thông của huyện, cũng như giáo dục nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương.

Ngoài ra, xây dựng thêm các công trình vệ sinh trong các khuôn viên tổ chức lễ hội, đặt thêm các thùng đựng rác để tránh tình trạng quá tải trong mùa du lịch. Đội ngũ nhân công dọn dẹp vệ sinh trong lễ hội còn mỏng, do đó cần có kế hoạch tăng cường trong những ngày diễn ra lễ hội.

3.2.1.6. Kết hợp lễ hội với các tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để xây dựng tuyến du lịch

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng về du lịch. Năm 2007, du lịch Thanh Hóa năm đón tiếp gần 1,7 triệu lượt khách, chủ yếu là khách trong nước đến tham quan nghỉ mát tại đô thị du lịch biển Sầm Sơn, con số đó hiện nay đã tăng lên gần gấp đôi. Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa xác định đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh đã thực hiện quy hoạch hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Cùng với chính sách phát triển du lịch của tỉnh, huyện nên kết hợp giữa lễ hội của huyện với các di tích khác trong và ngoài huyện để hình thành những tour du lịch.

Các khu du lịch, di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa như: Các khu du lịch bãi biển Sầm Sơn, bãi biển Hải Hòa; các vườn quốc gia (Vườn quốc gia Bến En; các khu bảo tồn (khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,…); Suối cá thần Cẩm Lương; cụm di tích Nga Sơn (Động Từ Thức, Cửa biển Thần Phù, Chiến khu Ba Đình, đền thờ Mai An Tiêm,...); cụm di tích thành nhà Hồ; đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân; khu di tích lịch sử Phủ Trịnh và chùa Báo Ân; khu lăng miếu Triệu Tường, huyện Hà Trung; Phủ Na (xã Xuân Du huyện Như Thanh), đền Sòng (Bỉm Sơn); khu di chỉ, khảo cổ văn hóa Đông Sơn; khu di tích Hàm Rồng;…

Để xây dựng được các tour du lịch cần có sự kết hợp của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh. Mỗi doanh nghiệp sẽ xây dựng những tour phù hợp với thị trường khách của mình. Việc xây dựng tour cần xác định nhiều yếu tố như: ăn uống, nghỉ ngơi, phương tiện, giá cả,… Dưới đây xin giới thiệu một số tuyến du lịch có thể kết hợp để khai thác lễ hội của huyện.

Từ thành phố Thanh Hóa, du khách sẽ đến với lễ hội Lam Kinh, hòa chung vào không khí hào hùng một thời của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tỏ lòng thành kính đối với anh hùng dân tộc Lê Lợi. Sau đó sẽ được thỏa sức vùng vẫy trong màu nước xanh mát của biển Sầm Sơn, thưởng thức những dịch vụ tại khu du lịch này.

Bãi biển Sầm Sơn chạy dài gần 6km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ. Bãi cát thoai thoải, sóng êm, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người. Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho Sầm Sơn nhiều danh lam - thắng cảnh nổi tiếng và lung linh sắc màu huyền thoại. Đó là dãy núi Trường Lệ chạy dài theo mép nước bốn mùa thông reo, là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, là đền Độc Cước, Cô Tiên uy nghi cổ kính; là Vọng Hải đài - nơi du khách có thề ngắm cả một vùng trời nước mênh mông. Phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai.

Tuyến 2: Thành phố Thanh Hóa - lễ hội Lê Hoàn - suối cá thần ở Cẩm Lương.

Từ thành phố Thanh Hóa chạy xe khoảng 1giờ đồng hồ đến với lễ hội Lê Hoàn, hòa vào không khí linh thiêng, thắp nén nhang tưởng nhớ vị vua triều Tiền Lê và sau đó sẽ đến với suối cá thần thuộc xã Cẩm Lương huyện Cẩm Thủy để thư giãn, ngắm cá và thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân nơi dây như: Bắp nướng, cơm lam,… và mua những quà lưu niệm.

Tuyến 3: Thành phố Thanh Hóa - thành nhà Hồ - lễ hội Lê Hoàn - khu du lịch

Sầm Sơn.

Xuất phát từ thành phố Thanh Hóa, du khách sẽ đến thăm di tích thành nhà Hồ, một thành cổ được xây dựng bằng đá duy nhất ở Việt Nam. Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, bên ngoài mặt thành ghép bằng những khối đá xanh vuông, có trọng lượng từ 10 - 20 tấn được ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Di tích Thành Nhà Hồ là một danh lam thắng cảnh, một điểm du lịch đẹp mắt đang hấp dẫn khách du lịch tới tham quan.

Tiếp đó, đoàn sẽ đến với lễ hội Lê Hoàn, quay ngược thời gian một chút nữa để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Hoàn, cùng nhân dân địa phương thắp nén hương tri ân và thưởng thức những màn nghệ thuật đặc sắc, những trò chơi dân gian. Sau thời gian tham quan mệt mỏi, du khách sẽ trở về Thanh Hóa đến khu du lịch Sầm Sơn, khám phá những điều mới lạ tại nơi đây và thỏa sức vùng vẫy trong những đợt sóng biển.

Tuyến 4: Thành phố Thanh Hóa - lễ hội Lê Hoàn - khu di tích Lam Kinh.

Trong tuyến du lịch này, du khách sẽ đến tham gia lễ hội Lê Hoàn sau đó, lên tham quan khu di tích Lam Kinh. Có thể liên hệ tổ chức buổi tiệc ngoài trời trong khuôn viên khu di tích, là thời gian để mọi người vui chơi, về với thiên nhiên. Tour có mang tính chất kết hợp giữa tâm linh và giải trí.

Tuyến 5: Thành phố Thanh Hóa - lễ hội Xuân Phả - khu di tích Lam Kinh - suối

cá thần ở Cẩm Lương - khu du lịch Sầm Sơn.

Tour sẽ diễn ra trong thời gian trong vài ngày (4 ngày 3 đêm) tùy theo yêu cầu và điều kiện của du khách. Du khách sẽ được thưởng thức những màn múa đặc sắc trong lễ hội Xuân Phả, về với vùng đất Tây Kinh xưa kia, ngắm những đàn cá bơi lội và sử dụng những dịch vụ thú vị tại khu du lịch Sầm Sơn.

Trên đây là một số tour du lịch có thể sử dụng phục vụ du khách. Tất nhiên khi xây dựng một tour còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu được thực sự quan tâm và đầu tư thì những tour này sẽ đạt kết quả tốt, góp phần phát triển du lịch trong huyện và tỉnh Thanh Hóa.

Một phần của tài liệu Lễ hội ở huyện Thọ Xuân -Thanh Hóa với việc phát triển du lịch địa phương (Trang 67 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w