nhiều tên riêng Hán Việt. Ví dụ:
An Nam, An Tử, Bạch Mã, Bạch Mi, Bắc Quốc, Bắc Sử, Bồng, Bộc, Chinh Phụ Ngâm, Chúa Chổm, Chức Nữ, Dạ Trạch, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phú Quốc, Phú Xuân, Trấn Vũ, Vạn Tượng,..
Điều này chứng tỏ, người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt trong cách gọi tên, đặt tên các sự vật, hiện tượng. Ngày xưa, những người có chút chữ nghĩa đã chú ý đặt tên chữ bằng từ Hán Việt. Những tên chữ ấy mang đầy hàm ý sâu sắc. Gần đây, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều tên gọi được đặt theo các từ Hán Việt. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi từ Hán Việt với đặc trưng cổ kính, trang trọng và đầy sắc thái biểu cảm đã làm tăng sắc thái thẩm mỹ cho nhu cầu làm đẹp tên gọi.
Tiểu kết
Khảo sát từ vựng tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển theo nguồn gốc và phạm vi sử sụng, chúng tôi thấy: Lượng từ Hán Việt được đưa vào cuốn từ điển này chiếm số lượng lớn (47,06%). Như chúng ta đã biết, đầu thế kỉ XX, sự phát triển của tiếng Việt hiện đại, sự thịnh hành của chữ Quốc ngữ, tình hình chính trị - kinh tế - văn hóa có nhiều thay đổi đã ảnh hưởng đến chữ Hán. Chữ Hán bị bãi bỏ trong nhà trường và sách vở. Kết quả là chữ khối vuông bị mất vai trò độc tôn của mình. Tuy nhiên từ ngữ gốc Hán, Hán Việt lại là vấn đề khác. Chúng vẫn đi sâu vào tiếng Việt hiện đại. Chữ Hán, tiếng Hán văn ngôn như đã biết, còn sử dụng cho đến đầu thế kỉ XX (khoa thi cuối cùng bằng chữ Hán được tổ
chức vào năm 1919). Từ đó đến nay, người Việt đã lựa chọn và vay mượn nhiều từ ngữ Hán Việt. Cùng với thời gian, số lượng từ Hán du nhập vào tiếng Việt ngày một nhiều và phong phú hơn. Bên cạnh đó, trong Việt Nam Tự Điển, các tác giả cũng đã thu thập và giải thích một lượng nhất định các từ Ấn Âu, từ địa phương, và đặc biệt trong công trình này có một khối lượng lớn tên riêng. Theo chúng tôi, sở dĩ có sự chênh lệch về số lượng các từ Hán Việt, từ Ấn - Âu, địa phương, và từ tên riêng là do quan điểm lựa chọn đơn vị từ vựng của các tác giả Việt Nam Tự Điển.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... nhu cầu hợp tác giao lưu phát triển, tiếng Việt một mặt tiếp tục được chuẩn hóa về các mặt ngữ âm, từ vựng, chính tả; mặt khác vẫn có sự vay mượn từ các ngôn ngữ khác để hoàn thiện và làm giàu vốn từ vựng của dân tộc mình.
KẾT LUẬN
Từ điển là công cụ dùng để tra cứu các thông tin về từ ngữ. Bên cạnh việc cung cấp vốn từ ngữ và cách sử dụng chúng trong giao tiếp, học tập tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ, góp phần chuẩn hóa ngôn ngữ, từ điển còn giúp mở rộng hiểu biết của con người về vốn tri thức, vốn văn hóa, ngôn ngữ. Từ điển luôn luôn phản ánh một trạng thái từ vựng nhất định, phản ánh vốn kiến thức vốn có trong xã hội ở thời kì nhất định. Theo chúng tôi Việt Nam Tự Điển do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo (1931), đã phản ánh một cách tương đối đầy đủ diện mạo vốn từ tiếng Việt giai đoạn đầu thế kỉ XX (1900-1930). Sau khi khảo sát vốn từ tiếng Việt trong Việt Nam Tự Điển theo cấu trúc đơn vị từ vựng, theo nguồn gốc và phạm vi sử dụng, chúng tôi rút ra một vài kết luận ban đầu như sau: