- Bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm
Chương 3: Giải pháp phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản của VINACONEX
3.3. Kiến nghị đối với Nhà nước:
Để tháo gỡ những khó khăn đặc biệt là tình trạng đóng băng của bất động sản hiện tại, và phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, tôi xin đưa ra một vài kiến nghị như sau:
+ Hoàn thiện công cụ luật pháp, tạo hành lang khuôn khổ pháp lý cho thị trường bất động sản hoạt động theo quy định của pháp luật: thị trường bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực phúc tạp vì vậy phát triển bất động sản và vận hành thị trường bất động sản đòi hỏi phải có khung pháp lý đồng bộ và chặt chẽ. Giải pháp tổng thể là ban hành “Luật Kinh doanh Bất động sản”
+ Hoàn thiện hệ thống các chính sách kinh tế là công cụ để Nhà nước thực hiện mục tiêu, định hướng quản lý, điều tiết các hành vi tham gia thị trường bất động sản thông qua các quan hệ thị trường. Các công việc cần thực hiện như: Sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; Sửa đổi hệ thống các loại phí và lệ phí theo hướng hạ thấp tỷ lệ thu, đơn giản thủ tục để khuyến khích người dân tham gia hệ thống giao dịch chính thức; Xóa bỏ dần cơ chế hai giá để đi đến sử dụng một giá chung thống nhất theo giá thị trường. Nhà nước phải chủ động tiềm lực để điều tiết duy trì mức giá cân bằng trên thị trường bất động sản; Thay đổi phương thức chuyển giao đất đai từ Nhà nước cho người sử dụng, đổi mới công tác đền bù giải phóng mặt bằng trên cơ sở sử dụng các quan hệ hàng hóa tiền tệ theo cơ chế thị trường.
+ Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi và các chế tài để khuyến khích người dân tham gia đăng ký giao dịch bất động sản. Thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trước hết phải dựa trên cơ sở một hệ thống hàng hóa và các quan hệ trao đổi công khai, ổn định lành mạnh và hợp pháp. Do vậy việc tạo lập tính chất pháp lý cho hàng hóa bất động sản mà trước hết là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đóng vai trò hết sức quan trọng.
+ Hoàn thiện và đổi mới công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Hệ thống quy hoạch bao gồm Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành, Quy hoạch vùng và các tiểu vùng,… Tất cả các quy hoạch trên đều có tác động trực tiếp đến định hướng phát triển và xu hướng vận động của thị trường bất động sản.
+ Hoàn thiện bộ máy và tăng cường năng lực cán bộ quản lý. Hiện nay hai Bộ đang quản lý trực tiếp một phần bất động sản là Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, Bộ Xây dựng quản lý các công trình xây dựng. Ngoài ra hiện nay ở một số Bộ vẫn tồn tại cơ quan quản lý từng bộ phận bất động sản mang tính chất thuộc chuyên ngành riêng của Bộ. nhu vậy bộ máy quản lý Nhà nước về bất động sản nước ta hiện nay còn rất phân tán đòi hỏi phải thống nhất tổ chức lại và hoàn thiện.
+ Tăng khả năng cung cấp hàng hóa cho thị trường BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở đảm bảo chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu, bình ổn giá cả BĐS phù hợp với mức độ tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Thị trường nhà và đất ở là bộ phận quan trọng, chiếm tỷ trọng chính trong thị trường BĐS, những cơn “sốt” bất động sản đều bắt đầu từ nhà và đất ở sau đó mới lan sang các thị trường BĐS khác. Vì vậy, bình ổn thị trường BĐS nhà đất ở là khâu đột phá để bình ổn thị trường BĐS.
+ Thiết lập cơ chế dùng bất động sản để tăng khả năng nguồn vốn cho doanh nghiệp. Việc huy động vốn là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định đến sự thành công của hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp. Nhà nước cần có quyết sách đối với thị trường bất động sản về việc cho phép thế chấp một cách hoàn chỉnh bất động sản hiện tại và bất động sản trong tương lai để tăng vốn của doanh nghiệp.
+ Thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế đặc biệt là việc gia nhập WTO Nhà nước đã từng bước xóa bỏ
những rào cản tạo môi trường thông thoáng, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà để khuyến khích đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam. Đảm bảo tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
KẾT LUẬN
Kết thúc năm 2008 vượt qua “cơn bão khủng hoảng” một cách ngoạn mục, Công ty Cổ phần Xây Dựng số 2 đã khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình trên thương trường đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, đầu tư và đầu tư kinh doanh bất động sản. Công ty Cổ phần Xây Dựng số 2 đã được đánh giá là một trong những Công ty có kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất Tổng Công ty đồng thời là một trong những Công ty Xây Dựng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nhất trên địa bàn Hà Nội.
Có thể nói sự phát triển bền vững của Công ty Cổ phần Xây Dựng số 2 là một “lá cờ” tiên phong của tập đoàn Vinaconex nói riêng và của cả ngành xây dựng nói chung. Những thành công trên là tiền đề động lực phát triển cho năm 2009 và các năm tiếp theo trong tương lai. Đó là những năm nắm vững cơ hội, tạo sự chuyển biến để Công ty phát triển bền vững cả về lượng và chất, tạo lên giá trị mới, là tiền đề mới đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trên bước đường hội nhập.
Bài viết tập trung vào tìm hiểu những vấn đề lý luận cơ bản của hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản. Trong đó đề cập đến BĐS, TTBĐS, hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS và vai trò của nó. Từ đó thấy được sự cần thiết trong việc thực hiện hoạt động đầu tư này. Trên cơ sở dữ liệu thu thập về hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS của Công ty Cổ phần Xây dựng Vinaconex 2, phân tích thực trạng của hoạt động đó ở Vinaconex 2, bằng sự hiểu biết và kiến thức học tập được tôi đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS. Những hạn chế của bài viết là khó có thể tránh khỏi như đã đề cập ở phần mở đầu. Vì vậy, tôi rất mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các thầy cô giáo và các bạn để bài viết được hoàn chỉnh hơn.
Kết bài một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn cô giáo Ths. Trần Mai Hoa đã tận tình hướng dẫn để tôi có thể hoàn thành bài viết này!