II- Thực trạng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam
1. Cảng biển cấp
Cảng biển loại I là cảng biển đặc biệt quan trọng, có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, khu vực hoặc liên vùng: Việt Nam có 17 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Cẩm phả, Hòn Gai (Quảng Ninh),Cảng biển Hải Phòng, Cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, Cảng biển Cửa Lò (Nghệ An), Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Dung Quất (Quảng Ngãi), Cảng biển Quy Nhơn (Bình Định), Cảng biển Vân Phong, Cảng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nha Trang, Cảng biển Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Ba Ngòi (Khánh Hòa), Cảng biển Vũng Tàu, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.
-Cảng biển Hải Phòng
Hải Phòng có tổng số 28 cảng lớn, nhỏ với hơn 50 cầu cảng dài hàng nghìn mét, cho phép đón nhận các tàu từ 600 - 40.000 tấn cập cảng. Đó là chưa kể 3 phao cảng là Bạch Đằng, Ninh Tiếp, Bến Gót có 7 cầu bến chuyên giảm tải cho các tàu từ 30 - 50 nghìn tấn. So với nhiều năm trước, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên do nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển tăng vọt, năm 2006 lượng hàng hóa qua cảng đạt
16 triệu tấn/ năm, năm 2007 đạt 23 triệu tấn / năm và năm 2008 phấn đấu đạt 30 triệu tấn /năm. 100% cầu tàu của các cảng ở Hải Phòng luôn trong thế không còn chỗ cho tàu cập. Theo thống kê, vào thời điểm đỉnh điểm nhiều tàu phải chờ cả tuần mới cập được cảng. các tàu chở loại hàng hóa không thuộc diện hàng "nóng", hàng ưu tiên chiến lược có khi phải chờ nửa tháng mới có cầu tàu vào bốc dỡ.
Hàng qua cảng chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa trong đó hàng nhập khẩu năm 2008 đạt 6.218.248 tấn. Hàng container cũng tăng mạnh, năm 1995 lượng container qua cảng mới chỉ đạt 117,936 TEU đến năm 2006 đã đạt 463,899 TEU và năm 2007 tăng lên đến 683,689 TEU
Biểu đồ 1:Thống kê sản lượng container qua cảng Hải Phòng ( 1995- 2007)
Nguồn: trang web www.chp.com.vn -Cảng biển thành phố Hồ Chí Minh
Với lịch sử hơn 130 năm, cảng Sài Gòn trong hệ thống cảng biển của ngành hàng hải Việt Nam là một cảng có sản lượng và năng suất xếp dỡ cao
nhất trong cả nước. Năm 2000 sản lượng container mới chỉ đạt 237.000 TEU đến năm 2007 đã tăng lên 350.000 TEU
Bảng 1: Sản lượng container qua cảng sài gòn
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 Container 1.000 TEU 237 269 295 251 316 303 238 350 Nhập khẩu 120 137 150 126 158 145 118 175 Xuất khẩu 117 132 145 125 158 158 120 175
Nguồn: Từ trang web www.csg.com.vn
Cảng phía Nam chiếm 57 % khối lượng vận chuyển, riêng về container đến 90% khối lượng, hiện nay đang ở tình trạng quá tải. Tuy vậy Cảng Sài Gòn, thương cảng lớn nhất nước, cũng chưa phải lúc nào cũng đủ hàng. Những chuyến hàng xuất qua cảng này thông thường vẫn phải ngược xuống cảng Singapore để gom hàng hoặc chuyển hàng qua những đội tàu lớn hơn trước khi thực hiện hải trình lên Đông Bắc Á. Với năng lực tiếp nhận các tàu trọng tải từ 8.000 - 12.000 DWT hoặc tàu chở container từ 5.000 - 7.000 TEUs, cảng Sài Gòn đã trở lên lạc hậu so với các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực như Singapore, HongKong, Kaohsiung, Laem...
Hiện nay đang thực hiện chuyển cảng Sài gòn ra khỏi thành phố, thực ra là đang giảm công suất của cảng Sài Gòn cũ để giảm gây ách tắc giao thông, hàng hóa qua cảng sẽ chủ yếu qua Tân cảng Sài Gòn.
