IV. Hoàn thiện giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu
4.6. Các giải pháp về marketing
Có thể nói hiện nay đây là khâu yếu nhất của công ty may Tùng Phương. Mặc dù có cố gắng trong nghiên cứu thị trường, nhưng họ vẫn để mất thị phần vào tay những đối thủ cạnh tranh khác như Trung quốc, Đài Loan. Ngoài ra, sự cạnh tranh quyết liệt trên những thị trường truyền thống có lẽ đã làm cho công ty lơ là trong việc phát triển những thị trường mới.
Những điều mà công ty may Tùng Phương cần làm ngay từ bây giờ:
Tiến hành phân khúc thị trường. Thông tin về thị trường không chỉ là vị trí địa lý, mà còn cần phải chi tiết hơn nữa, tập trung bám sát phân khúc nhằm tránh sự cạnh tranh rộng rãi không cần thiết.
Giá cả là một tiêu chí quan trọng trong việc định vị phân khúc thị trường.
Văn hóa là vấn đề quan trọng nhằm quyết định khả năng thâm nhập thị trường cũng như phát triển lâu dài tại thị trường đó.
Khi thâm nhập một thị trường mới, cần khẳng định và củng cố uy tín thương hiệu.
Tập trung phát triển một hệ thống phân phối vững chắc. Việc hợp tác với các công ty phân phối có thể tiết kiệm chi phí cũng như tiện lợi hơn trong các vấn đề nhân sự, quản lý… tuy nhiên, để tồn tại lâu dài, công ty cần phải có một hệ thống phân phối của chính mình.
Phát triển sản phẩm mới không nhất thiết phải là nâng cấp về chất liệu, hoặc nâng cấp công nghệ. Tập trung nâng cao chất lượng tạo mẫu, chú ý phát triển những mẫu mã mới với những chất liệu và công nghệ sẵn có.
4.7. Giải pháp mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu trong điều kiện suy thoái kinh tế hiện nay
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong nước nói chung và đến từng doanh nghiệp nói riêng, trong đó có may Tùng Phương. Vì vậy, công ty cần có những giải pháp mở rộng và phát triển thị trường trong tình hình hiện nay là yêu cầu cấp thiết.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thì công nên tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới là
một trong những giải pháp giúp công ty vượt qua khó khăn, bảo đảm việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động.
- Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi nhiều nhà nhập khẩu giảm đơn hàng, ngưng đặt hàng, doanh thu thấp nên buộc phải cắt giảm chi tiêu và lao động để giảm chi phí sản xuất. Nhiều DN trong nước cũng đã xuất hiện tình trạng thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động để giảm áp lực khó khăn về tài chính. May Tùng Phương cũng gặp những khó khăn đó, tổng giá trị hợp đồng giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, với đà này công ty khó có thể thực hiện được mục tiêu xuất khẩu 1,6 triệu USD trong năm nay.
Thị trường bị thu hẹp trong khi khả năng cạnh tranh của hàng hóa nước ta lại kém. Thu nhập giảm sút, người tiêu dùng phải tìm đến các mặt hàng cùng chất lượng nhưng giá rẻ hơn. Cạnh tranh về giá sẽ quyết liệt trong thời kỳ suy thoái.
- Tuy nhiên có một số cơ hội mà chúng ta có thể tận dụng được như: đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản nhờ EPA vừa được ký kết giữa hai nước; giành thị phần tại thị trường nội địa và một số thị trường xuất khẩu khác mà chúng ta có ưu thế hơn…
- Trong bối cảnh khủng hoảng, hơn lúc nào hết, các công ty cần biết những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, cụ thể là:
Thứ nhất, khách hàng nhạy cảm hơn trước biến động giá cả. Thu nhập giảm hoặc không ổn định khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi mua hàng. Người tiêu dùng khắt khe hơn trong việc lựa chọn hàng hóa và có thiên hướng tìm về những hàng hóa lâu bền, chú trọng vào giá trị sử dụng.
Thứ hai, những đặc tính “cao cấp” của hàng hóa ngày hôm qua vẫn được coi là “phải có”, thì nay phải được xem xét lại. Những hàng hóa đa mục đích sẽ được ưa thích hơn so với các sản phẩm chuyên dụng.