-Cảng biển Vân Phong
Vịnh Vân phong thuộc huyện Vạn Ninh, nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, có một vị trí đặc biệt trên bản đồ thương mại - hàng hải quốc tế. Đây là điểm cực đông của bán đảo Đông Dương, nằm gần với các trục hàng hải quốc tế từ châu Âu về Đông - Bắc Á, đi châu Đại Dương và ngược lại. Đó chính là lợi thế cơ bản nhất mà không mấy nơi trên thế giới có được. Hơn nữa, Vân Phong chinh là địa điểm để hình thành một chợ lớn của thế giới, một khu kinh tế mở mà trong đó thành phần cốt lõi là một cảng trung chuyển quốc tế. Mặt khác về địa hình Cảng Vân Phong có độ kín gió tốt nhất trong tất cả các cảng
của Việt Nam, rất an toàn cho tàu ra vào cảng, đặc biệt vịnh Vân phong có độ sâu tự nhiên rất lớn : trong tổng số 110 km bờ biển có thể làm cảng thì đã có 60 km có độ sâu từ 15 - 22 m. Luồng vào cảng ngắn có độ sâu trên 22 m, chiều rộng luồng nơi hẹp nhất là trển 400 m, cho phép tàu có thể lưu hành hai chiều thuận lợi và an toàn. Vân Phong cũng là một trong số rất ít vịnh của Việt Nam ( Vân phong, Cam Ranh, Vũng Rô) kín sóng, kín gió, không bị bồi lắng và qua nhiều năm vẫn giữ được độ sâu nguyên thuỷ. Dự kiến khi cảng Vân Phong đi vào hoạt động có thể đón được tàu có trọng tải tới 15.000 TEUs và thông qua được tổng lượng hàng hóa khoảng 17.000.000 TEUs/năm, có thể nói Vân Phong là nơi duy nhất có thể biến ước mơ về một cảng nước sâu của Việt Nam thành hiện thực, nhưng phải đến năm 2010 cảng mới đi vào hoạt động.
-Cảng biển Chân Mây (Thừa Thiên Huế)
Cảng biển Chân Mây là cảng biển tổng hợp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cảng Chân Mây nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền trung ( Huế - Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm của quốc gia và các khu công nghiệp Tứ hạ, phú bài, Chân Mây...Cảng biển Chân Mây là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với hành lang kinh tế Đông - Tây. Kết nối miền trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanma. Hiện nay cảng Chân Mây có bến số 1 với chiều dài 420, Có độ sâu -12 m, có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải 30.000 DWT. Trong những năm qua lượng tàu đến cảng Chân Mây tăng từ 89 tàu năm 2004 lên 105 tàu năm 2005 và 170 tàu năm 2006. Sản lượng hàng thông qua cảng tăng nhanh kể từ năm 2003 mới chỉ đạt 20.000 tấn nhưng đến năm 2004 sản lượng hàng hóa thông qua cảng chân mây đã tăng lên nhanh chóng đạt 300.000 tấn và đạt 523.000 tấn năm 2006, riêng 3 quý đầu năm 2007 đã đạt 494.162 tấn.
Bảng 2: Sản lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây
Năm 2003 2004 2005 2006 III Quý 2007
Sản lượng xếp dỡ ( tấn) 12000 200000 311000 359002 476270
Sản lượng hàng thông
qua 20000 300000 376000 523000 494162
nguồn số liệu www.chanmaysport.com.vn
-Cảng biển Đà Nẵng
Cảng Đà Nẵng với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, hiện tại là cảng biển lớn nhất của khu vực miền trung Việt Nam, cảng Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của khu vực và đất nước. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, ngoài vai trò là cửa ngõ chính cho hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Trung và Tây nguyên, cảng Đà Nẵng còn đóng vai trò là cửa ngõ chính ra biển Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng ổn định trong 10 năm qua, năm 2007 cảng Đà Nẵng tiếp tục khẳng định là cảng biển quan trọng hàng đầu tại khu vực miền trung. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng năm 2007 dự kiến đạt 2.750.000 tấn, đạt 106% kế hoạch, tăng 16 % so với năm 2006. Trong đó sản lượng container ước đạt 52.300 TEU, tăng đến 40% so với năm trước, ngoài ra lượng tàu khách đến cảng năm 2007 dự kiến 57 chuyến tăng 63%, lượng khách đạt 24.450 khách tăng 23% so với năm 2006.
Nguồn số liệu :trang web www.danangportvn.com
-Cảng biển Dung Quất( Quảng Ngãi)
Cảng này được quy hoạch với chức năng chính là phục vụ nhà máy lọc dầu số 1, khu kinh tế Dung Quất. khu liên hiệp đóng và sửa chữa tàu thuỷ...Hiện nay, đã đưa vào khai thác bến số 1 cho tàu 10.000 DWT vào neo cập phục vụ thi công các hạng mục công trình của nhà máy lọc dầu. Với diện tích 1.158 ha gồm 458 ha mặt nước hữu ích, 421 ha mặt bằng và kho bãi, độ sâu -19 m có thể tiếp nhận tàu hàng đến 3 vạn tấn, có chức năng là cảng nước sâu đa chức năng gồm nhiều khu cảng như: cảng dầu khí, cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng, cảng container. Dung Quất cũng là nơi cung cấp nguồn nhiên liệu chính cho khu vực Trung và Nam Lào vốn là quốc gia không có biển để hình thành ngành công nghiệp lọc hóa dầu cho riêng mình. Hàng hóa qua cảng ngày một nhiều để phục vụ cho các dự án, năm 2006 lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 800.000 tấn và từ năm 2007 với tốc độ tăng trên 50%/năm thì con số này sẽ là 1,2 triệu tấn. Nhưng khả năng đáp ứng mới đạt khoảng 60% yêu cầu do hệ thống cảng chuyên dùng và cảng tổng hợp triển
khai chưa đúng tiến độ như mong muốn nên đã xảy ra tình trạng tàu xếp hàng ngoài cảng.
2. Cảng biển cấp 2
Cảng biển loại II là cảng biển quan trọng, có quy mô vừa phục vụ cho viêc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương: Việt Nam có 23 Cảng biển loại II gồm: Cảng biển Mũi Chùa (Quảng Ninh), Cảng biển Diên Điền (Thái Bình), Cảng biển Nam Định, Cảng biển Lệ Môn (Thanh Hóa), Cảng biển Bến Thủy (Nghệ An), Cảng biển Xuân Hải (Hà Tĩnh), Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Cửa Việt (Quảng Trị), Cảng biển Thuận An (Thừa Thiên Huế), Cảng biển Quảng Nam, Cảng biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Cảng biển Vũng Rô (Phú Yên), Cảng biển Cà Ná (Ninh Thuận), Cảng biển Phú Quý (Bình Thuận), Cảng biển Bình Dương, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Mỹ Thới (An Giang), Cảng biển Vĩnh Long, Cảng biển Mỹ Tho (Tiền Giang), Cảng biển Năm Căn (Cà Mau), Cảng biển Hòn Chông, Bình Trị (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Các cảng cấp 2 là những cảng thuộc quyền quản lý của địa phương, chủ yếu để phục vụ phát triển kinh tế biển của vùng, địa phương nên có ảnh hưởng nhỏ đến các vùng khác. Cảng cấp 2 chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiếp chuyển hàng hóa cho khu vực và liên hiệp vận chuyển giữa đường sông với đường bộ và đường sắt. Cảng Mũi Chùa (Quảng Ninh ) chủ yếu dùng để vận chuyển than và một số hàng hóa nông sản, và du lịch trong vùng và vận chuyển đến các cảng chính ( cảng Cẩm Phả, cảng Hòn Gai ) để thực hiện giao lưu buôn bán với các khu vực cũng như với quốc tế. Hay thực hiện việc giao lưu giữa đất liền và hải đảo để trao đổi hàng hóa và du lịch như ở Côn Đảo. Hầu hết các cảng này đều nhỏ, khả năng đón tàu có trọng tải trung bình khoảng 1000 tấn.
Trước yêu cầu và xu hướng phát triển hàng hải nhiều cảng biển cấp 2 không chỉ thực hiện việc trao đổi hàng hóa trong khu vực mà còn được Nhà nước cho phép trao đổi hàng hóa với khu vực và trên thế giới đưới sự quản lý của địa phương, ví dụ như cảng biển Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận năm 2007 vừa qua đã được phép tiếp nhận tầu thuyền trong và ngoài nước có trọng tải đến 1000 tấn, ra vào hoạt động bốc xếp hàng hóa và thực hiện các dịch vụ hàng hải khác có liên quan.