Thứ ba, khách hàng công nghiệp không muốn các gói hàng hóa và dịch vụ trọn gói, mà muốn tách bạch và tính giá riêng từng sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy, để nhanh chóng vượt qua suy thoái, tăng doanh thu bán hàng, công ty cần đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tâm lý đang thay đổi của khách hàng, từ đó đưa ra quyết định kinh doanh chuẩn xác.
- Trước hết công ty cần tích cực rà soát lại điều kiện và khả năng ứng phó của mình. Giải pháp chung là “Tích cực phòng thủ bằng sản phẩm và thị phần cốt lõi với việc cải thiện năng suất, chất lượng với chi phí tiết kiệm nhất; đồng thời chủ động nghiên cứu tiến công vào các mặt hàng và thị phần mới khi có điều kiện”.
- Tiếp cận mạnh hơn thị trường nội địa.
- Bám sát thị trường, khách hàng xuất khẩu hiện có, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng để giữ vững những thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ và EU; tận dụng Hiệp định EPA để đẩy mạnh thị trường Nhật Bản. Tập trung khai thác thế mạnh làm hàng chất lượng cao để tăng giá trị gia tăng, giao hàng đúng hạn, đáp ứng cả những đơn hàng số lượng ít và nhất là đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn môi trường, quan hệ lao động hài hòa... là những lợi thế để công ty giữ chân khách hàng truyền thống và thu hút khách hàng mới. Bên cạnh đó, công ty cũng cần tìm mọi cách giảm giá thành để có được giá bán phù hợp thị trường nhưng vẫn duy trì được lao động, thu nhập. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, sự liên kết, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp là rất quan trọng. Các doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương, các đơn vị liên kết của tập đoàn để có đơn hàng ổn định. Ngoài các thị trường truyền thống, công ty cũng cần năng động tìm kiếm thị trường ngách mà công ty có lợi thế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến nghiên cứu thị trường ngoài nước và đặc biệt quan tâm tổ chức mời khách hàng tiềm năng vào thương lượng tại Việt Nam. Có chiến lược tiếp cận với thị trường Nhật
Bản để khai thác tốt Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, đồng thời khai thác thị trường mới đầy tiềm năng tại Trung Ðông, Nam Phi, Nga.
- Với công tác nhân sự
Trước hết, lãnh đạo công ty cần công bố với nhân viên về tình trạng hiện tại của công ty và những mối đe dọa từ cuộc suy thoái, điều này cần thiết để mỗi người có sự cảnh giác và cùng nỗ lực với công ty để đối phó. Không gì tệ bằng khi công ty lâm nguy mà cán bộ công nhân viên không hề biết gì cả, khi không nghe ông chủ nói gì chắc là mọi việc ổn cả và không cần nỗ lực.
Cần công bố luôn các gói giải pháp mà công ty sẽ thực hiện và phân công vai trò của từng thành viên công ty trong gói giải pháp đó. Đây là cách để nhân viên tham gia tích cực vào việc cứu công ty. Có thể tổ chức thảo luận trong đội ngũ cán bộ công nhân viên để đề ra giải pháp ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, công ty không nên chỉ nêu khó khăn chung chung hoặc những khó khăn đang gặp và viễn cảnh thật kinh khủng mà không có giải pháp nào cả.
Tóm lại, phải cho mọi người trong công ty nhận ra một điều là khó khăn thật nhưng không đồng nghĩa là bế tắc do không có giải pháp. Sẽ có một số nhân viên non yếu hoặc thiếu trung thành bỏ đi, làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
- Về vấn đề chất lượng
Chất lượng sẽ là cái cớ để khách hàng ngưng hợp tác với công ty. Trên thực tế, dù thiếu đơn hàng nhưng khách hàng sẽ khó đưa ra quyết định cắt giảm nhà cung ứng nào, vì thế, nếu công ty để chất lượng sản phẩm của có vấn đề trong giai đoạn này, quả là một điều rất nguy hiểm và đó là cái cớ để khách hàng chia tay với công ty. Công ty cần thông báo với nhân viên điều này và cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng một cách nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.