3. Cảng biển cấp 3
Cảng biển loại III là cảng biển có quy mô nhỏ phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp: 9 Cảng biển loại III đều thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Cảng biển mỏ Rồng Đôi, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Lan Tây, Sư Tử Đen, Đại Hùng, Chí Linh, Ba Vì, Vietsopetro 01.
Bà Rịa- Vũng Tàu nằm ở vị trí rất đặc biệt, đây chính là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra Biển Đông, có ý nghĩa chiến lược về đường hàng hải quốc tế, có hệ thống cảng biển là đầu mối tiếp cận với các nước Đông Nam Á. Nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây khá phong phú và đa dạng có nhiều triển vọng hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển nhanh và toàn diện các ngành kinh tế biển như: dầu khí, cảng và vận tải biển, hải sản, du lịch...có điều kiện phát triển đồng bộ giao thông đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt...là nơi trung chuyển đi các nơi trong nước và quốc tế, phát triển thương mại và hợp tác đầu tư với nước ngoài. Các cảng biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu dùng để vận chuyển khai thác dầu mỏ, khoáng sản, hải sản của các doanh nghiệp trong vùng.
III - Đánh giá vai trò của hệ thống cảng biển đối với phát triển kinh tế -xã hội Việt Nam
1. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế
Trong những năm qua cảng biển Việt Nam đã giữ vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa ngoại thương, đảm nhận trao đổi trên 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước luôn đạt mức cao. Cảng là đầu mối để phục vụ nhập nguyên, nhiên liệu sản xuất và xuất sản phẩm cho các nhà máy trong khu công nghiệp. Các khu công nghiệp ngược lại là nguồn cung cấp hàng hóa cho hoạt động của cảng. Hệ thống cảng và các khu công nghiệp trở thành hai yếu tố không thể tách rời của một tổ hợp cùng thúc đẩy nhau phát triển.
Có thể nói, cảng biển ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế biển đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp vì biển là cửa ngõ giao lưu với thế giới, tạo điều kiện cho công tác xuất nhập khẩu hàng hoá thuận lợi với chi phí thấp.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của nước ta đã tăng từ 2,4 tỷ USD trong năm 1990 lên trên 5,4 tỷ USD năm 1995, lên gần 14,5 tỷ USD năm 2000, lên gần 32,5 tỷ USD năm 2005, lên trên 39,8 tỷ USD trong năm 2006 và có khả năng đạt 47,5 tỷ USD trong năm 2007.
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GDP cũng tăng nhanh từ 30,8% năm 1990 lên 46,5% năm 2000, lên 61,3% năm 2005, lên 65% năm 2006 và 67% năm 2007 - thuộc loại cao so với các nước (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 5 ở châu á và thứ 8 trên thế giới).
Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người cũng tăng từ 36,4 USD năm 1990, lên 75 USD năm 1995, lên 186,8 USD năm 2000, lên 391 USD năm 2005, lên 473,2 USD năm 2006 và khả năng năm 2007 đạt 557 USD.
Sự tăng tốc của xuất khẩu của Việt Nam do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nhờ mở rộng và xây dựng đầu tư hiện đại hóa các cảng biển, giảm chi phí vận chuyển tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế với các nước trên thế giới.
2. Đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trước đây khi chuẩn bị xây dựng cảng biển ở miền Trung, có nhiều quan điểm cho rằng miền Trung là vùng đất nghèo khổ, nông nghiệp lạc hậu và không đáng kể, công nghiệp hầu như không có và do đó hàng hóa không có thì làm sao có thể mở cảng để sử dụng mặt tiền và vị trí đắc địa của mình. Mười sáu năm qua kể từ khi dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất ra đời (từ 1992) đã cho thấy sự thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của miền Trung theo hướng phát triển hệ thống cảng biển trước một bước, kéo theo là sự hình thành các khu công nghiệp, các khu kinh tế và đô thị mới cùng với các dự án đầu tư cực lớn đến nhiều chục tỉ USD là một thực tiễn khách quan và đúng quy luật.
Sự ra đời của cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất đã đặt nền móng cho sự hình thành vùng trọng điểm kinh tế miền Trung kéo dài từ Liên Chiểu (Đà Nẵng) đến Dung Quất (Quảng Ngãi), dẫn đến hình thành khu công nghiệp tổng hợp kéo dài từ Đà Nẵng đến Dung Quất theo hướng bố trí các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu có khả năng cạnh tranh, đồng thời hình