Không những phải kiểm tra nghiêm ngặt mà công ty còn phải làm cho chất lượng sản phẩm tốt hơn trước, đó cũng là cách công ty tạo nên sự khác biệt lớn và chắc chắn là khách hàng không những không giảm đơn hàng mà họ sẽ dồn thêm hàng cho công ty sau khi đã cắt bỏ từ các nhà cung ứng khác.
- Năng suất
Sẽ có ai đó ngạc nhiên cho rằng đang bị thiếu đơn hàng thì tăng năng suất làm gì, thậm chí nhiều doanh nghiệp nghĩ ra cách kéo dài thời gian sản xuất và hạ năng suất để công nhân không bỏ việc. Tuy nhiên, suy nghĩ này là khá bi quan và thụ động, nó làm cho chi phí tăng lên và công nhân của công ty dễ mất đi khí thế cũng như tinh thần làm việc.
Bài toán về năng suất phải là một trong các bài toán chủ lực hiện nay. Trước hết, nó giúp công ty giao hàng nhanh hơn, tránh tình trạng trễ hàng có thể dẫn đến việc hủy đơn hàng. Năng suất cao còn giúp công ty có thêm điều kiện để tăng tích lũy cho những lúc ngưng việc và còn giúp cho công ty có điều kiện giảm một phần giá bán nhằm tăng thêm đơn hàng.
Giải pháp tốt nhất là hãy áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn. Đây là một giải pháp cực kỳ hiệu quả, đặc biệt ở thời kỳ suy thoái khi mà tất cả doanh nghiệp đều cần cắt giảm lãng phí, giảm chi phí tồn kho... nói chung là giúp tăng thêm sức đề kháng cho công ty.
- Tiết kiệm tối đa
Có lẽ không cần phải nói thêm, doanh nghiệp nào cũng phải đề ra mục tiêu tiết kiệm trong thời buổi khó khăn. Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều doanh nghiệp chỉ hô hào suông mà không có giải pháp kiểm tra, theo dõi, so sánh giữa các kỳ. Bên cạnh đó, sự nêu gương của tất cả các cấp lãnh đạo doanh nghiệp trong tiết kiệm là hết sức quan trọng. Để giảm chi phí “đầu vào” từ điện nước, điện thoại cũng như hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, cải tiến kỹ
thuật máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
KẾT LUẬN
Hoạt động xuất khẩu rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Để hoạt động xuất khẩu của quốc gia có hiệu quả thì bản thân mỗi doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả. Tùy vào từng loại hàng hóa, từng giai đoạn xuất khẩu mà có những chính sách phù hợp. Với sản phẩm dệt may hiện nay đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt nam và là sản phẩm rất nhạy cảm với thị trường, nên cần có chính sách ưu tiên để phát triển ngành này. Qua thời gian thực tập ở công ty may Tùng Phương, em đã tập trung nghiên cứu hoạt động xuất khẩu và hoạt động gia công của công ty và đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động xuất khẩu cho công ty. Tuy các giải pháp trên chưa phải là tối ưu, song em mong muốn rằng nó sẽ đưa đến một mục đích duy nhất nhằm không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Tin tưởng rằng, với sự đổi mới trong kinh doanh và các lợi thế mà Công ty đã tạo ra cho mình, đơn vị sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh của mình để tiến tới trở thành một doanh nghiệp có uy tín trên thị trường và còn tiến xa hơn nữa. Tuy bản chuyên đề tốt nghiệp này còn hạn chế về nội dung, vì điều kiện tham khảo tài liệu còn ít ỏi nên có khó khăn trong việc thực hiện chuyên đề tốt nghiệp, nhưng được sự giúp đỡ của thầy giáo GS.TS. Trần Chí Thành, Ban lãnh đạo Công ty may Tùng Phương (Thanh Hóa) đã giúp đỡ em hoàn thành chuyên đề tốt nghiệp này.
Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 4 năm 2009 Sinh viên thực hiện
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Marketing quốc tế_Đại học kinh tế quốc dân 2. Luật thương mại quốc tế
3. Hướng dẫn thực hành kinh doanh xuất nhập khẩu_ Dương Hữu Hạnh_NXB Thống kê
4. Thương mại trong kinh tế thị trường
5. Các tài liệu lưu hành nội bộ công ty May Tùng Phương